'Bài toán' học phí trong bối cảnh tự chủ

29/09/2023 11:15

Kinhte&Xahoi Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có tờ trình Chính phủ về việc cho phép tăng học phí bậc đại học. Nhiều ý kiến cho rằng đây là vấn đề khó có giải pháp vẹn toàn giữa tăng học phí và nỗi lo của sinh viên trong bối cảnh các trường đại học đã tự chủ.

Lo ngại “cú sốc” học phí tăng

Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo được Chính phủ ban hành tháng 8/2021.

Tuy nhiên, sau 3 năm ban hành, Nghị định 81 không được triển khai do Chính phủ yêu cầu các trường đại học (ĐH), các địa phương không tăng học phí so với năm học 2020 - 2021 nhằm hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng nặng nề trong và sau dịch COVID-19.

Học phí bậc đại học tăng là nỗi lo của nhiều sinh viên. (Ảnh minh họa - PV)

Tháng 8 vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo và Bộ GD&ĐT lấy ý kiến các địa phương, các trường ĐH, chuyên gia về việc điều chỉnh, sửa đổi Nghị định 81 cho phù hợp tình hình thực tế.

Nhiều trường ĐH đề nghị phải tăng học phí để có thể bù đắp chi phí hoạt động thường xuyên bị cắt giảm hằng năm, nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện lộ trình tự chủ.

Theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, khung học phí sẽ lùi 1 năm so với Nghị định 81 và lùi đến năm học 2026 - 2027. Mức trần học phí với ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên năm học 2023 - 2024 là 1,2 - 2,45 triệu đồng/tháng, tùy khối ngành, cao hơn 220.000 đến 1.020.000 đồng so với mức quy định trong Nghị định 81.

Còn với những trường đã tự chủ tùy mức độ được thu tối đa bằng 2 - 2,5 lần mức trên, tương đương khoảng từ 2,4 đến 6,15 triệu đồng/tháng. Theo tờ trình này, Bộ GD&ĐT giữ nguyên các quy định về hỗ trợ học phí, miễn giảm học phí với học sinh, sinh viên diện chính sách, nhằm bảo đảm công bằng trong tiếp cận các dịch vụ giáo dục.

Được cho là hài hoà cân đối về chủ trương, nhưng với đề xuất trên, không ít ý kiến lo ngại, nếu áp dụng theo Nghị định 81, thì mức trần học phí giáo dục ĐH công lập năm học 2023 - 2024 sẽ tăng bình quân 45,7% so với năm học 2022 - 2023.

Đặc biệt khối ngành Y Dược tăng 93%, khối ngành Nhân văn, khoa học xã hội tăng 53%. Mức trần học phí giáo dục nghề nghiệp công lập tăng bình quân 82% so với năm học 2022 - 2023. Thậm chí, có khối ngành tăng lên gần 100% so với các năm học trước. Việc này sẽ trở thành gánh nặng rất lớn đối với không chỉ người học mà với cả xã hội.

Thanh Hà, sinh viên TP HCM bày tỏ: “Việc tăng học phí từ 1,5 - 2 lần khiến cho gia đình em vô cùng lo lắng và sẽ khiến những sinh viên nghèo như em bị giảm cơ hội bình đẳng trong học tập. Hiện nay, Chính phủ có chính sách cho mỗi sinh viên được vay vốn học tập.

Tuy nhiên, chương trình này chỉ áp dụng cho những bạn mồ côi; gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo; gia đình gặp khó khăn do dịch bệnh... Theo em, chương trình tín dụng riêng của các trường ĐH rất cần thiết, bởi không phải ai cũng được vay theo chính sách trên...”.

TS Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục ĐH, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam thẳng thắn cho rằng: “Ngay các trường ĐH công ở Mỹ - nơi có chính sách phúc lợi tốt - cũng thu một học sinh 10.000 - 15.000 USD/năm. Như vậy, rõ ràng học phí của ta đang rất thấp, việc dừng tăng học phí 3 năm vừa qua cũng gây áp lực lớn cho các trường.

Vì thế, không thể không điều chỉnh mức học phí nếu như muốn duy trì đội ngũ giảng viên và duy trì hoạt động dạy học. Tuy nhiên, phương án của Bộ đưa ra mức học phí tăng từ 1,5 đến 2 lần sẽ tạo một cú sốc khá lớn đối với nhiều sinh viên”.

Các trường ĐH “đau đầu” cân đối thu - chi

Theo ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, 2 năm nay các trường ĐH không được tăng học phí, trong khi chi thường xuyên cho các trường ĐH đã cắt giảm. Thời gian tới, nếu không giải quyết “bài toán” tài chính cho các trường ĐH thì sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực.

Theo lãnh đạo một số trường ĐH, hiện nay các trường ĐH “đau đầu” trong cân đối thu - chi, muốn nâng cao chất lượng đào tạo, rất cần được đầu tư tương xứng. Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, Tiến sĩ Lâm Nhân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP Hồ Chí Minh chỉ ra: “Trên thế giới, các trường ĐH tự chủ nhưng không phải nguồn thu học phí từ người học là chủ yếu, mà có nhiều nguồn thu khác từ đầu tư của Nhà nước, từ các tổ chức phi Chính phủ, các nguồn nghiên cứu khoa học, cựu sinh viên... Còn ở Việt Nam, hầu hết các trường tự chủ phải tự túc kinh phí và chủ yếu thông qua nguồn thu học phí. Do đó, nếu không được tăng học phí, hầu hết các trường ĐH sẽ gặp khó khăn.

Chính vì vậy, nếu Nhà nước chủ trương chưa tăng học phí trong năm học 2023 - 2024 theo lộ trình, thì nên có kế hoạch cấp bù ngân sách cho phần chênh lệch chưa được tăng học phí. Nếu không có chế độ đãi ngộ phù hợp và mang lại thu nhập cao cho giảng viên, sẽ khó giữ chân giảng viên có trình độ cao”.

PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM cho hay, tiến trình thực hiện tự chủ ĐH ở Việt Nam thời gian qua đã gặp những thách thức rất lớn, hầu hết liên quan đến tài chính ĐH gồm: Nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí.

Chính sách cho sinh viên vay còn rất hạn chế, kể cả đối tượng, quy trình thủ tục, định mức và thời hạn vay. Một số quy định về pháp luật còn chưa đồng bộ chưa thúc đẩy tự chủ ĐH. Mất cân đối trong lĩnh vực ngành nghề đào tạo khi có ít sinh viên chọn ngành khoa học, kỹ thuật công nghệ bao gồm cả bậc sau ĐH.

Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM kiến nghị, cần tăng đầu tư của Nhà nước cho giáo dục ĐH. Nhà nước cần có lộ trình điều tiết ngân sách đối với các trường ĐH tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường ĐH đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4 - 5 năm). Trong trường hợp chưa tăng được học phí, Nhà nước nên cấp bù phần ngân sách chưa được tăng.

Khó cạnh tranh nếu giữ nguyên mức đầu tư như hiện nay

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, tăng học phí không có nghĩa là giảm công bằng xã hội. Nếu nhìn theo một góc độ khác, các trường ĐH muốn có chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo thì cần có kinh phí hỗ trợ, muốn vậy cần tăng học phí. Hiện một số trường ĐH trong khu vực đang có mức chi phí cao gấp chục lần so với chi phí tại các trường ĐH công lập tại Việt Nam. Nếu giữ nguyên mức đầu tư như hiện nay sẽ rất khó để cạnh tranh.

Uyên Na- Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/giao-duc/bai-toan-hoc-phi-trong-boi-canh-tu-chu-d199106.html