Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình luật sư Loseby (người đã giúp bào chữa cho Bác trong vụ án Hong Kong, 1931 - 1933), tại Phủ Chủ tịch, tháng 2/1960. Ảnh: Tư liệu/TTXVN.
Với nhà nghiên cứu Lý Minh Hán, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, là nhân vật nổi tiếng, nhưng không hẳn đã nhiều người biết về những gian truân mà Hồ Chủ tịch đã gặp phải và vượt qua trong thời gian 3 năm ở Hong Kong. Có lẽ tình người, nhân cách và bản lĩnh cách mạng của người cộng sản là một trong những yếu tố quan trọng giúp Người thoát khỏi nhà tù của thực dân Anh tại Hong Kong.
Ông Lý Minh Hán kể rằng, ngày 20/1/1930, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc ngồi tàu hỏa từ Quảng Châu, Quảng Đông, Trung Quốc đến Hong Kong với tên gọi Tống Văn Sơ. Nhiệm vụ của Người là theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, hợp nhất 3 tổ chức Đảng Cộng sản ở Việt Nam thành một chính đảng thống nhất của giai cấp vô sản.
Theo kế hoạch ban đầu, nhiệm vụ này được thực hiện ở Quảng Châu, dưới sự giúp đỡ và sắp xếp của tổ chức Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Quảng Đông. Thế nhưng, lúc đó tại Quảng Châu, Quốc dân đảng mạnh tay đàn áp những người cộng sản, tình hình an ninh không cho phép nên nhiệm vụ này được chuyển sang Hong Kong, khi đó là thuộc địa của Anh.
Sau khi đến Hong Kong, Tống Văn Sơ được các đồng chí Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn báo cáo tình hình, tìm cách báo tin với đại diện của 3 tổ chức đảng ở trong nước sang Hong Kong bàn bạc việc hợp nhất.
Ngày 3/2/1930, tức ngày mùng Năm tháng Giêng năm Canh Ngọ, 7 người gồm Tống Văn Sơ, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trịnh Đình Cửu, Nguyễn Đức Cảnh, Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu đã tiến hành Hội nghị hợp nhất An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (đại diện không kịp có mặt tại hội nghị) thành một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Tên gọi “Đảng Cộng sản Việt Nam” không chỉ phù hợp với thực tế lịch sử, địa lý lúc đó, mà còn phù hợp với tư tưởng quyền dân tộc tự quyết của lãnh tụ vô sản V.I. Lenin.
Sau khi triệu tập và chủ trì thành công Hội nghị hợp nhất, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tống Văn Sơ tiếp tục ở lại Hong Kong hoạt động cách mạng. Thời gian này, Người ở tại ngôi nhà số 186 phố Tam Kung, Cửu Long và nơi đây trở thành trụ sở liên lạc bí mật giữa Tống Văn Sơ và các đồng chí cộng sản khác. Tống Văn Sơ dùng địa chỉ này để gửi thư cho các đồng chí ở Sài Gòn và ngày 24/4/1930, bức thư đã bị rơi vào tay mật thám Pháp. Mật thám Pháp đã phối hợp với mật thám Anh tìm ra manh mối và địa chỉ nơi ở của Tống Văn Sơ. Sáng sớm 6/6/1931, Tống Văn Sơ và một nữ đồng chí tên là Lý Tâm đã bị một tốp cảnh sát ập vào bắt giữ và đưa về Sở Cảnh sát Hong Kong.
Sau một tuần bị tạm giam ở trụ sở Cảnh sát Hong Kong, ngày 12/6/1931, cảnh sát Hong Kong đã chuyển Tống Văn Sơ về nhà tù Victoria ở số 16 phố Old Bailey trên đảo Hong Kong và Người bị giam giữ tại đây hơn một năm, từ tháng 6/1931 đến tháng 7/1932. Hiện nhà tù Victoria đã được cải tạo thành bảo tàng và trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn của Hong Kong. Trong khoảng thời gian này, Tống Văn Sơ đã phải trải qua 9 lần thẩm vấn tại tòa.
Câu chuyện cảm động là luật sư người Anh Loseby, vì cảm mến Tống Văn Sơ và khâm phục trước nhân cách của Người nên đã tự nguyện bào chữa miễn phí, bất chấp cảnh sát Anh và mật thám Pháp nhiều lần đe dọa, gây trở ngại.
Ông Lý Minh Hán cho biết, sau khi Tống Văn Sơ bị bắt, Quốc tế Cộng sản đã thông qua các tổ chức Liên đoàn Quốc tế cứu tế Đỏ, Đồng minh phản chiến quốc tế... phát động các hoạt động hỗ trợ và ứng cứu, đồng thời mời Chủ tịch Hiệp hội Luật sư Hong Kong, luật sư nhân quyền người Anh Loseby bào chữa cho Tống Văn Sơ. Qua một vài lần nói chuyện với Tống Văn Sơ, chính luật sư Loseby từng nói với Tống Văn Sơ: “Tôi biết ngài là nhà lãnh đạo của phong trào cách mạng Việt Nam. Tôi sẽ bào chữa cho ngài vì niềm vinh dự, chứ không phải vì tiền”.
Luật sư Loseby đã chia sẻ với vợ mình về sự cảm phục trước tính cách cương nghị, ngay thẳng và đầy bản lĩnh của Tống Văn Sơ. Không ngờ vợ luật sư Loseby bày tỏ muốn được đến nhà tù để trực tiếp gặp Tống Văn Sơ, rồi sau đó chính bà là người nhiều lần mua thuốc, đồ ăn và vào thăm Tống Văn Sơ trong nhà tù Victoria.
Qua nhiều lần gặp gỡ, biết Tống Văn Sơ thích hoa sen, vợ luật sư Loseby mỗi lần đến thăm đều không quên mua tặng Người một bó hoa sen. Đón nhận những đóa sen ngào ngạt hương thơm mà thanh khiết từ người vợ luật sư Loseby, Nguyễn Ái Quốc phần nào vơi đi nỗi nhớ quê hương đất nước, giúp Người quên đi cái lạnh lẽo và điều kiện sống khắc nghiệt trong xà lim biệt lập của nhà tù Vitoria, càng thêm quyết tâm vượt qua những khó khăn để tiếp tục sự nghiệp hoạt động cách mạng.
Một lần đến thăm Tống Văn Sơ, vợ luật sư Loseby đi cùng bạn thân là bà Stalla Benson - phu nhân Phó Thống đốc Hong Kong Thomas Southon. Giống như vợ luật sư Loseby, bà Stalla Benson đặc biệt ấn tượng về người đàn ông An Nam nói tiếng Anh rất giỏi, thông minh, dí dỏm và lạc quan. Khâm phục trước tài năng, sự dũng cảm và đức độ của Tống Văn Sơ, bà Stalla Benson đã không ngần ngại bày tỏ mong muốn chồng mình, ông Thomas Southon, với cương vị Phó Thống đốc Hong Kong, có những tác động có lợi cho Tống Văn Sơ.
Tháng 12/1931, Tòa án Dân sự Tối cao Hong Kong đã ra phán quyết trả tự do cho Tống Văn Sơ, nhưng không được phép lưu lại Hong Kong.
Sau khi được tự do, Tống Văn Sơ đã yêu cầu được tạm thời đến Anh. Ngày 28/12/1932, Người lên tàu đến Singapore để sang Anh. Thế nhưng, khi con tàu cập cảng Singapore, Tống Văn Sơ đã không được lên bờ và buộc phải quay lại Hong Kong.
Ngày 19/1/1933, Người một lần nữa bị bắt giam tại Hong Kong. Rồi lại một lần nữa gia đình luật sư Loseby đã đứng ra bênh vực và đưa Tống Văn Sơ ra khỏi nhà tù. Kế hoạch di chuyển và bí mật tổ chức cho Tống Văn Sơ rời khỏi Hong Kong đã được đưa ra với sự giúp đỡ của gia đình luật sư Loseby.
Sau khi ra khỏi nhà tù, do điều kiện sức khỏe, Tống Văn Sơ chưa thể rời Hong Kong. Trong thời gian này, để tránh sự theo dõi của mật thám Anh, Tống Văn Sơ đã nhiều lần di chuyển chỗ ở, khi ở tạm trong Ký túc xá Hội Thanh niên Thiên chúa giáo Trung Hoa (YMCA), khi thì ở ngay trong nhà riêng của luật sư Loseby.
Cuối cùng, ngày 22/1/1933, kế hoạch đưa Tống Văn Sơ bí mật rời Hong Kong đã được thực hiện, khi đó Người đã cải trang thành một thương gia Trung Quốc giàu có đi xuồng ra khơi, rồi lên tàu Anhui đi Hạ Môn, Phúc Kiến, Trung Quốc và ngày 25/1/1933, tàu đã cập bến Hạ Môn.
Kết thúc câu chuyện, nhà nghiên cứu Lý Minh Hán nhấn mạnh rằng trong thời gian Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong tròn 3 năm, từ tháng 1/1930 đến tháng 1/1933, ngoài những câu chuyện hoạt động cách mạng mà lịch sử còn lưu giữ, nhân cách con người, phẩm chất đạo đức và bản lĩnh cách mạng của người cộng sản là một phần di sản vô hình mà Nguyễn Ái Quốc đã lưu lại ở Hong Kong