Báo động sức khỏe từ việc “ôm” máy tính hàng giờ
Kinhte&Xahoi
Trong thời đại 4.0, máy tính giống như một trợ thủ đắc lực gắn liền với đời sống của nhiều người, nhất là lớp trẻ. Việc ngồi trước máy tính nhằm phục vụ nhu cầu công việc hay giải trí là điều xảy ra mỗi ngày. Thế nhưng, việc “ôm” máy tính hàng giờ có thể gây ra nhiều hệ luỵ đến sức khỏe.
Ảnh minh họa
Ảnh hưởng thị giác
Theo một khảo sát được thực hiện trên 1.000 người từ 18 – 25 tuổi tại TP HCM và Hà Nội năm 2019, giới trẻ đang ngồi quá lâu trước màn hình máy tính và điện thoại. Thời gian trung bình sử dụng máy tính là 6 tiếng 50 phút/ngày và điện thoại là 5 tiếng 35 phút/ngày.
Thế nhưng, không phải ai cũng biết việc ngồi trước màn hình máy tính trong thời gian dài lại là thủ phạm gây ra nhiều hệ luỵ đến sức khỏe. Một trong những hệ luỵ dễ thấy nhất chính là ảnh hưởng thị giác. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 90% nguy cơ mắt bị suy giảm thị lực nếu phải tiếp xúc với màn hình thiết bị điện tử trên 3 tiếng/ngày.
Điều này là dễ hiểu, bởi khi ngồi trước màn hình máy tính lâu, nhìn vào màn hình trong thời gian dài khiến mắt phải làm việc quá nhiều dễ gây ra các bệnh về mắt. Một trong những bệnh lý nghiêm trọng và dễ mắc phải về mắt là Hội chứng Rối loạn thị giác do sử dụng máy tính (CVS).
Theo khảo sát tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, trong số những người sử dụng máy tính thường xuyên có đến 98% sẽ bị mỏi mắt và 76% bị rát mắt. Những triệu chứng khác như khô mắt, mờ mắt, nhức đầu và đau hốc mắt đều là những dấu hiếu của CVS. Hội chứng CVS ngày càng phổ biến, nhất là ở người làm văn phòng, làm ảnh hưởng đến chức năng thị giác, chất lượng làm việc và chất lượng cuộc sống.
Nguyên nhân khách quan gây ra các bệnh lý về mắt bao gồm việc mắt sẽ giảm tần số chớp khi sử dụng máy tính, khiến mắt bị khô, không đủ nước để bôi trơn và làm sạch bụi. Ngoài ra, nguồn sáng xanh phát ra từ màn hình máy tính sẽ xuyên qua các lớp lọc ánh sáng tự nhiên của nhãn cầu đến đáy mắt, gây tổn thương võng mạc về lâu dài. Về nguyên nhân chủ quan có thể phụ thuộc đến các yếu tố như thời gian nhìn màn hình, tư thế ngồi, cự ly vị trí và góc độ đặt màn hình so với mắt, độ sáng và góc độ của nguồn sáng, chất lượng màn hình, độ tương phản, độ phân giải,… hay cả kính mắt sử dụng.
Chính vì vậy, để hạn chế tối đa những ảnh hưởng xấu của màn hình máy tính đến thị giác, cần chú ý những điều sau. Đầu tiên, cần điều chỉnh thời gian ngồi máy tính sao cho hợp lý và có thời gian cho mắt nghỉ. Rất đơn giản, cứ sau 30 phút đến 1 tiếng sử dụng máy tính hãy cho mắt được thư giãn, nghỉ ngơi bằng cách nhắm mở mắt trong 1 phút, tập những bài luyện mắt đơn giản và dùng gốc hai bàn tay xoa nhẹ hai mắt trong 30 đến 60 giây.
Hoặc có thể áp dụng một quy tắc rất đơn giản, dễ thực hiện, được khuyến cáo bởi các chuyên gia ở Mỹ đó là quy tắc 20 – 20 – 20. Cụ thể là sau khi ngồi làm việc với máy tính khoảng 20 phút thì nên tạm dừng, nhìn ra một góc nào đó xa xa khoảng 20 feet (tương đương 6m), trong vòng khoảng 20 giây. Sau đó thì quay lại tiếp tục làm việc.
Đồng thời hãy giữ cho đôi mắt mình ở vị trí cách màn hình máy tính ít nhất là 50cm và khắc phục những nguyên nhân khách quan về độ sáng, nguồn sáng,… đây cũng là yếu tố quan trọng để giữ một đôi mắt khoẻ. Nên tập thói quen chớp mắt thường xuyên, đầy đủ khi làm việc để đôi mắt được thư giãn và thoải mái. Bên cạnh đó có thể sử dụng thêm các sản phẩm bổ trợ cho mắt như các dung dịch vệ sinh mắt, nước nhỏ mắt, thuốc bổ mắt, thực phẩm chứa nhiều vitamin A hay kính lọc ánh sáng xanh để bảo vệ tốt nhất cho “cửa sổ tâm hồn”.
Các vấn đề về cơ và xương
Hiện nay, số người dùng máy tính thường xuyên bị các vấn đề về đau cơ xương khớp đang tăng lên đáng kể, đặc biệt là vùng nửa thân trên. Thực tế, đau cơ xương khớp là hậu quả của tình trạng căng cơ lặp đi lặp lại, hoạt động quá mức. Những vi chấn thương này gây đau ở xương, khớp, cơ hoặc các cấu trúc xung quanh. Cơn đau có thể cấp tính hoặc mãn tính, khu trú hoặc lan tỏa.
Trong đó, đau lưng là ví dụ phổ biến nhất của nhóm bệnh lý này và là vấn đề mà những người ngồi làm việc suốt ngày trước máy tính thường mắc. Việc dùng máy tính bị đau mỏi lưng đã được nhiều nghiên cứu chứng minh, theo đó tư thế ngồi sẽ tăng áp lực lên cột sống trên 50% so với lúc đứng. Vì vậy, người sử dụng máy tính ngồi càng lâu thì áp lực đè lên các cột sống càng nhiều, dễ gây đau vùng lưng.
Một bệnh lý khác có thể kể đến là hội chứng ống cổ tay, đây là hội chứng khi mà cổ tay sử dụng bàn phím và chuột cầm tay trong thời gian dài ở một vị trí cố định. Biểu hiện của hội chứng này là cảm giác đau lan xuống ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và nửa trong của ngón đeo nhẫn, tê giống như kiến bò hay kim châm. Một số người bị đau lan cổ tay, lòng bàn tay, cảm giác đau và tê đôi khi lan lên cẳng tay làm cho khó cầm nắm.
Với tư thế vùng cổ, đây là một tư thế quan trọng khi ngồi làm việc. Tư thế ngồi đúng là ngồi thẳng và phải đưa tầm mắt ngang với màn hình máy tính để có một tư thế thoải mái khi làm việc. Không nên ngồi cao hơn hay thấp hơn vì nếu thấp hơn cơ thể sẽ cong lại và hạn chế lưu thông máu. Còn nếu tầm mắt cao hơn thì sẽ tạo áp lực cho mắt, cột sống cổ ngước lên sẽ uốn cong gây ra các vấn đề về xương khớp.
Bên cạnh việc có một tư thế đúng, cơ thể cũng cần được nghỉ ngơi sau thời gian từ 1 – 2 giờ làm việc. Đồng thời nên thực hiện những động tác thư giãn và bài tập giãn gân cốt cho từng vùng để kích thích sự lưu thông máu và tránh đau mỏi. Hãy tận dụng mọi cơ hội để đứng lên đi lại, bởi đứng dậy đi lại mỗi giờ một lần là cách tốt để thư giãn cơ thể. Đứng dậy nghỉ ngơi sau mỗi giờ làm việc và nếu duy trì hoạt động này thường xuyên sẽ ngăn cho nhịp tim không bị giảm, cũng như toàn bộ cơ thể không bị trì trệ.
Linh Chi - Pháp luật Plus