Báo động tình trạng chủ quan với Covid-19
Kinhte&Xahoi
Thời điểm này, nhiều nước trên thế giới đang điêu đứng vì đợt bùng phát Covid mới. Tại Việt Nam, tình hình dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt, đời sống ổn định, tuy nhiên, nhiều người dân đã có dấu hiệu lơ là, chủ quan với việc phòng chống dịch bệnh mặc dù cơ quan chức năng không ngừng khuyến cáo.
Ảnh minh họa
Thời điểm Tết Tây vừa qua, dù đã có những cảnh báo về việc hạn chế tụ tập đông người, đồng thời thông tin về các ca bệnh liên quan đến nhập cảnh trái phép chưa khống chế được hoàn toàn, nhưng người dân vẫn “nô nức” đến các chốn đông người, thậm chí không có biện pháp phòng ngừa đối với việc lây lan bệnh dịch.
Không chỉ ở thời điểm nghỉ lễ, đón Tết Tây, hiện nay, trong sinh hoạt thường ngày, vẫn có thể dễ dàng chứng kiến cảnh người dân chủ quan, không phòng bị đối với dịch bệnh.
9h00 sáng ngày 8/1, phóng viên chứng kiến cảnh người dân lên xe khách giường nằm H.B, từ Sài Gòn đi Đà Lạt, dù sinh hoạt chung trong không gian xe nhỏ hẹp, sử dụng máy lạnh, nhưng cả tài xế, phụ xe và 2/3 hành khách đi chuyến xe này đều không đeo khẩu trang.
Tương tự, các điểm vui chơi, công viên giờ đây cũng không ít người dân không sử dụng khẩu trang.
Tại công viên Lê Văn Tám, quận 3, người tập thể dục, chạy bộ và hoạt động khiêu vũ buổi chiều vẫn diễn ra bình thường, có người đeo khẩu trang, người không.
Tại Bệnh viện Đại học Y dược, nơi tập trung rất đông bệnh nhân ra vào, lực lượng bảo vệ đã tiến hành hướng dẫn người dân khai báo y tế kĩ lưỡng.
Tuy nhiên, việc xếp hàng để khai báo y tế lại không có khoảng cách an toàn vì những hàng dài vài trăm người, chen san sát nhau. Trong số đó không ít người thiếu ý thức, không trang bị khẩu trang gây ra nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh.
Theo quy định của Điểm a, Khoản 1, Điều 12, Nghị định 117 có hiệu lực từ ngày 15/11/2020, người dân tại hai TP lớn là TP HCM và Hà Nội khi đến nơi công cộng mà không đeo khẩu trang sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng.
Thời gian đầu Nghị định được ban hành, người dân chấp hành khá nghiêm túc, đặc biệt là với các đợt ra quân mạnh mẽ của cơ quan chức năng và không ít trường hợp bị xử phạt, xử phạt tăng nặng.
Nhưng tình hình có vẻ như đang dần bị buông lỏng, người dân đang có dấu hiệu lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch, đặc biệt là trong thời điểm cuối năm nhiều hoạt động nghệ thuật, lễ hội, Tết.
Cần sớm có những đợt ra quân và xử lý rốt ráo, đồng thời tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch bệnh từ các cơ quan chức năng, để người dân hiểu và nắm được mối nguy đang tiềm ẩn và có ý thức hơn trong công tác phòng chống dịch.
Ngọc Mai - Pháp luật Plus