Một trong các nguyên nhân được xác định dẫn đến tình trạng này là do sự phân bố, điều chỉnh của đèn tín hiệu giao thông chưa hợp lý. Cùng với đó, việc một cụm đèn tín hiệu giao thông có nhiều cơ quan tham gia quản lý cũng dẫn tới nhiều bất cập, ảnh hưởng tới việc khai thác của đèn tín hiệu.
Gần chục cụm đèn được đầu tư trên địa bàn quận Nam Từ Liêm là ví dụ. Tháng 7/2020, chỉ mấy ngày sau khi lắp đặt, đèn đã khiến người tham gia giao thông trên các tuyến đường như Hồ Tùng Mậu, Trịnh Văn Bô đối mặt với tình trạng ùn tắc liên miên. Có những thời điểm, dòng xe ùn dài cả cây số.
Đại úy Trần Quang Chinh, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 6, Công an TP Hà Nội cho biết, từ khi quận Nam Từ Liêm phối hợp cắm biển báo, sơn kẻ làn đường và cụm đèn tín hiệu, giao thông trên tuyến Hồ Tùng Mậu càng phức tạp. Do khi có hệ thống đèn, các phương tiện không được rẽ trái, phải đến điểm quay đầu xe. Một số người dân chưa quen, vẫn thực hiện rẽ trái khiến dòng xe bị đan xe, gây ùn tắc. “Khi đã đan xen đâm vào nhau như thế làm cho đường không thể nào thoát được. Lực lượng Cảnh sát giao thông rất vất vả, phải phân luồng từ xa, có nghĩa là phải từ ngoài vào trong” - Đại úy Chinh nói.
Còn theo đại diện Ban Quản lý dự án Nam Từ Liêm – chủ đầu tư lắp đặt 8 cụm đèn tín hiệu trên địa bàn cho biết, lý do dẫn đền ùn tắc sau khi bố trí lắp đặt các cụm đèn tín hiệu này là do người dân chưa quen với việc có hệ thống đèn tín hiệu vì phân luồng bố trí chưa hợp lý, nên thường xuyên dừng đỗ sai làn.
Thực tế hiện đang có rất nhiều bên tham gia quản lý một cụm đèn tín hiệu giao thông như ngành công an, Sở Giao thông thành phố, đơn vị duy tu bảo dưỡng, chính quyền địa phương… Tình trạng này dẫn đến việc chồng chéo, nhiều bất cập. Theo ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Giám đốc Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội, ngoài việc chồng chéo trong quản lý, khai thác, vận hành, duy tu, duy trì, một số trường hợp hệ thống đèn chưa phát huy hiệu quả do có nhiều đơn vị đầu tư.
“Ngoài Sở GTVT là chủ đầu tư các nút đèn tín hiệu giao thông, còn có các chủ đầu tư khác như các quận, huyện, các đơn vị BOT, BT trên địa bàn thành phố, nhưng khi đầu tư xong thì các đơn vị này chậm bàn giao về Sở GTVT, Công an TP Hà Nội nên việc khai thác các nút đèn để điều tiết, phục vụ giao thông chưa được hiệu quả” - ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết. Theo thống kê, hiện toàn TP Hà Nội có gần 30 nút đèn do các chủ đầu tư khác chưa bàn giao về Sở GTVT Hà Nội, khiến hiệu quả khai thác bị hạn chế.
Vẫn biết rằng, sự tham gia của chính quyền địa phương cấp quận, huyện trong đầu tư lắp đặt hệ thống báo hiệu đường bộ, trong đó có đèn tín hiệu giao thông giúp thành phố phần nào giảm bớt gánh nặng đầu tư, gắn chặt hơn trách nhiệm của địa phương. Tuy nhiên, nếu việc lắp đặt không hiệu quả, gánh nặng ùn tắc lại tăng lên, tổn thất và lãng phí xã hội đội lên từ chính các hạng mục đầu tư thì đó là điều rất cần xem lại. Hậu quả cuối cùng, không ai khác chính là người dân, người tham gia giao thông luôn hứng chịu.
Để khắc phục tình trạng này, trước hết cần khắt khe hơn nữa trong phê duyệt các dự án đầu tư, trên cơ sở các nghiên cứu đánh giá tác động, căn cứ trên tham vấn của các cơ quan chuyên môn, không để đầu tư ồ ạt, lãng phí, lợi bất cập hại, thậm chí phản tác dụng. Bên cạnh đó, việc quản lý vận hành khai thác nên thu gọn đầu mối, giao đúng “vai”, vừa để đạt hiệu quả tốt nhất, vừa tránh độ trễ không đáng có về thời gian mỗi khi xuất hiện bất cập cần điều chỉnh.
Nguyễn Sinh - Pháp luật Plus