Bệnh viện Thanh Nhàn để quên dụng cụ y tế trong người bệnh nhân
Kinhte&Xahoi
Sau nhiều cuộc gọi, nhắn tin với lãnh đạo và cán bộ Bệnh viện Thanh Nhàn để tìm hiểu về nội dung bác sĩ bệnh viện Thanh Nhàn để quên dụng cụ y tế trong người bệnh nhân đến nay đã hơn một tuần lễ nhưng phía Bệnh viện thanh Nhàn vẫn cố tình "né tránh" những câu hỏi mà phóng viên đưa ra.
Mới đây, PV báo PLVN tiếp nhận thông tin từ chị Y (Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) vợ của anh P.H là bệnh nhân đã mổ sỏi thận tại bệnh viện Thanh Nhàn phản ánh về việc ca mổ sỏi thận cho anh H đã để quên ống thông tiểu (ống dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang) trong cơ thể anh H suốt hơn 2 tháng quá khiến anh H đi tiểu ra máu và cảm thấy đau buốt.
Chị Y cho biết, vào khoảng giữa tháng 6/2019, gia đình chị có đưa anh H đi mổ nội soi tại bệnh viện Thanh Nhàn. Ca mổ được bác sỹ Thành trực tiếp mổ. Sau khi mổ xong, gia đình và trực tiếp anh H đã hỏi bác sỹ Thành về việc có đặt ống thông tiểu hay không thì nhận được câu trả lời là không đặt ống này.
Đồng thời, tại giấy hẹn sau khi ra viện cũng không được bác sỹ chỉ định quay lại bệnh viện lấy ống thông tiểu ra ngoài.
Khoảng 2 tháng sau, anh H vẫn tiếp tục đi tiểu ra máu và cảm thấy đau buốt. Tới bệnh viện Thanh Nhàn khám lại thì được chỉ định đi chụp X – Quang. Kết quả chụp cho thấy một ống hình móc câu được đặt trong cơ thể bệnh nhân H.
Trước sự việc trên, chị Y – vợ của bệnh nhân H đã vô cùng bức xúc đề nghị bệnh viện mổ lấy ống thông tiểu trong cơ thể chồng mình ra. Tuy nhiên, phía bệnh viện Thanh Nhàn yêu cầu gia đình chị Y đưa thêm 2 triệu đồng thì mới mổ cho anh H. Sau khi được bác sĩ mổ lấy ống ra khỏi cơ thể thì anh anh H cảm thấy không còn đau như trước và sức khỏe tiến triển tốt hơn.
Chưa dừng lại ở đó, theo chia sẻ của chị Y thì tại khoa Thận tại bệnh viện Thanh Nhàn có loại giường cho bệnh nhân theo diện bảo hiểm y tế và giường dịch vụ theo nhu cầu tự nguyện của bệnh nhân. Tuy nhiên, đối với giường bảo hiểm y tế thường sẽ bị ghép 3 – 4 bệnh nhân/giường. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
Phim chụp X-Quang của bệnh nhân P.H.
Trước thông tin trên, PV báo PLVN đã liên hệ làm việc với bệnh viện Thanh Nhàn để tìm hiểu thông thông tin đa chiều, khách quan.
Trong quá trình liên hệ, đặt lịch làm việc phóng viên được bà Bùi Thị Hồng – Phòng kế hoạch tổng hợp ( BV Thanh Nhàn ) tiếp nhận thông tin của phóng viên và hẹn lịch làm việc sau khi có kết quả xác minh.
Thế nhưng, sau nhiều ngày liên hệ và nhắn tin qua điện thoại của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Quang Minh để liên hệ làm việc thì ông Minh cũng không nghe điện hay phản hồi lại.
Tiếp tục vài ngày sau, PV liên hệ với bà Hồng thì bà Hồng cho biết, sự việc này được chuyển cho bác sĩ Quốc Anh – TP Kế hoạch Tổng hợp trả lời báo chí.
Liên hệ với ông Quốc Anh, phóng viên nhận được câu trả lời rằng: “Tôi rất nhiều việc và mới tiếp nhận sự việc, đề nghị phóng viên cung cấp thông tin để tôi xác minh sau đó trả lời sau”
Câu trả lời của ông Quốc Anh được hiểu rằng, sự việc bác sỹ để quên ống thông tiểu trong cơ thể bệnh nhân không thực sự quan trọng bằng những việc khác của ông Quốc Anh. Đồng thời, quy trình làm việc của Bệnh viện Thanh Nhàn đang thực sự có vấn đề khi mà không dưới hai lần phóng viên để để lại nội dung làm việc tại bệnh viện để bệnh viện chủ động xác minh thông tin báo nêu.
Thay vì trả lời về việc để quên dụng cụ y tế trong cơ thể bệnh nhân thì phía bệnh viện Thanh Nhàn lại liên hệ với gia đình anh H để xác minh lại việc trao đổi thông tin với phóng viên của chị Y.
Không hiểu vì né trách trách nhiệm hay không quan tâm đến sức khỏe bệnh nhân mà phía bệnh viện Thanh Nhàn đang không muốn công khai sự việc tới dư luận ?
Với cách hành xử như vậy, phần nào người dân cũng sẽ hiểu được vị trí của 2 từ Y Đức được đặt ở đâu trong suy nghĩ của những người khoác lên mình chiếc áo blouse trắng trong vụ việc này…
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin sự việc tới bạn đọc.