Hình ảnh nam phụ huynh xông vào lớp giật tóc, tát vào mặt trẻ 2 tuổi - ảnh cắp từ clip.
Nhắm mắt bênh con
Chỉ sau khi cơ quan Công an tỉnh Lào Cai thông báo truy tìm toàn quốc thì ông BVH - người đã có hành vi đánh, giật tóc cháu PTBA (2 tuổi) tại trường Mầm non Trump Kids - mới ra trình diện công an.
Cùng với việc trình diện, ông BVH cũng đã đến tận gia đình gặp bố mẹ bé gái xin lỗi về hành động của mình và mong được bỏ qua, nhưng gia đình bé gái không chấp nhận và muốn xử nghiêm.
Thông qua vụ việc này có thể thấy từ một câu chuyện giữa hai đứa trẻ 2 tuổi và món đồ chơi đã trở thành chuyện nghiêm trọng của người lớn, thậm chí vi phạm pháp luật. Nếu như buổi chiều hôm đó, khi đến đón con, ông BVH bình tĩnh nhìn nhận sự việc thì đã không có hành động liên tiếp túm tóc, tát vào mặt, đánh vào chân và mông bé gái. Hình ảnh do camera cho thấy ông BVH chỉ dừng lại khi bé gái quá sợ hãi vì bị đánh đã xin lỗi con của mình.
Trường hợp của ông BVH cũng không cá biệt trong xã hội khi ngay sau đó lại có một ông bố khác vì bênh con mà đánh một bé trai. Clip xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy ban đầu là cảnh một nhóm trẻ nhỏ chơi xe đạp trong khu dân cư. Tuy nhiên, khi một nhóm trẻ nhỏ đi xe đạp tới thì một cậu bé khoảng 6-7 tuổi, mặc áo trắng, đi xe đạp màu cam bị bạn chặn lại và cố tình đẩy ngã xuống đường.
Cậu này lập tức đứng dậy đánh trả thì tiếp tục bị bạn đánh. Thấy vậy, một người đàn ông được cho là bố của cậu bé đi xe đạp bị đẩy ngã vội vàng lao tới, vung tay đấm thẳng vào đầu cậu bạn của con trai dằn mặt. Cú đấm mạnh tới nỗi khiến cậu bé loạng choạng ngã xuống xe đạp.
Bênh con mù quáng tới mức gây bức xúc xã hội có lẽ phải kể đến câu chuyện đã diễn ra cách đây vài năm trong một chương trình truyền hình. Mẹ của một thí sinh tuổi vị thành niên đã khiến cô bé và gia đình bị gắn danh hiệu “cô gái quăng bom”, “gia đình bom nguyên tử”.
Điều đáng nói là bản thân cô bé không có lỗi, mà lỗi bắt nguồn từ những lời giới thiệu có phần hơi quá lố và phản cảm của người thân cô bé. Đặc biệt hơn, “điểm nhấn” tạo nên thảm họa chính là những phát biểu của người mẹ sau khi cô bé bị loại.
Bênh vực, bảo vệ cho con cái là thiên chức của các bậc làm cha, làm mẹ, nhưng cách mà bà mẹ này đã làm thật sự khó lòng chấp nhận, nhất là khi bà luôn khăng khăng giữ quan điểm của mình rằng con tôi là tài năng thật sự và xứng đáng hơn nhiều thí sinh từng thành công trước đó (!). Trong khi thực tế, tài năng của cô bé chỉ dừng ở mức trung bình và không thể thuyết phục bất kì ai trong Ban giám khảo lẫn khán giả xem chương trình.
Bênh mù quáng và làm hư con – ranh giới rất gần
Dạy con nên người đó là nhiệm vụ mà các bậc cha mẹ bắt buộc phải thực hiện trong vai trò của mình. Bênh vực con khi cần thiết đó là bản năng của tất cả các ông bố bà mẹ. Nhưng bênh vực con như thế nào để qua đó dạy con trẻ nhận thức được vấn đề để rút kinh nghiệm, trưởng thành nên người thì không phải bậc cha mẹ nào làm được.
Hay nói cách khác, ranh giới giữa việc bênh con mù quáng và làm hư con là rất mong manh, nếu bản thân cha mẹ không trở thành tấm gương trong cách hành xử của mình. Hay nói như nhà triết học, thần học người Đức Albert Schweitzer (1875 - 1965): “Người lớn dạy trẻ con theo 3 cách quan trọng: cách thứ nhất là làm gương, cách thứ hai là làm gương, cách thứ ba là làm gương”. Nếu cha mẹ không thể làm gương cho con, thì giáo dục nhiều bao nhiêu cũng vô dụng.
Trong nhiều lần trao đổi với truyền thông về những ông bố bà mẹ sẵn sàng lao vào hành hung con người khác để bênh con mình mà chưa biết sự thật, đúng sai thế nào, GS.TS Phạm Tất Dong - Hội khuyến học Việt Nam cho rằng cách hành xử côn đồ của người cha mẹ như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới tâm lý của cả hai đứa trẻ.
Bên bị đánh thì luôn sợ hãi, tự ti, hạn chế chơi với bạn bè, tìm cách né tránh, đề phòng với những người hung dữ, có thái độ hống hách. Nặng hơn có thể bị ảnh hưởng về tâm lý, gây hoảng sợ, bất an, thậm chí có thể bị tổn thương về sức khỏe và tâm thần, không dám đi học. Còn đứa trẻ được bố bênh mà đánh bạn thì sẽ sớm hình thành tâm lý cậy người thân mà hống hách, ngang ngược, hung hăng ăn hiếp bạn bè, những người yếu thế.
“Trẻ con như tờ giấy trắng, người lớn vẽ gì nên đó, vì thế, chuyện người lớn hôm nay làm có thể đứa trẻ sẽ làm lại tương tự như vậy trong tương lai. Nếu muốn dạy con thì phải tự dạy mình trước.
Muốn con tôn trọng, yêu quý ông bà, cha mẹ thì phải dạy cho con hiểu lòng biết ơn, biết tôn trọng, bao dung, biết yêu thương những người xung quanh chứ không phải dạy con theo cách hung hãn, côn đồ, coi con mình là nhất, không ai được đụng tới. Dạy con theo cách này chưa chắc đã dạy được con, ngược lại có khi còn làm hại con thêm”, GS. Phạm Tất Dong cảnh báo.
Trẻ hư trước hết là do cha mẹ
Số liệu thống kê của Viện KSNDTC cho thấy 71% trẻ vị thành niên phạm pháp là do không được quan tâm chăm sóc đến nơi đến chốn trong gia đình. Do đó, xuất phát từ góc độ tâm lý và giáo dục, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH-TT&DL đã được xây dựng dưới góc độ cha mẹ muốn con nên người thì bản thân cũng cần phải gương mẫu hàng ngày, hàng giờ trong cuộc sống đời thường.
Theo Bộ tiêu chí “Nhân chi sơ, tính bản thiện” – con người ta sinh ra bản tính ban đầu vốn thiện và tốt lành. Một đứa trẻ khi lớn lên, do ảnh hưởng của giáo dục trong gia đình, của môi trường đời sống xã hội mà tính tình trở nên thay đổi, tiêm nhiễm những thói hư tật xấu, phát sinh tính ác.
Con cái luôn có thói quen nhìn vào các hành vi của bố mẹ và những người thân trong gia đình để tự bắt chước, học theo, từ cách ăn mặc, nói năng, cư xử… Những nét tính cách thật thà, dũng cảm, cần cù, chịu khó, yêu lao động, ngăn nắp, kỷ luật, biết quan tâm đến người khác, không nói tục chửi bậy… được con trẻ học tập ngay từ chính những người thân trong gia đình, mà trước hết là từ bố mẹ của mình.
Thế nên, “tình yêu thương con của cha mẹ thể hiện ở chỗ hiểu biết cách thức, kỹ năng nuôi dạy. “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, sự gương mẫu thương yêu của ông bà, cha mẹ là tấm gương sáng để con cháu soi vào, noi theo, vượt ra khỏi nỗi ám ảnh của những thói hư tật xấu”, Bộ tiêu chí nhấn mạnh.
Hồng Minh - Pháp luật Plus