Biệt phủ trái phép trên vịnh Bái Tử Long: Chưa cưỡng chế vì vướng 'đại gia'?

12/08/2019 15:55

Kinhte&Xahoi Mặc dù xây dựng trái phép hàng chục năm nay nhưng hàng loạt công trình trên vịnh Bái Tử Long (huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) vẫn chưa bị cưỡng chế vì còn vướng mắc liên quan đến công tác quản lý, xử lý vi phạm từ chính quyền huyện.

Ông Tô Văn Chương xây “Chùa” Duyên Phúc trên đảo Thẻ Vàng.

Gặp khó khi đụng “đại gia”

Công trình trái phép trên các đảo giữa vịnh Bái Tử Long vì sao không được xử lý triệt để? Tập thể, cá nhân nào chịu trách nhiệm cao nhất khi để xảy ra sai phạm…? 

Tìm hiểu vấn đề, PV Tiền Phong nhiều lần làm việc với chính quyền huyện Vân Đồn kể từ năm 2017. Nhiều giải pháp được đưa ra nhưng các “đại gia” không chấp thuận. Lý của họ là, các công trình này đã có từ thời lãnh đạo trước và chưa 1 lần bị xử lý vi phạm. Chỉ đến khi Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế, vấn đề quản lý đất đai mới được chú trọng.

Điều đáng nói, trong số các công trình vi phạm, có nhiều đảo thuộc dự án do các đại gia “vẽ” ra và được Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh thông qua (100% diện tích đất huyện Vân Đồn nằm trong diện đất khu kinh tế). Vậy nên việc xử lý vi phạm sẽ rất khó đối với chính quyền huyện khi Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh phê duyệt, còn chính quyền huyện phải làm nhiệm vụ cưỡng chế, xử lý vi phạm.

Cấp tốc phê duyệt tác động môi trường cho công trình xâm hại vịnh Hạ Long.

Trong văn bản gửi UBND tỉnh, huyện Vân Đồn đề nghị Sở Xây dựng, Sở TN&MT tham gia ý kiến. Tất nhiên, việc quản lý an ninh trật tự trên địa bàn vẫn thuộc quyền của huyện, nhưng trường hợp này rất khó cho huyện khi không có sự tham gia, chỉ đạo quyết liệt từ phía các cơ quan chức năng cùng sự vào cuộc của UBND tỉnh Quảng Ninh.

“Cưỡng chế những công trình vi phạm này mà không có sự đồng thuận của các cơ quan chức năng sẽ không dễ. Thứ nhất, số vốn đầu tư của các “đại gia” bỏ ra xây dựng trên các đảo không nhỏ, phía sau họ luôn có 1 đội ngũ luật sư ‘thiện chiến’. Thứ 2, các công trình vi phạm nằm ở vị trí xa bờ, đều là công trình đồ sộ, việc tập kết máy móc, thiết bị để cưỡng chế cũng phông phải chuyện dễ làm…”, ông N. Q. N. một chuyên gia trong giới đầu tư bất động sản nhận định.

Tỉnh không nghiêm, khó xử lý

Không chỉ vài công trình trái phép trên vịnh Bái Tử Long tồn tại hàng chục năm nay thách thức dư luận mà ngay cả Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long cũng bị xâm hại nghiêm trọng. Chính quyền tỉnh Quảng Ninh nhiều lần tỏ ra quyết liệt nhưng chỉ xử lý vi phạm hành chính. Hàng loạt công trình vi phạm vẫn nghiễm nhiên tồn tại, thậm chí có những công trình còn được hợp thức hóa “thần tốc” để nhanh chóng đầu tư.
 
Đơn cử như hai công trình xây dựng bến cập tàu của động Mê Cung và hang Tiên Ông giữa vùng lõi vịnh Hạ Long mới đây. Hoạt động xây dựng diễn ra ngày đêm, hàng nghìn khối bê tông bị đổ xuống vịnh nhưng khi hỏi ra, cả hai công trình đều không có báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Thi công hàng tháng trời không cần báo cáo tác động môi trường, khi bị phát giác, cả hai công trình bị UBND tỉnh Quảng Ninh đình chỉ. Điều đáng nói, sau một ngày bị đình chỉ hai công trình lại được UBND tỉnh Quảng Ninh tức tốc phê duyệt báo cáo tác động môi trường, được phép trở lại.

Vào năm 2017, Tiền Phong có loạt bài “Biệt phủ trái phép trên đất vàng "đặc khu" phản ánh việc hàng chục héc ta rừng (có cả rừng phòng hộ) huyện Vân Đồn bị ông Bùi Hạ Long "xẻ thịt" xây biệt phủ với “lá bùa” trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái. Nhiều chứng cứ Tiền Phong đưa ra chứng minh ông Long được phía chính quyền ưu ái đặc biệt để biến 24ha đất rừng thành của riêng.

Sau gần một tháng hợp thức hóa hồ sơ, "biệt phủ" của ông Bùi Hạ Long được phê duyệt bởi Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh. Ông giám đốc ban này là người nhà của ông Long.

Năm 2017, Tiền Phong cũng có loạt bài “Thiên đường lậu trên vịnh Bái Tử Long” phản ánh tình trạng nhiều hòn đảo bị các “đại gia” chiếm làm của riêng và nay họ xây dựng rất hoành tráng. Huyện Vân Đồn ráo riết vào cuộc. UBND tỉnh Quảng Ninh cũng ráo riết chỉ đạo. Song chỉ được vài hôm, đâu lại vào đấy. Các công trình trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại đến ngày nay.

“Việc các đại gia chiếm đảo bằng các “lá bùa” được chính quyền làm ngơ đang dấy lên nghi ngại về sự ngầm bắt tay của các cá nhân. Thời điểm Vân Đồn được quy hoạch trở thành đặc khu kinh tế, hoạt động chiếm đảo không những phá vỡ hoàn toàn quy hoạch mà còn tạo tiền lệ xấu. Sai phạm này rất nghiêm trọng. Đơn vị chịu trách nhiệm chính là Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, sau đó mới đến huyện”, ông Phạm Ngọc Thực, người có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa - xã hội tỉnh Quảng Ninh cho hay.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tranh cãi về “Trường quốc tế”

Sau vụ một học sinh lớp 1 của Trường phổ thông Gateway tử vong vì bị để quên trên xe ô tô, một loạt vấn đề liên quan đến quản lý giáo dục đã được đặt ra. Trong đó, tiêu chí về “trường quốc tế” là vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất khi danh xưng này đang được sử dụng khá phổ biến.

Nguồn: Tiền Phong/ Pháp luật Plus