COVID-19 “thử thách” rất nhiều vấn đề lớn.
Từ đó đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống đã từng bước được khôi phục; cùng với đó là tình hình các ca F0 ở nhiều địa phương xuất hiện.
Phải thừa nhận rằng, hiện nay mầm bệnh đã ngấm rất sâu trong cộng đồng, nhưng các giải pháp ứng phó với dịch bệnh của chúng ra là phù hợp; vừa tích cực, vừa bảo đảm đời sống, giao lưu, đi lại của nhân dân, mạnh dạn cách ly F1, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà.
Trong tình huống dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thái độ của chúng ta lúc này như thế nào? Đó là việc đồng thời tuân thủ các nguyên tắc từ những ngày đầu chống dịch là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng; vừa điều trị tích cực, nhưng có sự điều chỉnh linh hoạt và sát thực tiễn.
Hiện nay các địa phương có F0 diễn biến phức tạp đã và đang ngăn chặn dịch lây sang nơi đang an toàn, giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, thực hiện cách ly nghiêm, khoanh vùng thật hẹp, thật gọn, nhất là điều trị từ rất sớm. Đồng thời các địa phương đã và đang thực hiện kế hoạch ứng phó dịch bệnh đã chuẩn bị, “lường trước kịch bản xấu để có sự chuẩn bị, chủ động hơn một bước, cao hơn một mức so với tốc độ lây của dịch”.
Với phương châm “phủ vaccine”, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống COVID-19, Bộ Y tế đã tập trung phân bổ đủ vaccine để trước mắt các địa phương tiêm cho 100% người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1. Về xét nghiệm, các địa phương kết hợp các phương thức xét nghiệm mẫu đơn, mẫu gộp, xét nghiệm nhanh, xét nghiệm PCR để đạt hiệu quả cao nhất, không tràn lan, lãng phí.
Hiện nay, trong việc khôi phục lại các hoạt động bình thường, việc chuẩn bị cho học sinh trở lại trường là vấn đề lớn. Rõ ràng là việc chưa được đến lớp đã ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập, phát triển tâm sinh lý của học sinh. Đây không chỉ là nhu cầu của học sinh, mà còn là của gia đình, phụ huynh học sinh. Nhất là ở những khu công nghiệp, nếu các cháu không đi học thì bố mẹ không đi làm được, ở các đô thị trọng điểm, nếu các cháu không được đến trường, ai sẽ trông con trẻ?
Hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị tiêm vaccine cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, chưa có khuyến nghị chính thức tiêm cho trẻ dưới 12 tuổi. Tuy nhiên, không thể đợi tiêm hết vaccine, hoặc hết ca nhiễm trong cộng đồng mới cho trẻ đi học trở lại.
Do vậy, căn cứ vào thực tiễn, linh hoạt để từng bước mở lại hoạt động giáo dục trực tiếp; xây dựng phương án, hướng dẫn rất chi tiết về các quy định phòng, chống dịch trong lớp học, khi ra chơi, phương án xử lý khi có ca mắc trong trường học…
COVID-19 “thử thách” rất nhiều vấn đề lớn, trong đó có năng lực của người lãnh đạo đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương. Quay lại là “đầu hàng”, “thua cuộc”. Bình tĩnh, tự tin là phẩm chất để chiến thắng.
Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus