Bộ Công Thương không đề nghị bỏ giá cơ sở của xăng dầu

09/10/2018 09:05

Kinhte&Xahoi Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: Đề nghị bỏ quy định giá cơ sở để tính giá xăng dầu không phải là ý kiến chính thức của Bộ Công Thương.

Ngày 4/10, cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương có phát đi thông tin, tại phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá sáng 28/9, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải có cho biết: Đề nghị bỏ quy định giá cơ sở để tính giá xăng dầu không phải là ý kiến chính thức của Bộ Công Thương.

Mới đây, Bộ Công Thương đã thu hồi Quyết định công nhận thương nhân trực tiếp xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của 4 đơn vị do không tuân thủ các quy định hiện hành, nên hiện nay cả nước có 26 thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (trong đó có 3 thương nhân chuyên kinh doanh nhiên liệu hàng không). 

“Số lượng là như vậy, tuy nhiên, chưa thể nói thị trường kinh doanh xăng dầu của Việt Nam hiện nay đã đúng nghĩa là thị trường được.

Như trong lĩnh vực kinh doanh vận tải có hàng trăm hãng taxi, trước đây đã có tình trạng khi giá xăng tăng thì các hãng nhanh chóng tăng giá cước. Nhưng khi giá xăng giảm thì họ lâu giảm hoặc giảm ít. Nếu bỏ giá cơ sở thì xăng dầu cũng như vậy, vì đây là công cụ để bảo đảm việc điều chỉnh giá kịp thời theo giá thị trường, bảo đảm hài hoà lợi ích của người dân và doanh nghiệp, cũng như góp phần kiểm soát CPI”, ông Hải nói.

Ông Đỗ Thắng Hải phát biểu trước Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá và lãnh đạo của nhiều Bộ, ngành là thành viên của Ban chỉ đạo trong phiên họp đánh giá tình hình điều hành giá cả của 9 tháng qua.

Báo cáo về công tác điều hành giá 9 tháng qua, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết việc “xả” Quỹ bình ổn xăng dầu với liều lượng phù hợp theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá Vương Đình Huệ đã giúp giá xăng E5 RON92 hiện nay chỉ tăng 10,9% so với thời điểm cuối tháng 12/2017 và xăng RON95 chỉ tăng 6,2% so với thời điểm bắt đầu công bố giá cơ sở xăng RON95 vào ngày 23/4/2018, trong khi giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới (giá Platts Singapore) tăng rất cao (Bình quân tháng 9/2018 tăng từ 28,98 – 39,68% do với tháng 9/2017; bình quân 9 tháng đầu năm 2018 tăng từ 26,17-38,1% so với 9 tháng đầu năm 2017).

“Việc sử dụng Quỹ bình ổn không chỉ giúp việc kiểm soát CPI mà còn hỗ trợ tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân”, ông Hải nói và thông báo: Từ đầu năm đến nay (tính đến hết ngày 25/9/2018), mặt hàng xăng dầu có 18 đợt điều hành, cụ thể: Có 2 lần điều chỉnh giảm, 6 lần điều chỉnh tăng giá (với mức tăng tổng cộng khoảng 2.649 đồng/lít) và 10 lần giữ ổn định giá (tuy nhiên, để ổn định giá cho 10 lần này, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã quyết định chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu tổng cộng khoảng 18.466 đồng/lít). Tính đến 31/8/2018, đã chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ước khoảng 5.500 tỷ đồng để điều hành giá xăng và số dư Quỹ Bình ổn xăng dầu hiện nay ước còn khoảng 3.100 tỷ đồng.

Về điều hành giá xăng từ nay tới hết năm 2018, ông Đỗ Thắng Hải lưu ý giá xăng dầu thành phẩm thế giới đang tăng theo quy luật được sử dụng nhiều hơn vào mùa đông. Hiện còn gần 5 tháng nữa tới Tết Nguyên Đán, cần phải “gia cố” Quỹ bình ổn xăng dầu trên cơ sở điều hành trích lập, “xả” Quỹ phù hợp với thực tiễn để bình ổn giá cả thị trường bảo đảm không tăng giá đột biến vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên Đán.

Về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mức thuế này sẽ tăng thêm 1.000 đồng/lít đối với xăng… có hiệu lực từ 1/1/2019, ông Đỗ Thắng Hải cho rằng thời điểm này sẽ rơi vào tháng Chạp và tháng Giêng sẽ làm tăng giá xăng dầu lên cao, tác động tới việc kiểm soát CPI của năm 2019 và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân. Ông Hải kiến nghị, cần cân nhắc về thời điểm, lộ trình thực hiện việc điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu khác khi triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

Với chỉ tiêu về CPI năm 2019 là 4%, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng dự báo với khả năng tăng giá hàng hóa (điện, xăng dầu…) ngay từ đầu năm 2019 và diễn biến Cuộc chiến Thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc leo thang… thì chỉ tiêu này cần phải cân nhắc khi đề xuất, tham mưu cho các cấp có thẩm quyền để đảm bảo tính khả thi.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng giá của xăng sinh học E5 RON92 (đang chiếm 40-41% thị phần tiêu thụ trong nước) thấp hơn so với A95. Do vậy, Bộ Công Thương tiếp tục truyền thông tốt về chất lượng xăng E5, giá cả hợp lý sẽ tăng cơ cấu tiêu thụ của loại xăng này, góp phần giảm mặt bằng giá xăng trong thời gian tới, góp phần giảm tác động tới CPI.

Về giá điện, trong 3 tháng cuối năm 2018, ông Đỗ Thắng Hải khẳng định sẽ không tăng giá theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, ông Hải cũng cho biết thêm thông tin tổng chi phí phát sinh năm 2018 trong cơ cấu tính giá điện là khoảng 5.483 tỷ đồng (phát sinh khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện các nhà máy điện năm 2017 khoảng 3.071 tỷ đồng, chi phí tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khoảng 502 tỷ đồng và dự kiến giá khí trong bao tiêu thực hiện theo thị trường tăng thêm khoảng 1.910 tỷ đồng).

Tổng chi phí tăng thêm năm 2019 của các khoản chi phí nêu trên khoảng 15.252 tỷ đồng (năm 2019, ước tính phát sinh khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện các nhà máy điện năm 2018 khoảng 3.516 tỷ đồng, chi phí tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khoảng 502 tỷ đồng, giá khí trong bao tiêu thực hiện theo thị trường năm 2019 tăng thêm khoảng 10.500 tỷ đồng (tính với giá dầu HSFO bình quân 8 tháng đầu năm 2018).

Ngoài ra, còn khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện còn treo của năm 2015 dự kiến phân bổ cho năm 2019 khoảng 734 tỷ đồng (theo Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg về khung giá bán lẻ  điện bình quân giai đoạn 2016-2020)).

Như vậy, Tổng chi phí tăng thêm của EVN trong năm 2019 bao gồm các chi phí của năm 2018, năm 2019 nêu trên là khoảng 20.735 tỷ đồng. Với tổng chi phí tăng thêm này sẽ dẫn đến có thể phải xem xét điều chỉnh giá điện bán lẻ điện trong năm 2019 theo quy định tại Quyết định số 34/2017/QĐ-TTg (đây là những thông số đầu vào cơ bản được xem xét để điều chỉnh giá bán lẻ điện)

Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cục Quản lý giá và Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính và các Đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN. Sau khi kết thúc kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2017 của EVN, nếu có biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hòa – quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện) so với thông số sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành, khi đó sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo việc điều chỉnh giá điện năm 2019.

 

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018

Tăng cường công tác phân tích, dự báo; đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của chiến tranh thương mại; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xuất bản sách giáo khoa; triển khai các biện pháp ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen”;... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2018 vừa được Chính phủ ban hành.