Bộ Công Thương: Thông tư Quy định kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật của lực lượng Quản lý thị trường sắp có hiệu lực
Kinhte&Xahoi
Bộ Công Thương vừa chính thức ban hành Thông tư số 20/2019/TT-BCT Quy định kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường sẽ có hiệu lực vào 15/12/2019.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường)
Vào ngày 30/10/2019, Bộ Công Thương ban hành thông tư số 20/2019/TT-BTC về việc Quy định kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường. Thông tư này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2019.
Thông tư này thay thế Quyết định số 20/2008/QĐ-BTC ngày 31 tháng 7 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Quy chế kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của lực lượng Quản lý thị trường.
Các đối tượng áp dụng của thông tư này bao gồm: Cơ quan, đơn vị Quản lý thị trường các cấp; Công chức đang làm việc tại cơ quan Quản lý thị trường bao gồm công chức Quản lý thị trường và công chức chưa được bổ nhiệm vào ngạch công chức Quản lý thị trường; Tổ chức cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiểm tra nội bộ của lực lượng Quản lý thị trường.
Thông tư số 20/2019/TT-BCT Quy định kiểm tra nội bộ việc chấp hành pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng Quản lý thị trường.
Với mục đích chính của thông tư này nhằm Bảo đảm việc tuận thủ các quy định của pháp luật trong hoạt động công vụ của lực lượng QLTT (Quản lý thị trường); phát hiện và biểu dương kịp thời những nhân tố tích cực, chấn chỉnh ngay các sai sót và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; là cơ sở để đánh giá công chức, bình xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng.
Thông qua kiểm tra nội bộ phát hiện những hạn chế, bất cập, từ đó kiến nghị các biện pháp cần thiết để sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật về tổ chức và hoạt động công vụ của lực lượng QLTT; có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ và phẩm chất đạo đức cho đội ngũ công chức.
Thông tư cũng nêu rõ, hoạt động kiểm tra nội bộ phải thực hiện theo đúng nội dung, hình thức, thẩm quyền, trình tự, thủ tục, thời hạn theo quy định; bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực, công khai, dân chủ, kịp thời; không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng được kiểm tra nội bộ.
Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm pháp luật phát hiện được trong quá trình kiểm tra nội bộ phải bị đình chỉ ngay cùng với việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa phù hợp và bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, các hành vi cản trở, gây khó khăn, nhũng nhiễu, tiêu cực trong hoạt động kiểm tra nội bộ hoặc vi phạm các quy định tại Thông tư này tuỳ theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.