Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất kéo dài thời gian bố trí vốn và thời gian thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách TƯ năm 2022 sang năm 2023.
Bộ GTVT đề xuất kéo dài thời gian giải ngân khoảng 1.303 tỷ đồng cho 48 dự án giao thông. Ảnh Internet
Theo đó, năm 2022, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ngân sách TƯ là 55.051 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 1/2022, Bộ đã giải ngân 52.999 tỷ đồng, đạt 96,3% kế hoạch được giao.
Như vậy, vốn ngân sách năm 2022 còn lại khoảng 2.052 tỷ đồng. Do đó, Bộ GTVT đề xuất kéo dài kế hoạch đầu tư công nguồn vốn này sang năm 2023 khoảng 1.303 tỷ đồng đối với 48 dự án để tiếp tục thực hiện giải ngân.
Trong đó, có 10 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án quan trọng quốc gia.
8 dự án đã thi công hoàn thành trong năm 2022 nhưng không bố trí kế hoạch năm 2023, cần kéo dài kế hoạch vốn để thực hiện kiểm toán, quyết toán hoàn thành dự án.
10 dự án (trong đó có 1 dự án ODA là dự án Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ) bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong Quý I/2022.
12 dự án khởi công mới trong kỳ trung hạn (có 3 dự án ODA đề xuất kéo dài kế hoạch vốn đối ứng).
4 dự án thu hồi ứng trước chưa được thực hiện trong năm 2022 do việc theo dõi thông tin về chủ đầu tư dự án chưa chính xác; việc thực hiện đối chiếu số liệu khó khăn do các chủ đầu tư, ban QLDA trực tiếp thực hiện thay đổi, giải thể.
Cụ thể 4 dự án gồm: xây dựng cảng Ninh Phúc giai đoạn 1; báo cáo đầu tư dự án đường vành đai 3 Mai Dịch- Nội Bài; lập dự án xây dựng đường sắt Biên Hoà - Vũng Tàu; QL21B (Km0 - Km41).
Ngoài ra, có 4 dự án đã được Thủ tướng cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn thực hiện dự án đến năm 2022, gồm: Nâng cấp mở rộng QL15A đoạn qua Khu di tích Truông Bồn, tỉnh Nghệ An; nâng cấp QL15 đoạn qua tỉnh Hòa Bình và Thanh Hóa - Tiểu dự án 3; nâng cấp QL21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa, tỉnh Hà Nam và cải tạo, nâng cấp QL279B, tỉnh Điện Biên.
Theo Bộ GTVT, do nhiều yếu tố khách quan, các dự án chưa hoàn thành được trong năm 2022, cần kéo dài kế hoạch giải ngân sang năm 2023 để hoàn thành.
Trước đó, Bộ GTVT cũng có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án và phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó kiến nghị không điều chỉnh giảm hơn 3.750 tỷ đồng trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn để có nguồn lực phân bổ cho 5 dự án giao thông.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy, ngày 29/11/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và báo cáo trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công về tình hình hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án kiến bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị phương án phân bổ, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo kết quả thẩm tra của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông Vận tải còn lại hơn 3.750 tỷ đồng chưa được phân bổ chi tiết. Dự kiến, số vốn này bố trí cho các nhiệm vụ, dự án gồm ngân sách Nhà nước hỗ trợ dự án BOT hầm Đèo Cả dự kiến bố trí 1.180 tỷ đồng; vốn đối ứng cho 3 dự án ODA mới (mở rộng một số cầu, hầm trên Quốc lộ 1A, tuyến nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài-Lào Cai, nâng cấp, cải tạo 3 tuyến Quốc lộ (Quốc lộ 53, Quốc lộ 62 và Quốc lộ 91B tại Đồng bằng sông Cửu Long) và dự án đấu nối ra giữa ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc với tổng số dự kiến bố trí hơn 2.570 tỷ đồng.
Sau khi đánh giá cùng với nhiều vấn đề quan trọng, Bộ GTVT kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo các cấp có thẩm quyền không điều chỉnh giảm nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông Vận tải, số vốn hơn 3.750 tỷ đồng để bảo đảm khả năng cân đối vốn cho các dự án khi quyết định chủ trương đầu tư.
Châu Anh - Pháp luật Plus