Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: "Vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên cục bộ"
Kinhte&Xahoi
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, công tác phát triển đội ngũ nhà giáo hiện nay vẫn đang đứng trước nhiều thách thức. Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ còn diễn ra tại nhiều địa phương.
Nhân kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, chiều 17/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt 60 nhà giáo tiêu biểu.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, sự kiện Thủ tướng gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu cả nước nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đã được tiếp nối liên tục nhiều năm nay.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh; Báo giaoducvathoidai
Điều này cho thấy Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm tới giáo dục nói chung và lực lượng nhà giáo nói riêng. Đây là nguồn cổ vũ, động viên rất lớn đối với các nhà giáo.
Với quan niệm nhà giáo là động lực, nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và ngành Giáo dục luôn dành sự quan tâm tới đội ngũ nhà giáo và xác định đây là lực lượng nòng cốt, hạt nhân trong quá trình thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực phát triển đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, nhiều năm qua, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp không ngừng lớn mạnh về số lượng, nâng cao chất lượng; Cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, công tác phát triển đội ngũ nhà giáo hiện nay vẫn đang đứng trước nhiều thách thức. Đời sống của nhà giáo với nhiều khó khăn, nhất là các thầy cô ở vùng sâu vùng xa; Cơ cấu đội ngũ nhà giáo vẫn chưa thật cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; Tình trạng thiếu giáo viên cục bộ còn diễn ra tại nhiều địa phương.
Nhận thức về các khó khăn và thách thức, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo địa phương rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục; phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo Chính phủ tham mưu trình Bộ Chính trị phê duyệt 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương trong giai đoạn 2022 - 2026.
Đồng thời, tham mưu Chính phủ ban hành, sửa đổi, bổ sung các cơ chế tuyển dụng hợp đồng lao động để các cơ sở giáo dục được ký kết hợp đồng lao động góp phần giải quyết khó khăn về thiếu giáo viên.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Luật Nhà giáo đang bước đầu được triển khai và hướng tới mục tiêu tạo ra những thay đổi tích cực về thể chế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để phát triển đội ngũ nhà giáo.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn các thầy, cô giáo cùng nỗ lực vượt qua thách thức, khó khăn để thực hiện thành công mục tiêu đổi mới.
Hoa Tiên - Pháp luật Plus