Ảnh minh họa. (Nguồn: thanglong.chinhphu.vn)
Báo cáo tóm tắt Nhiệm vụ tại hội nghị, đại diện đơn vị tư vấn cho biết, phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính Thủ đô được giới hạn như sau: phía Bắc giáp tỉnh Thái Nguyên và Vĩnh Phúc; phía Nam giáp tỉnh Hà Nam và Hòa Bình; phía Đông giáp các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và Hưng Yên; phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình và Phú Thọ.
Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố văn hiến - văn minh - hiện đại; trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô với sông Hồng là trục xanh, phát triển đô thị hài hoà 2 bên sông của Hà Nội; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng; kế thừa các định hướng cơ bản của quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; là cơ sở khoa học và công cụ pháp lý quan trọng để quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng và hoạch định chính sách, tạo động lực phát triển trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Nhiệm vụ đề ra những yêu cầu trọng tâm: bám sát nội dung định hướng tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị; Quy hoạch tổng thể quốc gia; đánh giá tổng thể nội dung và tình hình thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để xác định các nội dung có thể kế thừa phát huy; nghiên cứu, cập nhật những chủ trương, định hướng quan trọng của quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng có liên quan đến phạm vi Thủ đô. Bên cạnh đó, trong quy hoạch chung cần đưa ra dự báo về nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, dự báo phát triển dân số, lao động, phát triển kinh tế xã hội và phân bố dân cư cho các khu vực làm cơ sở điều chỉnh các giải pháp quy hoạch về sử dụng đất, không gian, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế xã hội; tập trung xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hoá của cả nước.
Tại hội nghị, các thành viên Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực để nâng cao hơn chất lượng Báo cáo thuyết minh nhiệm vụ.
Theo đó, tư vấn cần phối hợp với UBND thành phố Hà Nội rà soát, cập nhật, bổ sung căn cứ pháp lý có liên quan; quan tâm xây dựng các trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; chú trọng các vấn đề về phát triển đô thị thích ứng biến đổi khí hậu; lưu ý khôi phục, khai thác cảnh quan các sông, hồ trên địa bàn thành phố. Một số ý kiến đề nghị tư vấn và UBND thành phố Hà Nội xem xét điều chỉnh tên Nhiệm vụ thành Nhiệm vụ Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Tổng hợp các ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn lưu ý đơn vị tư vấn cần tập trung rà soát, bổ sung căn cứ pháp lý, làm rõ những ưu điểm của quy hoạch cũ để làm cơ sở kế thừa và điều chỉnh trong quy hoạch mới; rà soát quan điểm, mục tiêu, tính chất quy hoạch đảm bảo hợp lý hơn; điều chỉnh thời hạn thực hiện và tên Nhiệm vụ đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.
Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo đơn vị tư vấn sớm hoàn thiện Báo cáo thuyết minh và hồ sơ Nhiệm vụ, để UBND thành phố Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định.
Lê Hải - Ngọc Huy- Pháp luật Plus