Bộ Y tế sẽ kiểm tra đột xuất một số bệnh viện dịp Tết Nguyên đán
Kinhte&Xahoi
Bộ Y tế sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất công tác chuẩn bị và thực hiện thường trực của một số bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ và bệnh viện ở các địa phương trước và trong dịp Tết.
Thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 15/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm và Chỉ thị số 01/CT-BYT ngày 05/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường công tác y tế bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, để bảo đảm tốt công tác cấp cứu, khám chữa bệnh cho nhân dân trong dịp Tết, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc thực hiện tốt các công việc theo quy định.
Tổ chức thăm hỏi người bệnh
Cụ thể, bảo đảm thường trực 4 cấp: Trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng; Trực chuyên môn; trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ.
Danh sách cán bộ trực được niêm yết tại các khoa, phòng. Có kế hoạch về phòng chống cháy nổ, thảm hoạ, tai nạn hàng loạt; Phòng chống rét cho người bệnh; Sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết.
Tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh: Dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh, đặc biệt là cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm.
Bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ.
Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cơ sở y tế cần xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thăm và tặng quà cho bệnh nhân tại Bệnh viện E dịp Tết Quý Mão 2023. Ảnh; Bộ Y tế
Bộ Y tế đề nghị các viện/bệnh viện ổ chức thăm hỏi và tổ chức đón Tết cho người bệnh còn điều trị tại bệnh viện trong dịp Tết: Chú ý đối tượng người bệnh nghèo, người bệnh thuộc đối tượng chính sách. Đặc biệt chú ý nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, giao tiếp, ứng xử ân cần, hoà nhã. Thực hiện đúng các quy định liên quan và các quy trình chuyên môn kỹ thuật.
Có phương án đối phó với tai nạn, ngộ độc, cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra: Cảnh báo người dân về các nguy cơ tai nạn hay gặp ngày Tết như tai nạn giẫm đạp tại các điểm du lịch tập trung đông, tai nạn giao thông do rượu bia, đánh nhau do rượu bia, pháo nổ, vũ khí vật liệu nổ tự chế, ngộ độc thực phẩm. Có phương án cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng tình huống xấu xảy ra.
Kiểm tra đột xuất các viện/bệnh viện
Bộ Y tế còn đề nghị các viện/bệnh viện thực hiện báo cáo trực tuyến hàng ngày trên hệ thống báo cáo trực tuyến của Cục Quản lý khám chữa bệnh, như sau:
Cơ sở khám chữa bệnh thực hiện báo cáo: Tất cả các cơ sở khám chữa bệnh có giường bệnh phải đăng nhập tài khoản, bổ sung đầy đủ thông tin cơ sở khám chữa bệnh và thực hiện báo cáo trực tuyến trên phần mềm hàng ngày. Trường hợp không có người bệnh điều trị nội trú và không có người bệnh đến khám thì gửi báo cáo trống.
Tài khoản đăng nhập phần mềm báo cáo trực tuyến trên cdc.kcb.vn: Sử dụng tài khoản báo cáo nghỉ lễ, Tết đã cấp trước đây. Trường hợp chưa có tài khoản thì đăng ký tài khoản mới theo đường dẫn trên trang chủ phần mềm.Trường hợp quên mật khẩu thì khôi phục tài khoản theo địa chỉ email đã đăng ký tài khoản trước đây.
Các cơ sở khám chữa bệnh có giường bệnh phải hoàn thành việc đăng ký tài khoản và bổ sung thông tin cơ sở khám chữa bệnh trước ngày 6/2/2024. Email hỗ trợ: [email protected], số điện thoại hỗ trợ đăng trên phần mềm.
Về thời gian thực hiện báo cáo, báo cáo số liệu công tác chuẩn bị cấp cứu, khám chữa bệnh Tết 8h sáng ngày 7/2/2024: Sáng ngày 7/2/2024 các cơ sở khám chữa bệnh nhập báo cáo chốt số liệu cuối ca trực ngày 6/2/2024 (bệnh nhân hiện có) để bàn giao cho kíp trực ngày 7/2/2024 làm số liệu đầu kỳ báo (bệnh nhân cũ); Báo cáo tết trực tuyến chính thức hàng ngày: Từ ngày 8/2/2024 đến hết ngày 14/2/2024 (tức từ ngày 29/12 đến hết ngày 5/1/2024 âm lịch).
Số liệu báo cáo trực tết tính từ 7h sáng ngày 7/2/2024 báo cáo vào sáng ngày 8/2/2024; Số liệu ngày 14/2/2024 báo cáo vào ngày 15/2/2024).
Trường hợp có diễn biến đặc biệt yêu cầu báo cáo trực tiếp qua Đường dây nóng y tế; Báo cáo 3 ngày Tết và tổng hợp 7 ngày Tết bằng văn bản gửi theo đường công văn và lưu tại bệnh viện.
Theo ca trực của cơ sở khám chữa bệnh, hoặc từ 7h sáng hôm trước đến 7h sáng hôm sau. Cơ sở khám chữa bệnh báo cáo (trực tuyến) về cơ quan chủ quản trước 8 giờ sáng hàng ngày. Sở Y tế rà soát số liệu và tổng hợp báo cáo trực tuyến về Bộ Y tế trước 9 giờ sáng hàng ngày;
Cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm phân công cán bộ chuyên trách trực báo cáo trực tuyến, gửi danh sách về cơ quan chủ quản. Lãnh đạo cơ sở khám chữa bệnh chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác của số liệu.
Sở Y tế; Y tế ngành có trách nhiệm chỉ đạo đôn đốc rà soát danh sách cơ sở khám chữa bệnh thực hiện báo cáo; Kiểm tra tính đầy đủ và chính xác của số liệu trên phần mềm trực tuyến để tổng hợp báo cáo trực tuyến về Bộ Y tế; Báo cáo 3 ngày Tết và tổng hợp 7 ngày Tết bằng văn bản; Phân công cán bộ thường trực báo cáo hàng ngày, danh sách cán bộ trực báo cáo (Sở Y tế, họ và tên, chức vụ, số điện thoại di động, email) đề nghị gửi về Cục Quản lý khám chữa bệnh trước kỳ nghỉ Tết qua địa chỉ email: [email protected] trước ngày 6/2/2024.
Bộ Y tế sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất công tác chuẩn bị và thực hiện thường trực của một số bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ và bệnh viện ở các địa phương trước và trong dịp Tết.
Yêu cầu các đơn vị thực hiện đầy đủ các nội dung nêu trên, gửi báo cáo về Bộ Y tế đúng thời gian để kịp thời tổng hợp tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Hoa Tiên - Pháp luật Plus