Bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho 1.500 lãnh đạo, phóng viên thông tấn, báo chí
Kinhte&Xahoi
Sáng 14/7, Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và phát biểu khai mạc hội nghị.
Tham dự tại điểm cầu Ban Tổ chức Trung ương có đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Các đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình, Trần Thanh Lâm; Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và gần 1.500 đại biểu đến từ các cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và đơn vị liên quan tham dự trực tuyến.
Toàn cảnh hội nghị
Các giảng viên tham gia hội nghị có nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, GS. TS Phùng Hữu Phú; Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đức Hà.
Lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội
Phát biểu khai mạc, đồng chí Phạm Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2022 là năm thứ hai tổ chức hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí.
Tại Hội nghị, các báo cáo viên chia sẻ về công tác xây dựng, chỉnh đốn đảng với các nội dung chính như: Giới thiệu những nội dung mới về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng; Các nội dung về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; Một số vấn đề về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay; Chia sẻ những kinh nghiệm lựa chọn đề tài và kỹ năng sáng tạo tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng; Nội dung thông tin, tuyên truyền năm 2022 và một số mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh việc tuyên truyền công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là một yêu cầu rất quan trọng, nhằm lan tỏa chủ trương của Đảng tới cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Đại hội XIII của Đảng đã bước qua năm thứ 2, các cơ quan tổ chức, địa phương đã cụ thể hóa nhiều vấn đề quan trọng. Bộ Chính trị đã có các đoàn kiểm tra thực hiện Nghị quyết của Đảng, kiểm tra tình hình đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Đồng chí Trưởng ban Tổ chức Trung ương nêu ra 10 nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đó là: Xây dựng đảng về chính trị; Tư tưởng; Đạo đức; Tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; Tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên; Cán bộ và người đứng đầu; Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật; Quan hệ giữa đảng với dân; Đấu tranh phòng chống tham nhũng và cuối cùng là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Đồng chí Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng: “Gần đây chúng ta dùng cụm từ “dựa vào dân để xây dựng Đảng”, đây không phải là khẩu hiệu mà phải trở thành vấn đề thiết thực, thực chất trong đời sống xã hội”.
Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, đối với vấn đề giám sát của Nhân dân, phản biện của Nhân dân đã có 3 văn bản của Bộ Chính trị về giám sát đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Ban Tổ chức Trung ương đang được giao trình Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới. Những điều kiện, phương thức lãnh đạo của Đảng tiếp tục đổi mới, chất lượng, hiệu quả. Những nội dung này sẽ được trình vào Hội nghị Trung ương 6 sắp tới.
Để tiếp tục đổi mới chất lượng, hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới có 3 nhiệm vụ đột phá với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thứ nhất đó là hoàn thiện thể chế. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng, thể chế chủ trương của Đảng, quan điểm của Đảng trong nghị quyết, trong cương lĩnh hoạt động được thể chế bằng những văn bản cụ thể để những chủ trương đó đi vào cuộc sống.
Thứ hai, đó chính là dân chủ gắn với kỷ luật, kỷ cương, tiếp tục phát huy dân chủ nhưng cũng phải gắn với kỷ luật, kỷ cương, tạo môi trường để cán bộ đổi mới sáng tạo. Đây cũng là nội dung đang còn nhiều vấn đề lớn, bởi trong thời gian vừa qua, chúng ta có những cán bộ vi phạm phải xem xét xử lý, kỷ luật ở các mức độ khác nhau.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng, Đảng luôn khuyến khích cán bộ đổi mới sáng tạo chứ không phải vì lý do nào đó mà co lại an toàn và không dám làm việc, như vậy đất nước cũng không phát triển được. Đây là một đột phá.
Điểm kế tiếp được đồng chí Trương Thị Mai nhắc tới đó là vấn đề đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và đẩy mạnh phân cấp phân quyền cũng như kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Trung ương đã có Quy định 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực. Đối với người làm công tác tổ chức cán bộ thì yêu cầu về kiểm soát quyền lực còn phải cao hơn so với những cán bộ làm việc trong các tổ chức các cơ quan khác; Không phải chỉ chịu trách nhiệm chịu kỷ luật trước Đảng mà song song với đó còn biện pháp bổ sung là phải ra khỏi quy hoạch cán bộ đã được quy hoạch hoặc là phải không được đảm nhiệm công việc đó…
Phương Thu - TTTĐ