Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch Covid-19 kiểm tra tại BV Phổi Hà Nội (ảnh Lê Hảo)
Thực hiện chỉ đạo của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế về việc thành lập các đoàn kiểm tra việc triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương, trong các ngày 8 và 9-8, Đoàn kiểm tra số 1 của Bộ Y tế do PGS-TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh dẫn đầu đã kiểm tra công tác phòng dịch Covid-19 tại một số BV ở Hà Nội, Hà Nam.
Ngày 9-8, Đoàn kiểm tra đã phối hợp với Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra công tác chống dịch Covid-19 và thực hiện các tiêu chí an toàn chống dịch do Bộ Y tế ban hành tại BV Phổi Hà Nội, BV Thận Hà Nội và BV Đa khoa Quốc tế Dolife.
Hiện BV Phổi Hà Nội mỗi ngày khám cho trên 100 bệnh nhân. BV cũng quản lý và điều trị bệnh nhân lao, COPD, bệnh nhân lao đa kháng,… luôn cần theo dõi và quản lý sát sao; BV Thận Hà Nội quản lý 444 bệnh nhân chạy thận nhân tạo với nhiều bệnh nền như tim mạch, đái tháo đường, 517 bệnh nhân thận mạn. Trong khi đó, máy thận nhân tạo đa số là cũ, hiện tại có 77 máy phải hoạt động liên tục từ 3-4 ca/ngày.
PGS-TS. Lương Ngọc Khuê cho biết, đoàn kiểm tra 2 BV chuyên khoa Phổi và Thận vì đối tượng tại 2 BV đều là những người nhiều nguy cơ, dễ tổn thương khi mắc Covid-19. Trong số 11 bệnh nhân tử vong đa số là các bệnh nhân suy thận mãn, viêm phổi, nhiều bệnh lý nền kèm theo. Do đó, việc kiểm tra các tiêu chí an toàn giúp chỉ ra cho BV những lỗ hổng để cải tiến và phòng ngừa, ngăn chặn, cách ly và chuyển bệnh nhân kịp thời, hiệu quả.
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh, các BV phải quán triệt quan điểm: phân luồng, cách ly bệnh nhân một cách hiệu quả, không để khu vực này tiến sâu trong BV để phòng ngừa lây nhiễm trong BV. Các BV phải thực hiện việc căng dây, biển báo (sáng buổi tối) dễ nhìn, dễ thấy để bệnh nhân không đi sai chỗ, lạc đường trong BV.
Trước đó, ngày 8-8, Đoàn kiểm tra đã đến BV Đa khoa tỉnh Hà Nam và BV Đa khoa Đồng Văn-Hà Nội. Hiện BV Đa khoa tỉnh Hà Nam đang điều trị cho một bệnh nhân Covid-19 là bệnh nhân 620, nhập viện ngày 2-8. Hiện tại bệnh nhân đã hết sốt, hết ho, không khó thở.
Tại buổi kiểm tra, PGS-TS. Lương Ngọc Khuê nêu: BV là nơi ghi nhận và phát hiện Covid-19, vì vậy việc phát hiện sớm, phân luồng và cách ly người bệnh đóng vai trò quan trọng đối với sự an toàn của BV. Vì vậy, càng nêu cao tinh thần chủ động, cảnh giác, càng giảm bớt khó khăn cho BV.
“Chỉ cần một bệnh nhân nhiễm bệnh đi lung tung, không được kiểm soát trong BV là BV đã rơi vào nguy cơ phải đóng cửa. Mặt khác, các cán bộ y tế là những người không thể thay thế trong cuộc chiến chống Covid-19 nên các BV phải hết sức cảnh giác và tập trung chống dịch”, PGS-TS Lương Ngọc Khuê nói.
Tại các buổi kiểm tra, Đoàn đã tập trung góp ý cho các BV về nội dung sàng lọc, phân luồng cách ly và các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm tại một số khu vực đông người; quản lý an toàn người bệnh, người nhà người bệnh; quản lý an toàn nhân viên y tế và vấn đề vệ sinh y tế; việc quản lý bệnh nhân Covid-19; xây dựng quy trình hội chẩn trực tuyến giữa các khoa; thực hiện chăm sóc toàn diện tại khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực; rà soát các công ty cung cấp dịch vụ, nhắc nhở người bệnh người nhà đeo khẩu trang… cần được đặc biệt quan tâm.
BV phải là nơi phát hiện bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 đầu tiên. Đặc biệt, các BV cần quan tâm đến các khoa có nhiều nguy cơ như Hồi sức cấp cứu, Thận nhân tạo, Ung bướu, Lão khoa... để hạn chế những diễn biến nặng của bệnh nhân. Đồng thời, BV cần bố trí thông thoáng nơi cách ly và điều trị bệnh nhân Covid-19; tuân thủ các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn đối với nhân viên y tế và người bệnh; thực hiện các khu cách ly nơi bệnh nhân nghi ngờ, bệnh nhân chờ xét nghiệm; khu vực điều trị bệnh nhân dương tính...
Các bệnh viện cần xác định dịch bệnh sẽ còn diễn biến kéo dài, do đó thực hiện trường kỳ công tác sàng lọc, cách ly để hạn chế tối thiểu tổn thất kinh tế cho BV-PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Phong Châu - Theo PLXH