Các tỉnh ở miền Trung, Tây Nguyên chịu thiệt hại nặng nề do bão số 6

11/11/2019 16:17

Kinhte&Xahoi Bão số 6 gây ra hậu quả nặng nề, nhiều người dân ở miền Trung, Tây Nguyên bị trắng tay.

Phú Yên: 53 xã, phường, thị trấn mất điện do bão số 6

Thông tin ban đầu, trên địa bàn tỉnh Phú Yên bão số 6 làm 6 nhà dân bị sập, tốc mái, 50 héc ta mía ở huyện miền núi Sơn Hòa bị ngập, ngã đổ. Mưa to làm một số tuyến tỉnh lộ 465 tại khu vực cầu Cây Cam, huyện Tuy An, tỉnh lộ 642 khu vực Sông Cô đi huyện Đồng Xuân bị sạt lở, gây ách tắc giao thông. Sóng biển mạnh làm xói lở nhiều khu dân cư ven biển.

Khu dân cư thôn Hòa An, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu tiếp tục bị sóng lớn đánh, nhiều nhà dân bị hư hỏng.

Hiện nay, các địa phương đang tập trung khắc phục hậu quả mưa bão. Ngành Điện lực Phú Yên đang tập trung khắc phục sự cố mất điện.

Ông Thái Minh Châu, Giám đốc Điện lực Phú Yên cho biết, dự kiến trưa nay, sẽ cấp điện trở lại.

"Hiện nay, chúng tôi cũng đã cấp điện trở lại hơn 30.000 khách hàng trong số hơn 100.000 khách hàng bị mất. Dự kiến trưa nay sẽ cơ bản cấp điện lại hết cho khách hàng, còn lại một vài cụm dân cư do bị ngập lụt, giao thông chia cắt. Chúng tôi bố trí lực lượng khi nước rút sẵn sàng kiểm tra thiệt hại và khắc phục, cấp điện trở lại", ông Châu nói. 

Đắk Lắk: Hơn 300 ngôi nhà bị ngập nước do bão số 6

Từ rạng sáng nay, bão số 6 đã ảnh hưởng tới nhiều huyện của tỉnh Đăk Lăk, trong đó nặng nhất là huyện Lăk. Hơn 300 hộ dân bị ngập và chia cắt. Nhiều hộ tắng tay do bị cuốn trôi hầu hết tài sản; nhiều diện tích lúa vừa trổ đòng bị ngập và mất trắng.

Bão số 6 gây ngập, hàng trăm hộ dân trắng tay.

Đến sáng nay ở các xã Yang Tao, Đắk Liêng thuộc huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk có nhiều diện tích lúa, hoa mầu và khu dân cư bị ngập chìm trong nước. Trong đó xã có tình hình ngập lụt phức tạp nhất là xã Đắk Liêng, khi có tới 6 thôn, buôn bị chia cắt bởi nước lũ. Riêng các buôn Bàng, buôn Yang Láh 1 và Yang Láh 2 bị ngập cục bộ.

Cõng con đứng trên cây cầu dẫn vào buôn ngẩn ngơ nhìn căn nhà chìm trong nước, chị H’Ngoan Tơr, ở buôn Bàng, xã Đắk Liêng cho biết, gia đình quá chủ quan, hầu như không chuẩn bị gì nên cả tài sản và hoa màu đều đã bị cuốn trôi theo dòng nước lũ.

Chị H'ngoan thất thần kể lại sự việc: "Lúc 3-4 giờ sáng mọi người dậy sớm thì đã thấy nước ngập tới sàn rồi. Nhà tôi thì phải đến sáng, lúc đứa cháu sang gọi tỉnh dậy thì mới biết bị ngập. Thiệt hại hết rồi. Gà, vịt heo không biết bị trôi đi đâu. 4 sào lúa bên kia và và mấy sào bên này vừa mới trổ bông, bị ngập cũng là không còn gì".

Giải thích về việc bà con trong buôn không chuẩn bị chống lụt bão, ông Y Jam Tơr, ở buôn Bàng, xã Đắk Liêng cho biết, bà con không nhận được cảnh báo hay khuyến cáo nào từ chính quyền địa phương. Điều gay go nhất bây giờ là nhiều gia đình không còn lương thực, vật nuôi, hay hoa màu. Việc đảm bảo đời sống trong những ngày tháng tới sẽ rất khó khăn.

Ông Y Jam lo lắng nói:"Nước ngập từ 3 giờ sáng, nhưng trước đó không ai báo gì hết. Đên sáng công an xã, trưởng thôn mới nói di chuyển đi. Giờ thì ngập hết, xe máy, trôi cà phê đang phơi, lúa 7 sào đang trổ bông. Không còn gì hết".

Theo ông Nguyễn Xuân Hoản, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lắk, tình huống lụt như hôm nay không hiếm xảy ra ở huyện, nên công tác ứng phó với tình thế ngập lụt ở các buôn trong huyện diễn ra suôn sẻ. Ngay trong đêm,  lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương đã xuống các buôn làng bị ngập, lụt triển khai các biện pháp hỗ trợ giúp dân di chuyển người già và trẻ nhỏ cùng tài sản đến nơi an toàn. Đợt này, cả huyện có hơn 300 hộ bị ngập nhưng không có thiệt hại nào về người. Tuy nhiên huyện cũng sẽ tổ chức rút kinh nghiệm vì dự báo thiên tai ở mức độ ít nghiêm trọng hơn thực tế diễn ra.  

"Dự báo thì không đến mức này, nhưng thực tế thì về nhanh và lớn quá. Nặng nhất là ở Đăk Liêng. Huyện đã cử công an, quân đội xuống vùng lũ giúp dân. Trong đêm đã cắt điện để đảm bảo an toàn, không đẻ xảy ra thiệt hại về người. Giờ thì tiếp tục giúp các xã khác, đề phòng nước dồn về", ông Hoản nói.

Cùng với huyện Lắk, bão số 6 cũng ảnh hưởng trực tiếp tới các huyện Krông Năng, Ea Kar, M’Đrắk, Krông Bông và Krông Ana, với mưa to gió lớn đã làm ngã đổ nhiều diện tích cây trồng, gây ngập lụt nhiều diện tích hoa màu ở vùng thấp và một số đập tràn trên các tuyến giao thông.

Đến thời điểm này nước trên sông Krông Pắk vẫn đang lên. Lực lượng chức năng ở các huyện, thành phố, thị xã và tỉnh Đắk Lắk đã xuống hiện trường để giúp dân khắc phục hậu quả mưa bão, chuẩn bị các phương án phòng chống các tình huống lũ quét sạt lở đất, cảnh giới ở các điểm giao thông bị ngập lũ để giúp người dân vượt qua thiên tai.

Tính đến sáng ngày 11/11, hơn 300 ngôi nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã bị ngập nước, rất may là các hộ dân đã được di dời, sơ tán an toàn.

Nước dâng tại hồ Lắk.

Cụ thể, tại huyện Lắk, xảy ra ngập lụt ở 6 thôn, buôn xã Đắk Liêng và 1 tổ dân phố ở thị trấn Liên Sơn; tính đến sáng ngày 11/11, có khoảng 300 hộ dân có nhà bị ngập nước; diện tích sản xuất bị ngập lụt gồm 255 ha lúa mới gieo sạ, 16 ha ngô và 20 ha khoai lang.

Tại huyện M’Đrắk, nhà ở của 2 hộ dân khu vực thị trấn bị ngập lụt, 4 ngầm tràn giao thông bị ngập sâu khoảng 0,5 m. Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm và tổ chức canh gác ở khu vực ngầm tràn bị ngập sâu.

Tại huyện Ea Kar, nhà ở của 1 hộ dân xã Ea Păl bị ngập lụt. Gió mạnh làm đổ nhiều diện tích cây ngắn ngày chưa thu hoạch. Nước sông Krông Pắk đang lên nhanh có thể tiếp tục gây ngập lụt ở một số vùng trũng. 

Tại huyện Krông Bông, ông Lê Văn Long, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện cho biết mưa lớn, nước dâng cao và tràn qua 2 cầu treo dân sinh bắc qua sông Krông Bông, địa phận thuộc xã Cư Pui, huyện đã chỉ đạo 2 trường tiểu học trên địa bàn xã cư Pui là Ea Bar và Cư Pui 1 cho học sinh nghỉ học. Bên cạnh đó, mưa lớn đã gây sạt lở một đoạn dài hơn 100m sát đầu cầu buôn M’Khí, xã Yang Mao, hiện có nguy cơ sạt lở mố cầu. Ngoài ra, nước dâng cao làm rò rỉ, gây nguy cơ vỡ đập thủy lợi Ea Hmun, xã Cư Pui. Huyện đã bố trí lực lượng chức năng túc trực tại đập để ứng cứu nếu xảy ra tình huống xấu.

Trước những diễn biến của bão số 6, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Lắk và các sở, ngành, địa phương đã chủ động chuẩn bị công tác ứng phó với cơn bão này. Các địa phương đã sơ tán dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi đảm bảo an toàn; chủ động đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối, ngập lụt cục bộ; bố trí lực lượng canh gác ở các khu vực ngầm tràn bị ngập sâu.

Các đơn vị quản lý hồ đang thực hiện các giải pháp ứng phó nhằm đảm bảo an toàn công trình và nhân dân vùng hạ du. Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị, đang ứng cứu, hỗ trợ các địa phương, hỗ trợ nhân dân ứng phó với cơn bão số 6.

Quảng Ngãi: Hết tránh bão dân lại lo chạy lũ, sạt lở

Tại tỉnh Quảng Ngãi, dù không chịu ảnh hưởng của bão số 6 nhưng người dân lại đối mặt với nỗi lo ngập lụt sau bão. Tại những vùng trũng thấp, người dân đã chủ động hơn trong việc phòng tránh.

Lực lượng dân quân di dời các hộ dân đến nơi an toàn tránh sạt lở núi.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão số 6, hiện tại mực nước trên các sông ở tỉnh Quảng Ngãi như Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ, sông Trà Câu đang lên. Nếu trời mưa lớn thì lũ trên các sông tiếp tục lên cao, có nơi vượt mức báo động 2.

Ông Lê Thanh Tùng ở xã Đức Lợi, huyện Mộ Đức cho biết, khi nước sông Vệ dâng cao, người dân nơi chủ động phòng tránh lũ.

"Bà con ở đây quen với vùng lũ rồi nên lúc nước lên cao thì kê giường, tủ lên cao khỏi bị ngập. Người dân ứng phó, chuẩn bị quần áo dọn sẵn vô bao tránh bị ướt, chuẩn bị mì, thức ăn đầy đủ", ông Tùng nói.

Ngoài ứng phó với ngập lụt ở đồng bằng, sạt lở ở các cửa sông, cửa biển, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở núi ở các huyện miền núi. Tại các địa phương vùng cao như Ba Tơ, Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Minh Long, chính quyền địa phương đã sẵn sàng phương án ứng cứu, di dời dân đến nơi an toàn. Việc dự trữ lương thực phòng khi tắc đường cũng đã được chuẩn bị chu đáo.

Ông Nguyễn Tăng Bính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ngãi đánh giá cao cao công tác chỉ đạo và tinh thần chủ động ứng phó bão lũ của chính quyền và người dân các địa phương.

"Tôi đi kiểm tra thì tất cả những vùng xung yếu thì hầu như cả hệ thống chính trị ở các thôn, xã, huyện vận động người dân hết. Đặc biệt, lần này có sự giúp đỡ rất là lớn của lực lượng vũ trang của Quân khu V, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban chỉ huy các huyện, lực lượng Công an tỉnh tham gia tích cực vào việc vận động dân di chuyển và giúp dân", ông Bính cho hay./

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Theo VOV/ Pháp luật Plus