Trao đổi với PV, Đại úy Lê Đình Vĩnh - Giảng viên Khoa Cứu nạn cứu hộ - Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ hỏa hoạn ở nhà dân là do chập điện.
Hiện trường vụ cháy xảy ra ở Hà nội vào đêm qua, khiến 4 người trong một gia đình tử vong.
Lý giải về điều này, Đại Úy Vĩnh cho rằng nhiều gia đình do sử dụng một số các loại dây điện không tốt, hoặc do lâu ngày không được thay mới hệ thống dây điện nên dẫn đến quá tải, từ đó sinh chập, cháy.
Mặt khác, nhiều hộ gia đình cũng tận dụng khu vực tầng 1 để buôn bán kinh doanh, các loại hàng hóa không đảm bảo về khoảng cách an toàn trong việc phòng chống cháy nổ.
"Ở thành phố, hầu hết các gia đình chủ yếu chỉ thiết kế một cửa duy nhất vì diện tích nhà ở hẹp, hộ nào kinh doanh thường để hàng hóa ngay lối vào, nếu không kinh doanh, khu vực tầng 1 cũng để rất nhiều đồ đạc, phương tiện chứa xăng dầu dễ bắt lửa.
Trong khi đó, các tầng phía bên trên cũng được xây dựng kiên cố, 'chuồng cọp' không có ô thoát hiểm, nên khi xảy ra hỏa hoạn rất khó chạy".
Từ đó, Đại úy Vĩnh đưa ra lời khuyên, trong quá trình xây dựng nhà ở, nên thiết kế hệ thống điện đảm bảo chất lượng, tránh trường hợp quá tải, để không xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Ngoài ra, cần thiết kế, cải tạo các lối thoát hiểm ở các tầng trên, "chuồng cọp" phải có ô thoát nạn, chìa khóa cần được để ở vị trí thuận tiện.
Những khu vực có vật liệu dễ cháy, cần trang bị thêm các phương tiện chữa cháy tại chỗ, để khi xảy ra cháy có thể xử lý các bước ban đầu.
Trường hợp xảy ra hỏa hoạn, người gặp nạn có thể lấy chăn ướt rồi cuốn quanh người, sử dụng khăn ướt bịt vào miệng, mũi, tránh khói độc.
Cũng theo Đại úy Vĩnh, tại các chung cư hiện nay việc thoát nạn sẽ đơn giản hơn so với nhà dân vì đa phần các chung cư thường thiết kế hệ thống phòng cháy rất tốt, có khu vực thang thoát nạn, cửa chống cháy. Vì thế, khi xảy ra cháy người dân chỉ cần vào trong khu vực cầu thang bộ.
"Hỏa hoạn ở chung cư rất khó cháy lan từ căn này sang căn khác, do vậy trường hợp lối ở cầu thang bộ bị nhiễm khói, thì có thể vào phòng đóng kín, sử dụng khăn, vải ướt để bịt các khe hở, giảm khói xâm nhập vào bên trong. Sau đó ra khu vực ban công nơi thoáng khí để chờ, hoặc phát tín hiệu cho lực lượng cứu hộ cứu nạn.
Theo tôi, quan trọng nhất vẫn là phải có biện pháp phòng ngừa, người dân cần trang bị các kiến thức về phòng cháy, chữa cháy tránh những điều đáng tiếc xảy ra", Đại úy Vĩnh nói.
Phi Hùng - Theo Dân Trí