Cải tạo chợ truyền thống: Phù hợp với đời sống dân sinh

05/11/2024 09:58

Kinhte&Xahoi Chợ truyền thống vẫn bảo đảm cung ứng 80% hàng hóa tươi sống cho người dân, giải quyết đầu ra cho sản xuất. Chính vì vậy, cải tạo mạng lưới chợ là yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với đời sống dân sinh.

Cơ sở hạ tầng xuống cấp

Hiện nay, Hà Nội có khoảng 540 chợ truyền thống. Mô hình chợ này đảm nhận khoảng hơn 50% nhu cầu mua sắm của người dân các quận nội thành và khoảng 70% nhu cầu của người dân ngoại thành. Thế nhưng, hiện nhiều chợ truyền thống xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm các yêu cầu về an toàn vệ sinh, phòng chống cháy nổ, văn minh thương mại... khiến nhiều khu chợ truyền thống vắng khách.

Người tiêu dùng lựa chọn mua thực phẩm tại Chợ Hôm, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Chiến Công

Như chợ Cầu Giấy (quận Cầu Giấy), từ một khu chợ sầm uất, nhộn nhịp với hơn 200 hộ buôn bán kín 2 tầng, nhưng hiện tại chỉ còn gần 30 hộ buôn bán ở tầng 1. Tương tự, chợ Kim Liên (quận Đống Đa) là chợ hạng 3, khuôn viên chợ chỉ khoảng hơn 1.000m2 có đến 199 điểm kinh doanh. Đến nay, sau hàng chục năm hoạt động, toàn bộ khu chợ xuống cấp nghiêm trọng, các tiểu thương đều mong muốn chợ được cải tạo, xây mới để thu hút nhiều khách hàng hơn.

Để cải tạo và nâng cấp chợ truyền thống, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch thực hiện chỉ tiêu về đầu tư xây dựng, cải tạo chợ trên địa bàn TP giai đoạn 2024 - 2025. Theo đó, TP đầu tư xây mới 17 chợ, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp lại 21 chợ. Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh cho biết, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện đầu tư, xây dựng, cải tạo các chợ. Đến nay, Hà Nội đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động 4 chợ gồm: chợ Phú Đô (quận Nam Từ Liêm), chợ Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng), chợ Trung tâm thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), chợ Châu Long (quận Ba Đình).

Về cải tạo, nâng cấp chợ, đến tháng 10/2024, các quận, huyện, thị xã đã hoàn thành cải tạo 19/38 chợ, dự kiến đến hết năm 2024, TP Hà Nội sẽ hoàn thành xây mới thêm 4 chợ. Đến hết năm 2025, dự kiến sẽ hoàn thành xây thêm 2 chợ mới trên địa bàn các quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm; hoàn thành cải tạo thêm 10 chợ.

Đề nghị Sở QH-KT đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch chi tiết phát triển chợ tỷ lệ 1/500, qua đó làm cơ sở để địa phương kêu gọi DN đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn.
Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức

Bất cập trong thu hút vốn cải tạo chợ

Thực tế cho thấy, mặc dù UBND TP Hà Nội đã chú trọng việc nâng cấp, cải tạo chợ truyền thống, nhưng trong quá trình triển khai còn nhiều bất cập. Chợ Ngã Tư Sở (quận Ðống Ða) được xây dựng từ năm 1987 với diện tích hơn 8.500m2, được coi là chợ hạng 1, nhưng đã xuống cấp đến mức báo động.

Trong kế hoạch của TP, giai đoạn 2021 - 2025, chợ Ngã Tư Sở được đưa vào danh mục xây mới, nhưng hiện nay vẫn trong hiện trạng cũ dù theo phân cấp ủy quyền, việc đầu tư chợ đã được giao về cho cấp quận được phép sử dụng nguồn vốn đầu tư công. Nguyên nhân bởi trong các văn bản quy định về đầu tư, cấp quận được sử dụng nguồn vốn đầu tư công cho "chợ dân sinh". Tuy nhiên, chợ dân sinh lại được phân loại là chợ hạng 3, cho nên các chợ hạng 1 như chợ Ngã Tư Sở khó tiếp cận vốn ngân sách.

Không chỉ chợ Ngã Tư Sở gặp khó trong quá trình cải tạo, xây mới, mà nhiều dự án xây dựng, cải tạo chợ trên địa bàn Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Nguyên nhân là bởi nhiều địa phương gặp vướng mắc trong tiêu chí về hạ tầng thương mại, nhất là các địa phương đang xây dựng nông thôn mới nâng cao và đang phấn đấu lên quận. Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Kiều Oanh chia sẻ, hiện việc triển khai quy hoạch chợ còn chậm. Chuyển đổi mô hình chợ cũng gặp nhiều khó khăn, muốn chuyển sang hình thức xã hội hóa, nhưng không thể giao cho DN vì phần đất vẫn là đất công dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất của các chợ sau chuyển đổi, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP khiến DN không mặn mà tham gia đầu tư.

Bên cạnh đó, theo quy định khi xây dựng mới lại chỉ được 60% mật độ, còn lại là các công trình phụ trợ và hạ tầng cây xanh. Điều này khiến việc bố trí 100% tiểu thương được phép kinh doanh tại tầng 1 không khả thi, khó có trên 50% tiểu thương đồng thuận với việc xây dựng mới hệ thống chợ truyền thống.

Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Phùng Ngọc Sơn cho biết, mặc dù Nhà nước đã đồng ý sử dụng vốn ngân sách đầu tư xây dựng chợ, nhưng trong quá trình triển khai gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tiền thuê đất còn hạn chế, chưa khuyến khích để các nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư theo kêu gọi của TP. “Sở Xây dựng có hướng dẫn tháo gỡ vì có nhiều mẫu hồ sơ đấu thầu, có thể áp dụng hình thức đấu giá tài sản công, đấu thầu liên doanh liên kết Nhà nước quản lý, đấu thầu phần quản lý khai thác, chứ không giao đất, vì hiện không được cấp giấy sử dụng đất...” - ông Phùng Ngọc Sơn kiến nghị.

Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức, hiện người dân trên địa bàn huyện có nhu cầu trao đổi, tiêu thụ nông sản với các địa phương lân cận, nhưng chưa có chợ đầu mối phục vụ nhu cầu này. Nguyên nhân là do Sở QH-KT chưa xây dựng quy hoạch 1/500 hệ thống chợ nên địa phương chưa thể xã hội hóa nguồn vốn đầu tư.

Cần cơ chế cho doanh nghiệp

Để thu hút được DN đầu tư cải tạo hệ thống chợ truyền thống, theo các chuyên gia kinh tế, cần xây dựng cơ chế thông thoáng cho DN. Ở chiều ngược lại, DN đầu tư xây dựng cải tạo chợ nên thiết kế đúng công năng.

Để gỡ khó cho hoạt động cải tạo, xây mới hệ thống chợ, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Nguyễn Kiều Oanh kiến nghị, Bộ Tài Chính có cơ chế hỗ trợ về miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất cho vay đối với đầu tư xây dựng chợ… đối với các DN tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương có quy định rõ hơn liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của hộ kinh doanh đối với từng trường hợp được giao hoặc cho thuê điểm kinh doanh, cũng như cách thức xử lý đối với các trường hợp đã ký hợp đồng thuê điểm kinh doanh và đóng trước tiền thuê điểm kinh danh để xây dựng chợ… TP Hà Nội quan tâm xem xét bố trí kinh phí đầu tư công trong lĩnh vực chợ để bảo đảm nguồn kinh phí đầu tư, cải tạo chợ theo danh mục và tiêu chí tại các Chương trình của Thành ủy đã đề ra.

Từ mô hình cải tạo chợ Long Biên, Trưởng ban Quản lý chợ Long Biên (quận Ba Đình) Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, chợ dân sinh chỉ cần đầu tư ở mức vừa phải, bảo đảm tiện lợi, có mức phí phù hợp để các tiểu thương tiếp tục kinh doanh. Trước mắt có thể cải tạo từng phần để bảo đảm phòng, chống cháy nổ và vệ sinh an toàn thực phẩm. Liên quan đến việc cải tạo nâng cấp chợ, KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng cho rằng, chợ truyền thống từ xa xưa đã luôn được bố trí tại các địa điểm giao thông thuận tiện để thu hút khách hàng, thuận tiện cho mua bán. Nhưng nhiều nhà đầu tư đã cải tạo chợ theo hướng trở thành những “tổ hợp” chợ - nhà chung cư hoặc chợ - văn phòng cho thuê, nên không thu hút được tiểu thương vào kinh doanh. Do đó, để thu hút hộ kinh doanh, nhà đầu tư trong quá trình cải tạo chợ phải trả lại đúng chức năng vốn có để tạo nên điểm nhấn cho kiến trúc đô thị. Bên cạnh đó, phải lấy ý kiến của cộng đồng tiểu thương, người dân về phương án cải tạo, lấy đó làm căn cứ điều chỉnh phù hợp.

Chợ truyền thống vẫn bảo đảm cung ứng 80% hàng hóa tươi sống cho người dân, giải quyết đầu ra cho sản xuất. Để chợ truyền thống thu hút người tiêu dùng thì việc đầu tiên là cải tạo chợ phải có quy hoạch rõ ràng, minh bạch; Đặt ra tiêu chuẩn, tiêu chí về xây dựng chợ văn minh, nhân viên của chợ được đào tạo, tổ chức nguồn hàng và niêm yết giá…
Nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú

kinhtedothi.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vẻ đẹp của đất và người Thăng Long qua thư pháp

Chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức khai mạc triển lãm thư pháp Thăng Long - Hà Nội với chủ đề "Hương sắc Thăng Long".

https://kinhtedothi.vn/cai-tao-cho-truyen-thong-phu-hop-voi-doi-song-dan-sinh.html