Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai vừa ký ban hành Quy định 131 về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
“Kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán là việc sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm, nhất là hành vi lạm dụng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao”, theo giải thích tại quy định của Bộ Chính trị.
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai.
Quy định 131 quy định rõ 21 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, cụ thể gồm:
- Hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm giảm nhẹ, trốn tránh trách nhiệm cho đối tượng vi phạm.
- Cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ của đối tượng kiểm tra cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm, nhất là thông tin, tài liệu, hồ sơ đang trong quá trình kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng hoặc thanh tra, kiểm toán.
- Nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí của đối tượng kiểm tra hoặc người có liên quan đến đối tượng kiểm tra.
- Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của mình, người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với đối tượng kiểm tra hoặc tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
- Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với đối tượng kiểm tra, người có thẩm quyền, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán nhằm trục lợi hoặc động cơ cá nhân khác.
- Để người có quan hệ gia đình lợi dụng ảnh hưởng chức vụ, quyền hạn của mình nhằm thao túng, can thiệp vào việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán.
- Đưa ý đồ cá nhân, đề ra tiêu chí, điều kiện, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật để có lợi hoặc gây bất lợi cho đối tượng kiểm tra.
- Xác nhận, nhận xét, đánh giá, kết luận và kiến nghị không đúng sự thật hoặc làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ, bản chất vụ việc, vi phạm của đối tượng kiểm tra.
- Thoả thuận, đặt điều kiện với đối tượng kiểm tra hoặc người có liên quan đến đối tượng; thực hiện không đúng, không đầy đủ các quy định để làm thay đổi, sai lệch kết quả, kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán.
- Không kiến nghị, đề xuất chuyển đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm; không kiến nghị hoặc chỉ đạo, xử lý thu hồi vật chất, xử lý kỷ luật theo thẩm quyền đối với các vi phạm khi tiến hành kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán.
- Chỉ đạo hoặc cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, chưa được phép công bố hoặc không thực hiện đúng kết luận, kiến nghị về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán.
- Gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi không đúng quy định với đối tượng kiểm tra; sử dụng các tài liệu thẩm tra, xác minh không đúng mục đích.
- Bao che, tiếp tay, trì hoãn hoặc không kết luận, không xử lý hoặc kết luận, xử lý không đúng nội dung, tính chất, mức độ vi phạm hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
- Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán vượt thẩm quyền; không đúng quy trình nghiệp vụ, phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian theo quy định. Cản trở, can thiệp trái quy định vào việc kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán.
- Tiết lộ bí mật Nhà nước, bí mật nghề nghiệp, sách nhiễu, gây khó khăn, có thái độ áp đặt, thiếu tôn trọng, không đúng quy định của ngành, can thiệp trái quy định vào hoạt động của đối tượng kiểm tra.
- Không xử lý hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định khi nhận được thông tin, đơn, thư phản ánh, tố cáo đối tượng kiểm tra.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình để gợi ý, tác động, gây áp lực đối với người có thẩm quyền quyết định hoặc tham mưu về các kết luận kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán không đúng bản chất sự việc.
- Tác động đến người có thẩm quyền nhằm giúp cho đối tượng kiểm tra có được kết quả, quyền lợi không chính đáng ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân.
- Trực tiếp hoặc gián tiếp hỗ trợ đối tượng kiểm tra thực hiện các hành vi nhằm trốn tránh, giảm nhẹ trách nhiệm.
- Không kịp thời thay đổi thành viên đoàn kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán khi có căn cứ xác định thành viên không vô tư, khách quan trong công tác; không kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của đoàn.
- Không kịp thời kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đối với những tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân có dấu hiệu vi phạm, đơn, thư phản ánh, tố cáo đã được xác định là có cơ sở.
Ngoài ra, còn có các hành vi tham nhũng, tiêu cực khác theo quy định của Đảng và pháp luật.
Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực
Người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức Đảng không được thực hiện các hành vi trên. Đồng thời, phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm quy định về kiểm soát quyền lực, tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Quy định của Bộ Chính trị cũng quy định rõ, người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức Đảng phải có trách nhiệm triệu tập đầy đủ, đúng thành phần, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ trong thảo luận và quyết định các vấn đề theo thẩm quyền.
“Không được vận động, dẫn dắt, thao túng, áp đặt ý kiến chủ quan, tác động, gây sức ép để người khác nhận xét, đánh giá, biểu quyết, quyết định theo ý mình”, Bộ Chính trị quy định.
Người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức Đảng còn phải có trách nhiệm công khai thông báo, kết luận về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và hoạt động thanh tra, kiểm toán theo quy định. Cung cấp đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.
Tương tự, lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức kiểm tra, thanh tra, kiểm toán cũng không được thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Bộ Chính trị còn quy định rõ trách nhiệm của lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan ủy ban kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.
Theo đó, lãnh đạo cơ quan uỷ ban kiểm tra phải có trách nhiệm phản ánh kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực đến cấp có thẩm quyền những nội dung có liên quan đến lĩnh vực, địa bàn mà cá nhân được phân công phụ trách, quản lý, theo dõi. Thể hiện rõ chính kiến, chịu trách nhiệm về ý kiến của mình và được bảo lưu ý kiến.
Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện, việc làm trái chủ trương, quy định của Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng; chịu trách nhiệm về đề xuất kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong việc nhận xét, đánh giá, kiến nghị thuộc thẩm quyền cũng là trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan uỷ ban kiểm tra.
Lãnh đạo cơ quan uỷ ban kiểm tra cùng tập thể chịu trách nhiệm đối với quyết định, kết luận không đúng trong kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng (trừ trường hợp không đồng ý với quyết định, kết luận không đúng của tập thể.
Đồng thời chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, sai phạm của đoàn kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật được phân công chỉ đạo.
Với lãnh đạo cơ quan thanh tra, kiểm toán, quy định của Bộ Chính trị nêu rõ, phải thường xuyên kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh và chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán thuộc thẩm quyền được giao.
Người đứng đầu, lãnh đạo cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra, kiểm toán phải thường xuyên tự kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh và chịu trách nhiệm về những khuyết điểm, vi phạm trong hoạt động thanh tra, kiểm toán thuộc thẩm quyền được giao.
Cạnh đó, phải có trách nhiệm công khai, minh bạch nội dung về hoạt động thanh tra, kiểm toán cho tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định; chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, sai phạm của đoàn thanh tra, kiểm toán được phân công chỉ đạo…
Quốc Bảo - Pháp luật Plus