Cần cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, thực chất hơn

16/06/2020 17:24

Kinhte&Xahoi Ấn tượng và đánh giá cao với những thành công trong công tác phòng, chống đại dịch Covid- 19, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cần cải cách thủ tục hành chính, cải cách thể chế mạnh mẽ, thực chất hơn.

Trong hai ngày 13, 15-6, Quốc hội đã dành thời gian để thảo luận tại Hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Quá trình thảo luận, các đại biểu đều dành thời lượng nhất định trong bài phát biểu của mình để đánh giá về thành công trong công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam.  

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng): Cần tạo điều kiện tối đa cho các dự án đầu tư của DN. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Bùi Văn Cường (Gia Lai) nhấn mạnh, “việc cả thế giới đang loay hoay với đại dịch, hơn một nửa dân số thế giới vẫn còn giãn cách xã hội thì chúng ta có mặt đông đủ tại hội trường Diên Hồng với tâm thế thoải mái, an toàn là một hạnh phúc rất lớn mà nhiều quốc gia trên thế giới không có được”.

Theo đại biểu, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới với độ mở kinh tế lớn, hội nhập kinh tế sâu, rộng, đường biên giới dài đã thành công ngoạn mục trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19. Việt Nam được các quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá cao, coi là điểm sáng toàn cầu về phòng, chống dịch. Điều này là kết quả của chiến lược, sách lược chống dịch đúng đắn, quyết liệt, kịp thời của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ, với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của người dân.

Đại biểu Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) cũng nêu thực tế, những tháng đầu năm 2020, thế giới và trong nước chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 làm ngưng trệ hoạt động hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta đã giành được những thành công đáng khích lệ.

“Qua cuộc chiến với đại dịch một lần nữa cho thấy truyền thống quý báu về một ý chí Việt Nam, về tinh thần đoàn kết dân tộc, khi Tổ quốc lâm nguy hay đứng trước đại dịch nguy hiểm, cả dân tộc Việt Nam triệu người như một chung sức đồng lòng hướng tới mục tiêu cuối cùng là giành chiến thắng. Đồng thời qua đó, cũng cho thấy sự ủng hộ niềm tin không phai nhạt của nhân dân với Đảng, Nhà nước và sự nghiệp cách mạng của đất nước cũng như khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và sự điều hành linh hoạt, sáng tạo và quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc hiệu quả của cả hệ thống chính trị”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói

Các ý kiến đại biểu cũng cho rằng, phải tiếp tục bảo vệ thành quả mà chúng ta đã kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, không được chủ quan, bởi vì tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Cùng với đó, chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô…

Nhấn mạnh việc khôi phục kinh tế sau dịch Covid, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho rằng, cần tạo điều kiện tối đa cho các dự án đầu tư của DN. Theo đại biểu, thời gian qua, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã trải thảm đỏ cho các tập đoàn, DN lớn đa quốc gia về đầu tư ở địa phương mình. Tuy nhiên, đối với DN trong nước, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, các thủ tục đầu tư vẫn còn phức tạp và kéo dài.

Các văn bản hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thi, Luật Đất đai còn nhiều nội dung chưa thống nhất, gây nên sự lúng túng, dè chừng, đùn đẩy của các cơ quan chức năng trong quá trình thẩm định, xem xét giải quyết các thủ tục cho các dự án đầu tư của DN, từ: Quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chấp thuận đầu tư, tính giá đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến các giấy phép về xây dựng công trình.

Cùng quan điểm, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho biết, dịch vẫn diễn biến phức tạp. Chúng ta đã thiết lập trạng thái bình thường mới vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, vừa chống dịch có hiệu quả. “Trạng thái bình thường mới này điểm cốt lõi vẫn là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải cách thế chế. Việt Nam có lợi thế về môi trường kinh doanh ổn định, quản trị Nhà nước tốt, đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Do vậy đòi hỏi tiếp tục cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn, thực chất hơn nữa theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, hành động”, đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh.

Đại biểu phân tích, các gói hỗ trợ trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã có những vướng mắc về thủ tục cần tháo gỡ. Giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng có những nguyên nhân, những vướng mắc cần tháo gỡ… “Vấn đề là cơ chế, thủ tục vướng mắc thì phải tháo gỡ. Nhưng để giải quyết tận gốc những vướng mắc là cần phải kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi, hành lang pháp lý thủ tục hành chính thông thoáng chứ không chỉ là tháo gỡ vướng mắc hay là giải cứu”.

Thanh Hải

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em từ cơ sở: Huy động nguồn lực cộng đồng

Hà Nội có khá đông trẻ em và tập trung nhiều trẻ em di cư, nên việc bảo vệ, chăm sóc trẻ đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm, giải quyết. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới nhân Tháng Hành động vì trẻ em, Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho biết, thành phố tiếp tục xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em từ cơ sở, nhằm huy động nguồn lực cộng đồng để chăm lo toàn diện cho thế hệ tương lai.

Sim ''rác'' vẫn tồn tại

Việc 3 nhà cung cấp dịch vụ di động Viettel, VinaPhone, MobiFone cùng cam kết dừng phát hành sim mới tại các đại lý, điểm bán ủy quyền từ ngày 1-6 thể hiện quyết tâm ngăn chặn nạn sim “rác” gây bức xúc bấy lâu nay. Tuy nhiên, sau 15 ngày thực hiện việc này, nhiều cửa hàng, đại lý sim thẻ vẫn bán sim đã kích hoạt, điều này đòi hỏi các nhà mạng và cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, rà soát và quản lý chặt chẽ hơn nữa.

Link bài gốc https://phapluatxahoi.vn/can-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-manh-me-thuc-chat-hon-197660.html