Cần cơ chế giãn dân phố cổ
Kinhte&Xahoi
Được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt từ năm 2013, Đề án giãn dân khu phố cổ quận Hoàn Kiếm với mục tiêu giảm mật độ dân cư, cải thiện đời sống người dân, bảo tồn, tôn tạo các di tích, công trình kiến trúc có giá trị, góp phần phát triển đô thị bền vững. Tuy nhiên, sau gần 1 thập niên, đến nay việc giãn dân phố cổ vẫn đang dừng lại ở những bước sơ khởi. Để thúc đẩy đề án, rất cần những cơ chế đột phá...
Khu phố cổ có 121 di tích, trong đó trên 50% số di tích có dân đang sinh sống. Ảnh: Đỗ Tâm
Vẫn giậm chân tại chỗ
Ngày 9-1-2013, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 168/QĐ-UBND phê duyệt Đề án giãn dân khu phố cổ quận Hoàn Kiếm. Mục tiêu là giảm mật độ dân cư khu phố cổ từ 823 người/ha (năm 2009) xuống còn 500 người/ha (đến năm 2020); tương ứng phải di chuyển khoảng 6.600 hộ dân (26.200 người). UBND quận Hoàn Kiếm được giao làm chủ đầu tư 2 dự án thành phần, gồm: Dự án tổ chức di dời các hộ dân khỏi khu phố cổ giai đoạn 1 và Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ tại Khu đô thị Việt Hưng, quận Long Biên (16 tòa nhà cao 10 tầng). Lộ trình thực hiện được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (2013-2015), di chuyển khoảng 1.600 hộ; giai đoạn 2 (2015-2020), di chuyển khoảng 5.000 hộ còn lại.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội (UBND quận Hoàn Kiếm) Đặng Đình Bằng cho biết: Ban đã phối hợp với 10 phường thuộc khu vực phố cổ thống kê có 478 hộ thuộc diện giãn dân bắt buộc (đang sinh sống trong các di tích đình, đền, công sở, trường học) và 3.998 hộ giãn dân tự nguyện (các hộ có diện tích bình quân dưới 5m2/người). Song đến nay, tất cả vẫn giậm chân tại chỗ... Dự án xây dựng khu nhà ở giãn dân tại Khu đô thị Việt Hưng cũng mới hoàn thành phần hạ tầng.
Ông Chu Quốc Khánh, ngõ 54 Hàng Đào (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) cho biết, gia đình ông có 5 người, sống trong căn phòng rộng 20m2. Nơi ở chật chội nên con trai ông không dám sinh con thứ hai... Ngõ 75 Nguyễn Hữu Huân (phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) mặc dù nhỏ hẹp, nhưng có tới 29 hộ dân, với 138 người sinh sống. Trong đó, nhà nhỏ nhất là 8m2 (với 2 người sinh sống), rộng nhất 22,4m2 (6 người sinh sống). Bà Vũ Thị Phương Liên - một người dân sống trong ngõ cho biết: "Gia đình sống trong căn nhà chưa đầy 20m2, rất chật chội, song dịp cuối tuần tôi có thể bán hàng ở khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Đây là kế sinh nhai của cả gia đình".
Gỡ những “nút thắt“
Ngõ 75 Nguyễn Hữu Huân (phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) mặc dù nhỏ hẹp nhưng có tới 29 hộ dân với 138 người sinh sống. Ảnh: Dung Nhi
Về những “nút thắt” khiến việc giãn dân khu phố cổ giậm chân tại chỗ, ông Đặng Đình Bằng cho biết: Khu phố cổ có 121 di tích, trong đó trên 50% số di tích có dân đang sinh sống. Do đó, rất cần thành phố sớm khoanh vùng bảo vệ di tích, làm cơ sở pháp lý để xác định các hộ dân phải di dời.
Cho rằng đề án giãn dân chưa thể thành hiện thực bởi cơ quan chức năng mới tính đến vấn đề chỗ ở, chưa tính đến sinh kế lâu dài cho người dân, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội đưa ra các giải pháp: Xác định cụ thể đối tượng phải di dời và có quy định chặt chẽ cho việc di dời; nên có chính sách ưu đãi, đền bù linh hoạt thay vì dồn tất cả về một khu; quan tâm giải quyết sinh kế cho người dân khi đến nơi ở mới.
Tại quy hoạch phân khu đô thị H1-1A (khu phố cổ) vừa được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, một lần nữa yêu cầu giảm dân số khu vực phố cổ lại được tính đến. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030 và tối đa đến năm 2050, dân số khu phố cổ là khoảng 45.000 người. Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, quận đang đưa ra nhiều phương án để triển khai thực hiện. Theo đó, với dự án khu nhà ở giãn dân tại Khu đô thị Việt Hưng, quận đang lập quy hoạch chi tiết, trình thành phố sớm phê duyệt. Mặt khác, quận cũng đang trình thành phố phê duyệt cơ chế đầu tư xây dựng các khu nhà này, tiến hành song song dự án giãn dân...
Quận Hoàn Kiếm cũng tính đến phương án bảo đảm việc làm cho 40% số dân khu phố cổ đang kiếm sống nhờ kinh doanh, như: Tạo điều kiện cho các hộ tiếp tục được kinh doanh tại các ki-ốt, chợ dân sinh ở khu giãn dân; nghiên cứu phương án cho các hộ dân có nguyện vọng quay lại kinh doanh tại khu vực không gian đi bộ vào 3 buổi tối cuối tuần...
Rõ ràng, để bài toán giãn dân khu phố cổ có lời giải thỏa đáng, không chỉ cần sự đồng thuận từ nhân dân, mà còn cần sự nỗ lực của các cấp chính quyền, cùng với những cơ chế, chính sách đặc biệt.
Nhóm PV- Hà Nội mới