Cần hiểu đúng việc 'Giấy xác nhận độc thân phải ghi tên người dự định cưới'
Kinhte&Xahoi
Những ngày vừa qua, dư luận tỏ ra xôn xao về quy định giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi tên người dự định cưới. Tuy nhiên, quy định này cần phải hiểu đúng và Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) Nguyễn Công Khanh cũng lý giải cụ thể hơn về quy định này.
Cục trưởng Nguyễn Công Khanh.
Không phải là quy định mới
Ngày 16/11/2015, Bộ Tư pháp có ban hành Thông tư số 15/2015/TT-BTP hướng dẫn Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Hộ tịch. Theo đó, khoản 5 Điều 25 quy định cách ghi Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (thường được nhiều người gọi là Giấy xác nhận độc thân) thì:
“Trường hợp sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn thì phải ghi rõ họ tên, năm sinh, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định làm thủ tục kết hôn”.
Còn mới đây, Bộ Tư pháp tiếp tục ban hành Thông tư số 04/2020/TT-BTP (thay thế Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015) có hiệu lực từ ngày 16/7/2020, đã tiếp tục giữ quy định nêu trên và bổ sung thêm là ghi “Quốc tịch của người dự định kết hôn”.
Như vậy, đây không phải là quy định mới áp dụng từ ngày 16/7/2020 mà là quy định đã có từ trước.
Thậm chí, trao đổi với báo chí, Cục trưởng Nguyễn Công Khanh cho hay, quy định này có từ 10 năm trước. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn việc ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ, biểu mẫu hộ tịch đã quy định: “Trong trường hợp sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn, thì phải ghi rõ kết hôn với ai, ở đâu”.
Do đó, quy định tại khoản 3 Điều 12 Thông tư số 04/2020 của Bộ Tư pháp sẽ có hiệu lực từ ngày 16/7/2020 chỉ là kế thừa quy định hợp lý của 2 Thông tư trước đó.
Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã ghi mục đích sử dụng là đăng ký kết hôn với ai. (Mẫu hướng dẫn năm 2019, trước thời điểm ban hành Thông tư số 04/2020/TT-BTP)
Qua hơn 10 năm thực hiện và mỗi năm có hàng triệu người yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định tại Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP và Thông tư số 15/2015/TT-BTP, Bộ Tư pháp chưa nhận được phản ánh nào của cơ quan đăng ký hộ tịch cũng như người dân liên quan đến vấn đề này. Nghĩa là quy định không phát sinh khó khăn, vướng mắc gì, cũng không để lại hệ lụy gì cho người dân và xã hội.
Chỉ bắt buộc khi dùng để đăng ký kết hôn
Như quy định đã được viện dẫn nêu trên thì việc phải ghi thông tin người dự định kết hôn chỉ áp dụng đối với trường hợp xin Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Những trường hợp xin Giấy xác nhận với mục đích khác như giao dịch dân sự, ngân hàng, du học, du lịch, lao động... sẽ không ghi nội dung này.
Qua báo chí, ông Khanh cho biết, việc pháp luật yêu cầu ghi thông tin của người dự định kết hôn vào Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (dùng để kết hôn), trước hết nhằm đề cao tính nghiêm túc, ý thức trách nhiệm của mỗi bên đối với hôn nhân vì mục tiêu “Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc” tại Luật Hôn nhân và gia đình.
Thứ hai là nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên, nhất là phụ nữ khi yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
Thứ ba là có cơ sở để kiểm tra, xác minh trong trường hợp người dân yêu cầu cấp lại giấy này mà không nộp lại được Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đã cấp trước đó.
“Việc ghi rõ thông tin của người dự định kết hôn trên Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân không làm hạn chế quyền của cá nhân, bởi giấy này chỉ xác nhận về tình trạng hôn nhân của cá nhân (là hiện tại người đó đã kết hôn hay chưa kết hôn với ai…), mà không có giá trị ràng buộc các bên phải kết hôn với nhau”, ông Khanh khẳng định.
T.Quyên - Pháp luật Plus