Cẩn trọng với thú vui thả diều
Kinhte&Xahoi
Mùa hè - mùa những cánh diều tuổi thơ, thú vui dân dã, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy, thậm chí có thể gây chết người từ trò chơi tưởng chừng như vô hại này. Một số người “sáng tạo” những loại dây diều đặc biệt để có thể cứa đứt dây diều của đối thủ. Nhưng cũng đồng nghĩa với việc nhiều người vô tình vướng phải dây diều sẽ bị thương tích, thậm chí tử vong.
Diều thả gần đường điện, trong khu dân cư, đường giao thông... có thể gây hiểm họa khôn lường. (Ảnh: Thanh Vân)
Những vụ tai nạn thương tâm
Mới đây, ngày 25/6/2024, lực lượng chức năng nhận được thông tin tại Trạm biến áp Thạch Kim 2 (trạm biến áp 35kV, thuộc Điện lực huyện Lộc Hà) tại thôn Sơn Bằng, xã Thạch Kim (Hà Tĩnh) xảy ra vụ điện giật làm cháu Nguyễn Nhật T. (sinh năm 2011, trú tại thôn Sơn Bằng, xã Thạch Kim) tử vong.
Theo lãnh đạo địa phương, do dây diều mắc vào trạm biến áp nên em T. dùng gậy bằng kim loại để lấy diều và bị phóng điện.
Tháng 7/2023, anh N.Đ. trong lúc di chuyển từ phủ Tây Hồ về Thụy Khuê (Hà Nội) bị dây diều rơi siết mạnh vào cổ. Xe máy lập tức đổ nhào, trượt dài một đoạn. Anh N.Đ được người dân đỡ dậy, dìu vào ngồi nghỉ bên vệ đường. Cổ của anh bị vết cắt dài khoảng 13cm, chảy nhiều máu do dây diều cứa, còn khuỷu tay và phần bụng bị sây sát do ngã ra đường.
Anh N.Đ không khỏi sợ hãi nhớ lại tai nạn “từ trên trời rơi xuống: “Tôi phải nằm viện điều trị vài tuần, giờ mỗi lần tôi đi làm ngang qua đây, tôi đều thấy rùng mình, ám ảnh việc bị dây diều cứa cổ. Tôi bị dây diều cứa như cắt da, cắt thịt mà lại đúng vùng cổ rất nguy hiểm”.
Những loại diều gây nguy hiểm cho người đi đường nói trên phần lớn là sử dụng loại dây nguy hiểm. Loại dây truyền thống vô hại làm từ sợi bông không còn phổ biến nữa, thay vào đó, dây được nâng cấp với khung gắn đèn led, dây buộc bằng thép, dây pha sợi kim tuyến dẫn điện… với kích thước bề ngang 2 - 3m và chiều dài 4 - 5m.
Dây diều cứa ngang gây vết thương dài trên cổ chị Ngân. (Ảnh: NVCC)
Cần có khu vực thả diều riêng
Nghệ nhân dân gian về diều Nguyễn Thanh Vân (CLB diều Phượng Hoàng, Trung tâm Văn hóa TP HCM) cho hay, nhu cầu giải trí của người dân là có thật và cần được tôn trọng.
Tuy nhiên, đối với hoạt động thả diều gây ra tai nạn cho nhiều người và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm thì cần phải được chính quyền các địa phương ngăn cấm triệt để.
Giải pháp vừa bảo đảm an toàn, vừa bảo đảm hoạt động giải trí cho người dân là sắp xếp một khu vực riêng cho phép người dân thả diều tại đó.
Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thanh Vân khuyến cáo người dân không thả diều gần khu vực đường quốc lộ, cao tốc, đường giao thông, vỉa hè để tránh nguy hiểm cho người lưu thông qua lại.
Không thả diều gần trạm điện, đường điện cao thế vì dễ gây bỏng, chập cháy, điện giật nguy hiểm hoặc có thể làm mất điện lưới và ảnh hưởng tới sản xuất, sinh hoạt của cả một khu vực dân cư rộng lớn... Người thả diều cũng tránh xa kênh rạch, sông nước bởi có thể gây ngã, đuối nước.
Theo quy định của pháp luật, tại một số khu vực đặc biệt như gần sân bay, đường dây điện cao áp... người dân bị cấm thả diều.
Theo khoản 18 Điều 2 của Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các tập thể, cá nhân thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện; đồng thời, bồi thường thiệt hại khi xảy ra sự cố theo đúng quy định của Nhà nước.
Riêng các trường hợp gây ra sự cố nghiêm trọng, gây hoả hoạn, sự cố mất điện trên diện rộng, tai nạn điện,… sẽ bị truy cứu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Nếu thả diều gây thiệt hại sức khỏe của người khác, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính do vi phạm quy định về trật tự công cộng.
Theo đó, người này có thể bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp vô ý gây thương tích cho người khác nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, căn cứ quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Trường hợp gây thương tích cho người khác, thì căn cứ vào tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân, người vi phạm có thể phải đối diện với mức hình phạt thấp nhất là cảnh cáo, phạt tiền từ 5 đến 20 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ một năm; cao nhất là phạt tù 3 năm.
Người có hành vi gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác còn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định pháp luật.
Thùy Dương - Pháp luật Plus