Cao tốc đầu tiên của Tây Nguyên dần thành hình

27/02/2024 10:21

Kinhte&Xahoi Ngay sau Tết, những công trường thuộc cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột lại sôi động, hướng đến sớm hoàn thành tuyến trục ngang nối Tây Nguyên với biển.

Sơ đồ hướng tuyến và 3 dự án thành phần cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Đồ họa: DKR.

Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5km, qua địa bàn hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk. Trong đó, đoạn đi qua Khánh Hòa dài 32,7km, qua Đắk Lắk dài 84,5km. Tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành một số đoạn có lưu lượng giao thông lớn vào năm 2026; khai thác đồng bộ toàn tuyến từ năm 2027.

Tuyến cao tốc này chính thức được khởi công từ cuối tháng 6-2023, gồm 3 dự án thành phần. Cao tốc đầu tư phân kỳ, trong đó giai đoạn 1 xây dựng 4 làn hạn chế, nền đường rộng 17m. Giai đoạn 2 xây dựng hoàn chỉnh, tốc độ khai thác từ 80-100km/h.

Đoạn cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột qua tỉnh Đắk Lắk.

Tại dự án thành phần 3 dài hơn 48km, tiến độ các hạng mục thi công khá tốt. Tính đến tháng 2-2024, tỉnh Đắk Lắk đã bàn giao được hơn 98% mặt bằng. Trong kế hoạch vốn năm 2023 cho dự án thành phần 3 là hơn 1.372,4 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được gần 99%.

Tại gói thầu số 1 (từ Km69+500 đến Km86) thuộc dự án thành phần 3 đoạn qua huyện Ea Kar của tỉnh Đắk Lắk, đại diện nhà thầu là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải cho biết, các mũi thi công đã triển khai công việc xuyên dịp Tết Giáp Thìn vừa qua. Đến nay, đơn vị đã phát quang, dọn dẹp mặt bằng được khoảng 11,5km/16,5km; thi công nền đường được 1,1 km/16,5km; đường công vụ dọc tuyến được 8,4km.

Tại dự án thành phần 2, liên danh nhà thầu thuộc Tập đoàn Đèo Cả đang thi công gói thầu XL01 dài 11km, có hầm Phượng Hoàng dài 1,7km vào 10 cầu. Gói thầu này mới được triển khai, tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, gói thầu này mới chỉ triển khai từ 3 tháng trước, nhưng có tiến độ rất nhanh. Theo đại diện nhà thầu, hiện mặt bằng đã được UBND tỉnh Đắk Lắk bàn giao được 9,6/11km; trong đó có hơn 3km thi công được ngay. Dự kiến, đến tháng 3-2024, nhà thầu sẽ triển khai thi công mở cửa hầm Phượng Hoàng. Đây là hạng mục quan trọng ảnh hưởng đến tiến độ của toàn dự án, hướng tới vượt tiến độ 6 tháng.

Ở những nơi có mặt bằng thuận lợi, nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Ảnh: Văn Thành

Tại dự án thành phần 1 trên đất Khánh Hòa, đoạn đầu tuyến qua thị xã Ninh Hòa dài 32km đã được tỉnh bàn giao đợt 1 khoảng 74% diện tích mặt bằng cho đơn vị thi công. Tỉnh cũng đã chấp thuận 4 mỏ đất đắp, 9 mỏ đá, 3 mỏ cát, thống nhất 42 vị trí bãi đổ thải để phục vụ dự án…

Tính đến tháng 2-2024, vướng mắc lớn nhất trong thực hiện dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là việc chuyển đổi mục đích sử dụng 196,62ha đất rừng tại tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa sang mục đích khác để phục vụ thi công dự án.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Minh Chí, quy định hiện hành đang không cho phép chuyển tiền trồng rừng thay thế về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng do Sở quản lý. Vì vậy, chưa có nguồn vốn trồng rừng mới thay cho diện tích rừng trong phạm vi dự án.

Một khó khăn nữa là dự án đường cao tốc cần có các bãi thải vật liệu và mỏ khai thác nguyên liệu làm đường. Khi giải phóng mặt bằng tạo lập, vướng đất rừng, lại gặp khó khăn vì những diện tích đất này không nằm trong hành lang tuyến chính dự án, nên không thuộc phạm vi thu hồi đất và chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Hiện, cơ quan chức năng các tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk đang lấy ý kiến các bên liên quan để giải quyết vướng mắc này.

Việc chuyển đổi đất rừng và quản lý kinh phí trồng rừng thay thế cho dự án đang gặp một số khó khăn về thủ tục. Ảnh: Thái Bình.

Khó khăn thứ hai khi thực hiện dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột là việc cung ứng đất cát đắp đường tại một số dự án thành phần. Đơn cử, tại gói thầu XL01 (thuộc dự án thành phần 2, đoạn có hầm Phượng Hoàng), nhà thầu cần hơn 1,3 triệu m3 đất đắp đường; 148.000m3 cát xây dựng; 490.000m3 đá xây dựng. Nhưng theo Giám đốc Ban điều hành gói thầu XL01 Dương Đình Mạnh, một số mỏ cát quy hoạch cho dự án chưa được cấp phép khai thác; một số bãi thải chưa có đường tiếp cận, vận chuyển…

Về vấn đề này, UBND tỉnh Đắk Lắk thông tin, đang cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bên liên quan đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác mỏ mới, gia hạn thời gian khai thác mỏ cũ, nhằm sớm giải bài toán thiếu vật liệu làm đường. Còn UBND tỉnh Khánh Hòa đang đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, lựa chọn nhà thầu, sớm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.

Các địa phương đang nỗ lực tăng nguồn cung vật liệu đắp đường cho dự án.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột sẽ là tuyến đường chiến lược, có vai trò quan trọng trong việc đánh thức và khai thác tiềm năng du lịch sinh thái Tây Nguyên và kết nối Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ. Khi đưa vào vận hành, tác động đến phát triển kinh tế của các địa phương và vùng hấp dẫn tăng khoảng 0,9%-2,1%, trung bình 1,5%; giúp phát triển liên kết vượt bậc kết nối rừng với biển.

Nhóm PV - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/cao-toc-dau-tien-cua-tay-nguyen-dan-thanh-hinh-659341.html