Triển khai nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 Quốc gia là nhiệm vụ quan trọng do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Thông tin & Truyền thông, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống COVID-19 giao Viettel thực hiện. Nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 Quốc gia đã sẵn sàng đáp ứng 5 triệu mũi/ngày, phục vụ yêu cầu tiêm chủng tăng cường, mở rộng của Bộ Y tế.
Nền tảng bao gồm 4 hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, Cổng công khai thông tin tiêm chủng COVID-19, Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng Quốc gia, Trung tâm đáp ứng (MCC).
Chậm nhập liệu, chậm cấp “thẻ xanh vắc xin”
Hiện, nền tảng Quản lý tiêm chủng COVID-19 Quốc gia đã được ứng dụng tại 63 tỉnh/TP trên cả nước. Tham gia tiêm chủng, người dân mất chưa đến 5 giây để xác nhận thông tin bằng mã QR. Sau khi dữ liệu tiêm được cập nhật lên cơ sở dữ liệu được quản lý tập trung, người dân có thể tra cứu "Chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19" trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc trên Cổng thông tin.
Khi kiểm tra, người dân nào đã tiêm 1 mũi vắc xin sẽ có chứng nhận màu vàng, còn người tiêm đủ 2 mũi sẽ có chứng nhận màu xanh. Tuy nhiên, hiện nhiều tỉnh rất chậm trong việc nhập dữ liệu lên cơ sở dữ liệu được quản lý tập trung, gây ảnh hưởng đến số liệu thống kê thực tế.
Tra cứu thông tin tiêm chủng tại tiemchungcovid19.gov.vn
Đến thời điểm hiện tại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình vẫn chưa nhập liệu số cũ trước khi có văn bản của Bộ Y tế. Lý giải về điều này, ông Đỗ Quốc Tiệp - Giám đốc CDC Quảng Bình cho biết: “Việc nhập liệu chậm vì trong thời điểm vừa tiêm chủng vừa chống dịch đang còn vướng nhưng từ khi có văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, Trung tâm đã huy động tối đa các sở, ngành và đơn vị liên quan nhập liệu để đẩy lên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 (Sổ sức khỏe điện tử)”.
Quảng Bình có tỷ lệ tiêm vắc xin cao nhất, nhì khu vực miền Trung trong tổng số vắc xin được cấp. “Bộ cấp đến đâu, chúng tôi tiêm đến đó. Từ ngày 27/4 đến thời điểm hiện tại, Quảng Bình luôn hoàn thành chỉ tiêu trên 90% đối tượng vắc xin được tiêm” - ông Đỗ Quốc Tiệp cho hay.
Tại Vĩnh Phúc, đã tiêm 133.089 liều vắc xin ngừa COVID-19, tỷ lệ đã tiêm ít nhất 1 mũi/ dân số (>= 18 tuổi) chiếm 16,85%. Theo đại diện CDC Vĩnh Phúc, các đợt tiêm đều nhập thông tin đầy đủ lên hệ thống.
Qua khảo sát, nhiều nơi gặp khó khăn trong công tác nhập liệu, thống kê báo cáo, không theo kịp tốc độ tiêm vắc xin của các đội tiêm chủng khiến số liệu chênh với báo cáo và thực tế. ... Chính những điều này đã khiến cho việc chậm xây dựng các kịch bản để trở lại trạng thái bình thường mới.
Tại TP HCM, lãnh đạo TP và nhóm chuyên gia y tế, kinh tế đang nghiên cứu, thiết kế "thẻ xanh Covid-19". Tuy nhiên, theo phản ánh, nhiều người đã tiêm mũi 1 và có người tiêm 2 mũi cũng chưa được cập nhật thông tin lên hệ thống tiêm chủng, việc này gây khó khăn cho việc cấp “thẻ xanh vắc xin”.
Đến ngày 15/9, TP cần tiêm khoảng 2 triệu liều vắc xin. Theo thống kê trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19, tính đến ngày 10/9, TP HCM đã tiêm 7,227,674 liều, tỷ lệ đã tiêm ít nhất 1 mũi/ dân số (>= 18 tuổi) chiếm 103, 75%.
Người dân đã tiêm vắc xin ngày 28/7, tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thông tin cá nhân chưa có trên hệ thống.
TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã thực hiện trạng thái bình thường mới, người dân được ra đường. Tỉnh Bình Dương đã yêu cầu các địa phương "vùng xanh" cấp "thẻ xanh" cho người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin phòng COVID-19. Người tiêm 1 mũi thì cấp "thẻ vàng", khi lưu thông trong "vùng xanh" cần có thêm giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính.
Theo tìm hiểu, tại Hà Nội, những người được tiêm mũi 1 từ ngày 27/7 đến nay vẫn chưa được cập nhật thông tin trên hệ thống Sổ sức khoẻ điện tử; Hoặc người đã tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin mới chỉ cập nhật được 1 mũi...
Thực tế, tiêm vắc xin là ưu tiên hàng đầu để người dân đều có kháng thể với virus SARS-CoV-2, điều này tạo cơ hội để mở cửa dần các hoạt động và sớm trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, việc chậm nhập liệu thông tin lên Cổng thông tin tiêm chủng cũng sẽ làm chậm quá trình cấp “thẻ xanh vắc xin”.
Phần mềm của Bộ Y tế gây khó khăn cho việc nhập liệu
Khi tiêm vắc xin COVID-19, các đơn vị cập nhật thông tin của người dân được tiêm tại đơn vị lên hệ thống tiemchungcovid19.moh.gov.vn và sau khi tiêm, người dân sẽ có kết quả tiêm ngay trên ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử.
Nhằm xây dựng chính sách "thẻ xanh vắc-xin", bên cạnh việc đẩy mạnh tiêm chủng, các địa phương cần cập nhật đúng, đầy đủ thông tin tiêm chủng của người dân vào cơ sở dữ liệu Quốc gia.
Vấn đề đặt ra ở đây, vẫn còn tình trạng ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử chưa cập nhật chính xác số mũi vắc xin đã tiêm, điều này khiến người dân lo lắng việc có thể gặp nhiều khó khăn sau này khi cần xuất trình chứng nhận tiêm vắc xin.
Thẻ xanh vaccine” trở thành một công cụ cần thiết trong việc lưu thông.
Tại Hải Dương, tổng số đã tiêm gần 278 nghìn liều, trong đó, gần 155 nghìn mũi 1 và gần 123 nghìn đã hoàn thành tiêm đủ 2 mũi, Tỷ lệ đã tiêm ít nhất 1 mũi/ dân số (>= 18 tuổi) chiếm 19,99%. Về phần nhập liệu, Khoa dịch tễ của CDC Hải Dương vẫn nhập vào hệ thống đầy đủ. Được biết, những người dân đã được tiêm báo lại là khi kiểm tra trên Sổ sức khỏe điện tử, thông tin đã được cập nhật.
Tuy nhiên, đại diện CDC Hải Dương cho biết: Tỉnh Hải Dương chỉ đạo 100% các đơn vị sau khi tiêm phải nhập thông tin lên phần mềm, tuy nhiên, phần mềm có nhiều vướng mắc, chưa đáp ứng nhu cầu nên chậm. Hiện, theo số liệu CDC nhập lên đạt tỷ lệ trên 95%, số % còn lại sẽ sớm nhập lên hệ thống trong 1 - 2 ngày tới.
Bộ Y tế đang chỉ đạo dùng 2 phần mềm (tiêm chủng COVID-19 và Hồ sơ sức khỏe) nhưng điều bất cập là hai phần mềm không lên số liệu hợp với nhau, đã gây khó khăn cho tuyến dưới khi triển khai thực hiện.
“Phần mềm Hồ sơ sức khỏe có nhiều hạn chế, có nhiều lúc cản trở việc nhập liệu, còn phần mềm Tiêm chủng COVID-19 thì nhiều người sử dụng dễ dàng hơn. Chúng tôi đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo dùng một phần mềm duy nhất” - đại diện CDC Hải Dương cho hay.
Đến nay, nhều tỉnh/TP đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, vì vậy, chính sách cấp “thẻ xanh vắc xin” cho người đã tiêm đủ 2 mũi như 1 loại giấy thông hành để họ có thể đi lại thuận tiện hơn. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là nhiều người tiêm mũi 1 chưa được cập nhật thông tin lên hệ thống tiêm chủng, hay có người đã tiêm 2 mũi nhưng thông tin trên hệ thống cho thấy chỉ mới tiêm 1 mũi, vậy khi chưa được cập nhật thì làm sao đủ điều kiện làm “thẻ xanh vắc xin”.
Việc cần làm bây giờ là các điểm tiêm chủng cần cải thiện hệ thống nhập liệu, tăng cường nhân sự, máy tính, máy quét mã vạch, máy in để trả giấy xác nhận tiêm và công tác thống kê, báo cáo kịp thời để chính sách “thẻ xanh vắc xin” sớm được áp dụng trong cuộc sống.
Có được tiêm mũi 2 khi mất giấy xác nhận tiêm mũi 1?
Theo đại diện Bộ Y tế, trường hợp người dân tiêm mũi 1, sau đó di chuyển đến địa phương khác thì báo cơ quan, tổ chức, địa phương mình có văn bản gửi địa phương nơi đến hỗ trợ lập danh sách kế hoạch tiêm mũi 2.
Trường hợp bị thất lạc giấy xác nhận tiêm lần 1 và không có thông tin chứng nhận tiêm trên cổng thông tin tiêm chủng hay Sổ sức khỏe điện tử thì người dân vẫn được tiêm mũi 2.
Khi đến lịch tiêm mũi 2, địa phương nơi cư trú sẽ thông báo lịch tiêm mũi 2 và để tiêm mũi 2 thì người dân cũng cần đăng ký tiêm trên Cổng Thông tin tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn hoặc qua app Sổ sức khỏe điện tử để trên hệ thống ghi nhận thông tin đăng ký tiêm.
Hầu hết những người đã tiêm mũi 1 vaccine COVID-19 đều nằm trong đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ và của Bộ Y tế quy định nên khi đến lịch tiêm mũi 2 sẽ được cơ quan, tổ chức, khu dân cư thông báo lịch tiêm mũi 2. Sau khi tiêm mũi 1, người dân sẽ nhận được giấy chứng nhận đã tiêm của cơ sở tiêm chủng và lần sau đi tiêm mũi 2 thì mang đi để được xác nhận tiêm mũi 2.
Việc sau khi tiêm mũi 1 chưa có chứng nhận tiêm trên hệ thống tiêm chủng do nhiều cơ sở tiêm chưa triển khai tiêm trên Nền tảng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 nên dẫn đến chưa có thông tin chứng nhận tiêm điện tử trên trên Cổng thông tin tiemchungcovid19.gov.vn hoặc trên app Sổ sức khỏe điện tử.
Theo đại diện Bộ Y tế, trường hợp bị thất lạc giấy xác nhận tiêm lần 1 và không có thông tin chứng nhận tiêm trên cổng thông tin tiêm chủng hay Sổ sức khỏe điện tử thì người dân vẫn được tiêm mũi 2 vì đã nằm trong danh sách kế hoạch tiêm của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã lập danh sách tiêm và gửi cho cơ sở tiêm vaccine khi đến lịch tiêm mũi 2.
Với các thông tin còn lại, bao gồm ngày sinh, họ và tên, giới tính..., đều có thể được kiểm tra và thay đổi thông qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử. Bên cạnh đó, trước khi tiêm, các y bác sĩ cũng sẽ kiểm tra lại thông tin cá nhân của người được tiêm một lần nữa, có thể cập nhật lại thông tin tại nơi tiêm.
Bộ Y tế đã có văn bản gửi các địa phương đôn đốc các đơn vị triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên hệ thống quản lý tiêm, đồng thời cập nhật kết quả tiêm trước đó lên hệ thống trước ngày 20/9.
Đơn vị tiêm chủng vắc-xin COVID-19 sẽ chịu trách nhiệm cập nhật và nhập dữ liệu của người được tiêm vắc xin lên hệ thống. Người dân có thể liên hệ với điểm tiêm chủng để đơn vị cập nhật đầy đủ hoặc phản ánh qua tổng đài đường dây nóng của Bộ Y tế số 19009095. |
Hùng Tâm - Đào Xuân - Pháp luật Plus