Cuộc đoàn viên cảm động của anh em Hon sau 22 năm xa cách. Ảnh: Duy Chiến
Trưa 3/7, cuộc đoàn viên giữa cô Nguyễn Kim Hon (SN 1976) với anh trai là Nguyễn Văn Tảng (SN 1964), trú tại ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu diễn ra xúc động. Nhác thấy anh trai từ xa, Hon ào chạy đến, kêu tên rồi ôm chầm người thân, đầm đìa nước mắt.
Những ngày tháng cơ cực nơi xứ người như cuộn phim quay chậm, hằn sâu trong tiềm thức bỗng trỗi dậy và Hon kể lại cho chúng tôi nghe quãng đời đen tối bỗng ập đến với một cô gái tuổi đôi mươi.
Ðịa ngục trần gian
Khoảng đầu năm 1997, cô gái 21 tuổi Nguyễn Kim Hon rời quê lên thành phố Bạc Liêu làm thuê cho các nhà hàng. Cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn và hoạt bát, thường được khách mời nhậu lai rai.
“Vào đêm 2/5/1997, có một thanh niên lớn hơn tôi chừng 2-3 tuổi nài ép tôi ăn một bát cơm có thức ăn đầy và một ly rượu màu. Thế rồi, tôi không còn biết gì nữa. Tỉnh dậy tôi đã thấy mình ở Trung Quốc”. Hon nói một tràng tiếng nước ngoài và câu chuyện của cô được chị Nguyễn Hiền, thành viên CLB “Thắp sáng niềm tin” thành phố Lạng Sơn thông dịch lại.
Kể đến đây, đôi mắt Hon vằn lên nỗi sợ kinh hoàng. Nơi cô bị nhốt có khoảng 20 cô gái toàn người Việt còn trẻ, đều là nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc. Ngay tối hôm đó, các cô phải xếp hàng để khách làng chơi, chủ yếu là dân đầu trọc, mắt híp “vui vẻ”.
Hon và một vài cô không chịu tiếp khách liền bị nhốt vào một phòng nhỏ, bị tra tấn dã man như thời trung cổ.
Từ đó, Hon buộc phải lê lết theo đám “ma cô” đi từ Khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây), sang tỉnh Phúc Kiến, Ôn Châu làm trò mua vui cho các đại gia. Có những lần cô phải tiếp trên chục khách.
Một hôm trời mưa thấy bọn “chăn dắt” lơ là, cô trốn thoát khỏi ổ điếm, chạy như ma đuổi về phía con đường vắng. Đi mãi, cô lọt vào một nghĩa địa rồi thiếp đi bên một ngôi mộ lớn có mái vòm.
Tỉnh dậy, Hon thấy mình đang nằm trong một góc nhà lạnh lẽo. Nhìn kỹ, đó chính là nơi “lầu xanh” mà cô vừa trốn ra. Một mụ béo trắng hiện ra trước mắt phẩy tay ra hiệu. Lập tức, có 3 thanh niên xăm trổ đầy mình giữ tay Hon rồi tiêm vào người cô một thứ thuốc màu nâu đục.
“Sau một đêm lì bì, tôi bị tẩy não. Suốt 3 năm trời, tôi như người mất hồn, không nói được câu nào. Tôi cũng chẳng biết mình là ai, từ đâu tới. Khi hết thuốc thì quên luôn tiếng mẹ đẻ...Tuy vậy, trong tiềm thức của tôi luôn thường trực câu hỏi tôi là người dân tộc Choang, người Lào hay Thái Lan?”, Hon nhớ lại và kể.
22 năm lưu lạc xứ người
Gần mười năm trời tàn tạ, thân thể gầy yếu, chị Hon được thoát khỏi “tổ quỷ”. Nhưng bọn chúng lại bán cô cho một gã đàn ông ở một làng xa xôi Phú Điển, tỉnh Phúc Kiến với giá 6 vạn nhân dân tệ (trên 200 triệu đồng). Nơi đây người dân chủ yếu làm nghề nông rất vất vả, lam lũ nhưng chất phác, thật thà. Hon được chồng và gia đình bên nội yêu thương, giúp đỡ hòa nhập với cộng đồng.
Mẹ chồng là người gần gũi nhất, thường xuyên trò chuyện và dạy Hon biết tiếng địa phương, các phong tục, tập quán. Thế nhưng cách đây chừng 4 năm, bà mắc bạo bệnh rồi mất. Trước khi nhắm mắt, bà cầm tay Hon nói thật chậm trãi: “Con đừng rời xa con ta nhé”.
Những ngày để tang mẹ chồng, Hon được nghỉ việc đồng áng. Một hôm, trên truyền hình có phát một bộ phim mà cô mang máng nghe được 2 từ “ăn cơm” rồi có số đếm 1,2,3,4. Cô hỏi chồng, bộ phim này của nước nào? Chồng cô đáp: “Việt Nam”.
Cô bỗng bừng tỉnh rồi hàng đêm cứ nhâm nhẩm hai chữ “Việt Nam”. Từ đây, cô tâm niệm chắc chắn mình là người Việt, và âm thầm mong mỏi được trở lại cố hương.
Cuối năm 2018, sau 8 năm chung sống song do Hon không thể sinh con, ông chồng đón về nhà một người phụ nữ. Cô bị chồng ghẻ lạnh, xa lánh, thậm chí bị chồng vô cớ đánh đập và cuối cùng bị tống cổ ra khỏi nhà vào một đêm mưa bão.
Hon đi như vô định. Lang thang làm thuê, kiếm sống. Có hôm, cô nhờ người chỉ đến ngôi đền nhỏ ở Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây. Tại đây, cô chỉ uống nước suối trong ba ngày, niệm phật mong chỉ đường, dẫn lối về quê hương.
Được người tốt mách bảo, cô tìm đến các đồn công an nước sở tại. Cuối cùng cô được cơ quan chức năng đưa đến đường mòn phân gianh giữa hai nước Trung- Việt.
Nước mắt đoàn viên
Chiều muộn 27/6, các chiến sỹ Biên phòng và Công an tỉnh Lạng Sơn làm nhiệm vụ ở khu vực biên giới thì xuất hiện cô gái hoảng loạn chạy đến, liên tục đưa tay chỉ vào ngực nói gấp gáp: “Việt Nam”.
Vào Cơ sở bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn, Hon như được hồi sinh. Cô bập bẹ nói được vài câu tiếng Việt. Khi được thành viên CLB “Thắp sáng niềm tin” động viên, an ủi, Hon hoạt ngôn hẳn, không còn e dè, đề phòng như trước.
Bà Phạm Yến, Chủ nhiệm CLB “Thắp sáng niềm tin” cho biết: CLB rất quan tâm đến các trường hợp bị bán trở về Trung Quốc. Đa số họ đều không còn nói được tiếng Việt nên Ban chủ nhiệm CLB cắt cử thành viên giỏi tiếng Trung để phiên dịch. Qua đó tìm ra manh mối quê quán, địa chỉ và họ tên thành viên trong gia đình cô Nguyễn Kim Hon.
“Chúng tôi nhờ cộng đồng mạng Facebook, Zalo chia sẻ thông tin và may mắn chỉ sau 2 tiếng đồng hồ là có kết quả. Qua hình ảnh trực tiếp qua điện thoại, Hon òa khóc nức nở nhận ra và nói được tên một số người trong gia đình”, bà Yến cho hay.
Ông Nguyễn Văn Tảng, người con thứ 5 thay mặt gia đình từ Bạc Liêu ra đón em rơm rớm nước mắt: “22 năm về trước mất em, chúng tôi đi tìm kiếm khắp nơi, sang cả Campuchia mà không có kết quả gì. Cho rằng Hon không còn, gia đình đã báo tử suốt 18 năm qua. Nay nhờ các cơ quan, đoàn thể, nhà thiện nguyện “Thắp sáng niềm tin” mà gia đình tôi được trùng phùng. Thật là kỳ diệu, các anh chị đã hồi sinh cho em Hon và cả gia đình chúng tôi”.
Hai anh em Hon (giữa) được CLB “Thắp sáng niềm tin” tạo mọi điều kiện hồi hương vào chiều 3/7ảnh: Duy Chiến
Trưa 3/6, tại Lễ bàn giao cô Hon đoàn tụ với gia đình, CLB “Thắp sáng niềm tin”, đại diện báo Tiền Phong thường trú tại Lạng Sơn đã tặng nhiều quà cùng gần 4 triệu đồng tiền mặt hỗ trợ gia đình nạn nhân hồi hương.
|
*Tiêu đề do Pháp luật Plus đặt lại.