Xem nhiều

Cho học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học: Quá “thoáng”?

28/09/2020 15:46

Kinhte&Xahoi Với điều kiện phải được sự cho phép của giáo viên, vào những giờ học nhất định. Ngay lập tức, quy định này đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.

Ảnh minh họa.

Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD-ĐT) vừa ban hành quy định học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ việc học tập, với điều kiện phải được sự cho phép của giáo viên, vào những giờ học nhất định. Ngay lập tức, quy định này đã nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều khó khăn khi triển khai

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT, nếu điều lệ ban hành kèm Thông tư 12/2011 quy định một trong những hành vi học sinh (HS) không được làm là “sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học” thì nội dung này được thay đổi tại điều lệ ban hành kèm Thông tư 32 là “sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên (GV) cho phép”.

Quy định này, về cơ bản, HS vẫn không được sử dụng điện thoại. Các em chỉ được sử dụng thiết bị điện thoại di động khi nào GV thấy thực sự cần thiết và cho phép. Như vậy, Bộ GD-ĐT không cấm hoàn toàn việc dùng điện thoại trong lớp nhưng cũng không có nghĩa là được dùng một cách thoải mái, không có sự kiểm soát.

Dù ở lớp có đông HS (quy định trong điều lệ, sĩ số HS không quá 45 em), trong giờ học, GV vẫn phải có trách nhiệm hướng dẫn HS học tập. Đã có yêu cầu không để HS nào bị bỏ quên nên khi tổ chức các hoạt động học, thầy cô phải quan sát HS. Do đó, không cần phải nói đến sử dụng điện thoại, HS làm việc riêng khi GV đang tổ chức hoạt động học nào đó thì đều phát hiện được. 

GV được trao quyền nhưng cũng cần hiểu thật rõ vai trò của mình là người làm chủ việc học trong lớp, phải tổ chức, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra hoạt động học của học sinh, thậm chí ở ngoài lớp. Đó chính là phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực GV phải sử dụng để đáp ứng yêu cầu dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh đã được Bộ hướng dẫn nhiều năm qua, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý học giáo dục Hà Nội bày tỏ: “Tôi ủng hộ quy định này. Vì chương trình mới là chương trình mở, phương pháp mở buộc HS phải chủ động tích cực thu thập, tìm kiếm tài liệu chứ không chỉ học trong sách giáo khoa hay chép lại ý của thầy như ngày xưa.

Nhất là chương trình mới đề cao phát triển năng lực, HS phải tự học nhiều, tự tìm tài liệu, tự nghiên cứu tài liệu rồi rút ra kết luận để giải quyết các vấn đề. Phương pháp học mới là phải sử dụng nhiều tài liệu, trong đó có nguồn tài liệu rất phong phú là internet tại sao mình không dùng?

Tuy nhiên, có 3 vấn đề khó khăn khi triển khai quy định này: Khó khăn lớn nhất là năng lực sử dụng công nghệ, năng lực sư phạm để tổ chức một tiết học có sử dụng công nghệ thì GV của chúng ta còn rất yếu. Thứ hai, các thiết bị công nghệ hiện nay của các trường không đồng đều, mỗi vùng miền một khác. Khó khăn nữa là ý thức kỷ luật của HS chưa cao, sẽ có những HS lợi dụng việc này để thỏa mãn việc chơi, không phải sử dụng cho việc học.

Như vậy, GV biết cách tổ chức rất khoa học thì mới quản lý được HS, biết cách giao nhiệm vụ, khoán thời gian và kiểm tra kết quả HS thế nào. Đồng thời, phải cho HS thấy trách nhiệm của mình, phải theo hướng dẫn của GV, không được tự do vô kỷ luật".

Một số ý kiến cho rằng, điều này sẽ buộc HS phải làm việc rất nhiều, phải tra thông tin để giải thích, thảo luận các câu hỏi đặt ra trong bài học sách giáo khoa không có. Nếu dùng internet hiệu quả thì chương trình mở, sách giáo khoa mở chính là chương trình và sách giáo khoa tốt nhất cho người học. Vì thế, cần có cuộc cách mạng trong giáo dục về vấn đề này và phải làm vì một nền giáo dục thông minh, chất lượng cao đúng nghĩa...

Nỗi lo “sự thông minh trống rỗng”

Bày tỏ về vấn đề này, trên trang cá nhân, TS Toán Chu Cẩm Thơ cho biết: “Kinh nghiệm từ mấy năm tổ chức thực nghiệm việc sử dụng điện thoại thông minh trong học toán ở trường THCS và THPT cho tôi thấy, việc giáo viên quyết định cho HS sử dụng điện thoại trong giờ học không hề dễ dàng. Ở các lớp tôi thực nghiệm, trường học đã là trường công nghệ rồi, nghĩa là các HS và giáo viên đều thành thạo an ninh mạng, tuân thủ và được giám sát khi nhà trường đầu tư hạ tầng tốt.

Năng lực kiểm soát nằm ở người giáo viên, nhà quản lí và hệ thống quản lí của nhà trường - gia đình. Người giáo viên không những có thể tạo ra bài học “phải dùng công nghệ” mà còn đảm bảo được những tình huống phát sinh.

Tôi cũng cho rằng, nếu chỉ để tra cứu thông tin thì không nên dùng điện thoại. Trong học tập, thử thách “Nhớ - Kết nối thông tin” đáng để trải nghiệm. Còn những thông tin phạm vi rộng thì có thể tự do đọc, tìm kiếm ngoài giờ học, nó không cần thiết phải làm trong giờ.

Điều tôi muốn nhấn mạnh nhất là “sự đầu tư nội dung để điện thoại có thể khai thác”. Nay công nghệ phát triển khiến “lớp học phải thông minh”, tôi đồng ý, nhưng tôi đang phải đối mặt với “sự thông minh trống rỗng”, khi kho dữ liệu dùng cho giảng dạy không hề được đầu tư.

Từ nội dung bài học, hoạt động đến các sản phẩm để giáo viên, HS khai thác có bao nhiêu thí nghiệm ảo đã được thiết kế, nghiệm thu? Có bao trích đoạn tư liệu để có thể làm tình huống trong giờ Văn, giờ Sử? Có bao nhiêu tình huống Toán học được minh họa, được thiết kế lại với sự hỗ trợ của công nghệ?... 

Điện thoại thông minh có thể có ích với mọi người, nhưng sẽ không có ích với những người không biết dùng nó hoặc ngay cả khi nó chẳng chứa, chẳng kết nối với những tiện ích thông minh. Khi đó việc dùng nó sẽ chẳng mang lại lợi ích gì, mà rất có thể, nó sẽ là “cục gạch” để sát thương đến cả tâm hồn”. 

Thầy Lê Đức Vĩnh, ĐH Nông nghiệp 1 đặt câu hỏi: ở nhiều nước, việc cấm hay cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động đều dựa trên những nghiên cứu khoa học bài bản, có so sánh đối chứng, còn ở ta thì sao? 


“Tôi không hiểu dựa trên những nghiên cứu nghiêm túc nào mà Bộ GD-ĐT lại ban hành quyết định này. Thời nay, các công cụ hỗ trợ cho việc dạy và việc học không thiếu, học sinh cần được khuyến khích sử dụng các công cụ này ở nhà chứ không phải trong giờ học tại trường.

Đến trường, ngoài việc lĩnh hội kiến thức thầy cô truyền thụ cho trò, lớp học còn là nơi giao lưu giữa thày cô với trò, giữa trò với trò. Căn bệnh trong các gia đình thời nay khi ở nhà, vợ chồng con cái mỗi người đều dán mắt vào chiếc điện thoại của mình đang phá vỡ nếp sinh hoạt gia đình truyền thống, dẫn đến cảnh đổ vỡ chia ly của nhiều gia đình trong xã hội… Lẽ nào Bộ Giáo dục lại muốn đưa “căn bệnh” nghiện điện thoại di động vào trường?

Nói một cách trung thực thì thời nay, học sinh từ bậc tiểu học tới bậc đại học và cao hơn có tới khoảng 50% không tự giác trong việc học. Trong các lớp học ở bậc phổ thông, dạy đi đôi với dỗ, đấy là việc đa phần các giáo viên đang làm. Nếu cho học trò mang điện thoại thông minh vào lớp, tôi e rằng Internet sẽ dỗ học sinh đi chệch hướng.

Những trang mạng “đen” không phù hợp với thuần phong mĩ tục của người Việt có sức hấp dẫn rất ghê gớm nhất là với lứa tuổi mới lớn. Lớp học thì đông, liệu các thầy, các cô có đủ sức ngăn trò vào những trang mạng “đen” như bạo lực hay khiêu dâm được không? Cha mẹ thời nay chỉ có một hoặc hai con mà nhiều gia đình không quản được con vào các trang mạng này thì thầy cô làm sao quản được mấy chục học trò?

Nhiều nước cũng nhận ra mặt trái của việc học trò sử dụng điện thoại thông minh nên mỗi nước đều có quy định cụ thể việc cho phép hay không cho phép học sinh sử dụng điện thoại tại trường. Nếu vì sợ “thả gà ra bắt” mà không dám quyết những việc làm hay, tiến bộ phục vụ cho mục đích giáo dục là không có bản lĩnh. Nhưng việc ban hành những quyết định không có cơ sở khoa học, không cân đong đo đếm cẩn thận sẽ có hại khôn lường” - theo thầy Vĩnh.

Theo nhà báo Hoàng Nguyên Vũ, nghiện game đang trở thành một nỗi sợ của các bậc cha mẹ; trẻ ôm máy chơi ngày chơi đêm, chơi quên cả đi ngủ, quên cả đi học; thu điện thoại thì trốn đến quán game, chơi và nuôi game. Nguy hiểm hơn, dù các em đang ăn đang ngủ nhưng cuộc sống thì đang nhảy múa theo game ảo. Nếu cho trẻ dùng điện thoại trong lớp, chút thời gian “cai nghiện” game còn lại của các em xem như thành vô nghĩa…

Hơn nữa, trẻ em được dùng điện thoại để học cũng có nghĩa, nay sản sinh ra công ty bán máy này vào cho nhà trường; mai công ty kia chào bán máy kia vào cho nhà trường để trẻ em học bằng công nghệ và tương tác bằng điện thoại.

Nơi bán máy học Toán, nơi bán máy học Văn, nơi nữa bán phần mềm học thêm ngoại ngữ, nơi nữa bán clip dạy kỹ năng... Bạn có tưởng tượng ra lúc đó, các thầy cô giáo chỉ là anh thợ chỉnh thiết bị, nhà trường như một cái rạp chiếu bóng, còn giáo dục trở thành một cái chợ sáng kiến phần mềm và công nghệ?

 Uyên Na - Pháp luật Plus

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/giao-duc-suc-khoe/cho-hoc-sinh-su-dung-dien-thoai-trong-gio-hoc-qua-thoang-d136319.html

Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com