Trải qua hai tháng giãn cách xã hội, cuộc sống bình thường mới được trở lại, ai nấy đều thấy quý giá vô bờ. Từ việc đi chợ mua bán nhu yếu phẩm hàng ngày đến việc đi làm, đi chơi, tập thể dục, ăn uống, mua sắm… đều thuận lợi hơn. Hai tháng giãn cách chưa phải là thời gian dài so với những năm chiến tranh bom đạn, sơ tán trước kia nhưng với một số người vẫn khá là bí bách, tù túng. Bởi vậy, đã có những người muốn “chơi cho bõ”, “đi cho khỏi cuồng chân”. Đó là tâm lý chung, song mọi thứ đều không nên quá đà bởi dịch bệnh vẫn còn đó, lơ là cảnh giác đôi khi sẽ khiến chúng ta phải trả giá đắt.
Cuộc sống "bình thường mới" trở lại khiến ai nấy đều vui mừng (Ảnh minh họa)
Ở Hà Nội bây giờ cơ bản chia ra ba luồng “phong cách” khác nhau. Một, vẫn giữ thói quen cũ, vài ngày đi chợ một lần, làm việc online, hạn chế tối đa phải đi ra ngoài, tiếp xúc với cộng đồng, hạn chế cả việc gọi thợ đến sửa sang đồ dùng bị hỏng trong nhà. Chị Mai Hương (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) là một người như thế.
Chị cho biết, nhà mình có nhiều bóng đèn, đồ điện, máy lọc nước bị hỏng. Suốt thời gian giãn cách gia đình chị đã cố gắng khắc phục, nới lỏng giãn cách vẫn không dám gọi thợ đến nhà vì chẳng biết những người thợ ấy ở vùng nào, liệu đã đi những đâu, tiếp xúc với ai.
“Giữ an toàn cho bọn trẻ là chính, vì mình người lớn tiêm rồi nhưng trẻ con chưa đến tuổi tiêm, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Nhà mình vẫn khắc phục, chưa đến nỗi bất tiện quá”, chị Mai Hương chia sẻ.
Ở luồng thứ hai, ai có việc gì cần thiết lắm thì ra khỏi nhà, không thì vẫn giữ thói quen cũ. Như các ông bà già trong tổ hưu trí, ngoài đi khám bệnh, đi chợ thì chỉ loanh quanh trong ngõ, trong khu phố, không đi đến đâu. Bà Nhuận (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết dù chỉ đi bộ trong cùng tầng nhà ở khu tập thể bà vẫn nhắc tất cả mọi người đều đeo khẩu trang. Nhất là các cháu thiếu nhi, sau các giờ học online có thể sang nhà nhau hoặc ra khu vui chơi vận động, đùa nghịch với nhau nhưng cháu nào không đeo khẩu trang thì bà mời về.
Còn với những người đi làm tại công sở, hết giờ làm là về nhà, hạn chế tối đa tiếp xúc, gặp gỡ ngoài không gian sinh sống và làm việc. Mọi sự trao đổi, chia sẻ đều đã có “cầu nối” là mạng internet nên mọi thứ trở nên dễ dàng hơn.
Ở luồng thứ ba, việc đi làm, đi chơi, ăn uống, gặp gỡ bạn bè, thậm chí là đi du lịch xa đã trở lại bình thường như trước đây. Nhiều nhóm bạn đã lên kế hoạch rủ nhau đi chơi xa. Chị Hoàng Yến (Hà Đông, Hà Nội) kể rằng mình và các bạn mấy lần săn tour du lịch Tà Xùa (Sơn La) mà đều hết chỗ, chứng tỏ người đi đã rất nhiều rồi. Không ngại, chị vẫn tiếp tục chờ ngày tập hợp đủ “đồng đội” là lên đường cho bõ suốt nửa năm trời qua không dám đi đâu.
Vẫn biết, cuộc sống vẫn tiếp diễn, vẫn phải có các hoạt động xã hội, đồng thời tạo điều kiện để ngành dịch vụ trở lại, tăng trưởng nhưng “đi bằng mọi giá” là điều không nên. Dịch bệnh đã lác đác lây lan ở nhiều tỉnh thành khắp cả nước. Không ai biết trước chỗ mình chuẩn bị đến liệu trong một vài ngày qua có người dương tính với virus SARS-CoV-2 từng qua mà chưa bị phát hiện, khoanh vùng hay không?
Trong khi đó, tại Hà Nội, từ vài tuần nay, dường như tâm lý “nhờn quy định” đã quay trở lại ở một vài nơi. Tại khá nhiều các quán ăn, đặc biệt là tại các quán cà phê, người lớn dẫn theo trẻ con ngồi san sát nhau, thoải mái ăn uống trò chuyện và bỏ khẩu trang ra như dịch bệnh đã thực sự biến mất.
Vẫn biết, tỉ lệ tiêm phòng ở người lớn tại Hà Nội cao nhất nhì cả nước. Chúng ta cũng đã chuẩn bị tâm lý sống chung với dịch, bùng chỗ nào khoanh chỗ đó, thích ứng nhanh với tình hình để cuộc sống và sản xuất sớm ổn định trở lại. Người Hà Nội cũng khá linh hoạt, thay đổi nhanh để phù hợp với tình hình, lúc mở lúc đóng theo diễn biến dịch bệnh. Chính vì thế, thời gian qua, chúng ta phối hợp tốt với chính quyền, đặt ý thức lên hàng đầu, đạt được mục tiêu chung là giảm thiểu thiệt hại về người, đảm bảo được các mục tiêu tăng trưởng.
Dù vậy mọi người vẫn nên nâng cao ý thức phòng, chống dịch (Ảnh minh họa)
Dù vậy, còn các em thiếu nhi, thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học còn chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19. Nhất là trong thời điểm thời tiết đã chuyển sang mùa đông, đối tượng trẻ em nhạy cảm, vốn dễ mắc các bệnh về hô hấp lại có thể bị đe dọa bởi virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, học sinh ở nhà đã lâu, học online đã nhiều, bản thân các em, phụ huynh và cả chuyên gia cũng đã chỉ ra nhiều bất tiện, ảnh hưởng đến thể chất và tâm lý.
Chính vì thế, để mong muốn trẻ em sớm được đến trường, cuộc sống bình thường trở lại thì lại càng phải giữ gìn, bảo vệ cho các em. Người lớn tiêm vaccine vẫn có thể có nguy cơ mắc bệnh rồi lây nhiễm cho trẻ em, điều này chắc không ai muốn.
Trong khi đó, tại Hà Nội liên tiếp những ngày gần đây vẫn có các ca bệnh rải rác trong cộng đồng. Tuy không hoang mang, lo lắng như trước kia vì chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm sau 4 làn sóng của dịch bệnh. Dù vậy, sự thích ứng linh hoạt theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” cũng vẫn rất cần ý thức của người dân phối hợp với các cơ quan chức năng.
Nếu người dân để thả trôi ý thức, bất chấp thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn còn đó. Chắc chắn chẳng ai muốn những ngày giãn cách lại tái diễn. Chắc chắn chẳng ai muốn trẻ con không biết bao giờ được trở lại trường, người lớn tiếp tục làm việc online tại nhà. Cũng chẳng ai muốn những tình huống xấu hơn xảy ra, những điều mà không ai muốn nhắc đến như tử vong, phong tỏa…
Xác định rằng, cuộc chiến vẫn còn dài nhưng sẽ đến hồi kết và cuộc đời chúng ta còn dài hơn. Vì thế, chúng ta còn nhiều năm để thực hiện những điều mình muốn, làm những điều mình cần. Chớ “sống gấp” như không biết ngày mai ra sao, sống gấp như dịch bệnh đã thực sự được dẹp yên vì rất có thể một vài hành động vô ý thức của một số người sẽ ảnh hưởng đến cả cộng đồng.
Nhìn sang các nước khác ta sẽ thấy, dịch cứ bùng đi bùng lại nhiều lần vẫn chưa dập tắt được. Rồi các nhà khoa học sẽ tìm ra những phương thuốc để giúp loài người tiêu diệt hay sống chung một cách hòa bình hơn với con virus này song trong lúc chờ đợi chúng ta càng phải kiềm chế. Đó cũng là một cách thích ứng với chính con người mình trong mùa dịch này.
Có như thế, cuộc sống bình thường mới như thế này mới kéo dài, đi đến những nhịp sống mới an toàn hơn, yên ổn hơn cho tất cả mọi người.
Thúy Na - TTTĐ