Ông Nguyễn Văn Sướng tại cơ quan điều tra.
Ngày 5/9/2020, ông Sướng lái xe hơi di chuyển trên QL18. Theo hình ảnh được camera từ một xe trên đường ghi lại, ôtô của ông Sướng ép một xe tải cùng chiều dừng ở khu vực Cầu Ngà, TP Bắc Ninh. Ông Sướng sau đó bước xuống xe. Không ồn ào, không xăm trổ, không bặm trợn, người ta thấy hình ảnh một người đàn ông trung niên quần âu tối màu “đóng thùng” áo sơ mi trắng, đầu tóc kiểu chuẩn mực.
Trong clip không thấy dấu hiệu của việc ông Sướng chửi bới mắng mỏ gì, mà đi thẳng về phía xe tải. Tưởng người đàn ông đạo mạo này sẽ nhỏ to khuyên nhủ phân giải. Ai ngờ ông bất ngờ bặm môi… rút khẩu súng chĩa về hướng cabin. Chỉ một lúc sau, ông Sướng lên xe của mình bỏ đi.
Không lâu sau, đoạn video ghi cảnh ông Sướng rút súng hướng về cabin tài xế xe tải lan truyền trên mạng xã hội. Chiều cùng ngày, Công an Bắc Ninh đã triệu tập ông Sướng. Chỉ hai ngày sau đó, Giám đốc công ty bảo vệ này bị bắt giữ trong trường hợp khẩn cấp, theo lệnh được VKS phê chuẩn về hành vi “đe dọa giết người”, theo Điều 133 BLHS.
Hành vi rút súng hướng về cabin xe tải của ông Sướng có cấu thành tội “đe dọa giết người” hay chưa, chuyện đó cơ quan tố tụng sẽ điều tra xem xét. Nhưng câu chuyện đặt ra vấn đề cảnh báo “chơi dao có ngày đứt tay”.
Công an đã tạm giữ khẩu súng là công cụ hỗ trợ nhãn hiệu RC88, hai viên đạn cao su và một viên đạn hơi cay ông Sướng sử dụng. Dù cơ quan chức năng chưa công bố chính thức, nhưng có thể hiểu đây là khẩu súng trang bị hợp pháp cho ông Sướng.
Theo khoản 3 Điều 9 Thông tư 17/2018/TT-BCA, các công cụ hỗ trợ là súng bắn điện, bắn đạn nổ, cao su, hơi cay, phương tiện xịt hơi cay… được xem xét trang bị cho lực lượng bảo vệ cơ quan, tổ chức, DN hoặc DN kinh doanh dịch vụ bảo vệ khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tại cơ quan Nhà nước, trên tàu hỏa, ngân hàng, bệnh viện… Là người đứng đầu một DN bảo vệ, nhiều khả năng ông Sướng có giấy chứng nhận và giấy phép sử dụng súng này.
Có điều theo Điều 61 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017, người được giao công cụ hỗ trợ chỉ được sử dụng trong các trường hợp: Ngăn chặn, giải tán biểu tình bất hợp pháp, bạo loạn, gây rối trật tự công cộng; ngăn chặn người đang có hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác. Còn có các trường hợp khi ngăn chặn, giải tán việc gây rối, chống phá, không phục tùng mệnh lệnh của người thi hành công vụ làm mất an ninh, an toàn trại giam, trại tạm giam, cơ sở cai nghiện ma túy... hoặc phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết theo quy định pháp luật.
Không luật nào cho phép mang súng ra dọa người chỉ vì một mâu thuẫn cá nhân vặt vãnh cỏn con. Sướng một phút (ở đây “sướng” được hiểu là sướng vì được ra oai, vì để thể hiện cái tôi bốc đồng…) nhưng khổ cả đời, “chơi dao có ngày đứt tay”, là như vậy.
Minh Khang - Pháp luật Plus