Theo báo cáo, trong 8 tháng đầu năm 2021, tỉnh Bình Thuận vẫn sát sao, thường xuyên trong công tác phòng, chống khai thác IUU và tập trung khắc phục 4 nhóm khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC), góp phần cùng cả nước sớm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC mặc dù đang phải chịu những ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 gây ra.
Toàn cảnh buổi họp trực tuyến.
Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (Tiếng Anh: illegal, unreported and unregulated fishing - IUU) là quy định về chống đánh bắt hải sản IUU được Ủy ban châu Âu (EC) ban hành tại Quy định số 1005/20081 có hiệu lực từ ngày 1/10/2010.
Nhiều giải pháp đã được triển khai như: Lập danh sách tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài để thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức kiểm điểm trước cộng đồng dân cư. Cho 100% chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá xa bờ ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Rà soát, lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao để đưa vào diện quản lý, theo dõi đặc biệt. Tăng cường các biện pháp triển khai lắp đặt thiệt bị giám sát hành trình trên tàu cá (VMS) và sử dụng dữ liệu giám sát hành trình phục vụ theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển… Thông qua đó ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài.
Kết quả đạt được là từ tháng 7/2019 đến giữa năm 2021, không phát hiện tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển ngước ngoài bị bắt giữ, xử lý.
Riêng thời gian từ giữa năm 2021 trở lại đây, phát hiện 1 tàu cá Bình Thuận bị nước ngoài bắt giữ và 2 trường hợp khác nghi ngờ đang bị bắt giữ. Đại diện sở NN&PTNT cho rằng, các tàu cá bị bắt giữ này thường xuyên hoạt động, lưu trú, xuất bến ngoại tỉnh nên việc quản lý, kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
Theo sở NT&PTNT, tình hình trên cho thấy, công tác quản lý tàu cá đăng ký trong tỉnh thường xuyên hoạt động, lưu trú ngoài tỉnh đang bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu chặt chẽ ở cả hai đầu nơi đi và nơi đến; công tác trao đổi, phối hợp, xử lý thông tin tàu cá hoạt động ngoài tỉnh chưa tốt. Thậm chí có những tàu cá thuộc đối tượng có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài, không đủ điều kiện hoạt động theo quy định nhưng vẫn hoạt động ở ngoài tỉnh trong một thời gian dài mà các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng và địa phương không nắm bắt được.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phong cho rằng: “Muốn hoạt động khai thác thủy sản bền vững thì phải từng bước thay đổi tập quán khai thác của ngư dân và tăng cường sự quản lý của nhà nước đối với hoạt động này”.
“Xác định nhiệm vụ chống khai thác IUU là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao khẩn trương khắc phục các hạn chế, tồn tại, nhằm góp phần cùng cả nước sớm gỡ “Thẻ vàng” của EC, hướng đến xây dựng nghề cá có trách nhiệm, phát triển bền vững”, ông Phong nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận – Nguyễn Văn Phong phát biểu tại cuộc họp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần bán sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu. Quản lý khai thác hải sản kết hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân. Rà soát, thống kê tàu cá, lao động, thực hiện nghiêm việc đăng ký, cấp phép khai thác thủy sản theo quy định.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, địa phương cần có quy chế phối hợp tăng cường thực thi pháp luật, thực hiện nghiêm, kiên quyết đối với tàu cá vi phạm khai thác IUU. Kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ phòng chống khai thác IUU trên biển. Chấn chỉnh các hành vi thiếu trách nhiệm, thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương cần tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong lãnh đạo, tổ chức, chỉ đạo thực hiện chống khai thác bất hợp pháp. Kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá và ngư dân trong tỉnh vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài.
Đình Thu – Khánh Toàn - Pháp luật Plus