Quang cảnh buổi làm việc
Tham dự buổi giám sát còn có Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng đoàn giám sát; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên; các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và một số sở, ban, ngành thành phố.
Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Nguyễn Văn Hưng cho biết, trong những năm qua, quán triệt và thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, cùng với sự lãnh đạo sâu sát, quyết liệt của Huyện ủy, HĐND huyện, công tác thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của UBND huyện và UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thanh Trì được quan tâm tổ chức thực hiện. Huyện ủy đã quán triệt, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; UBND huyện đã quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Căn cứ đặc điểm tình hình địa phương, hằng năm, UBND huyện ban hành các kế hoạch tổ chức thực hiện và nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các dịp diễn ra các sự kiện chính trị của Thủ đô, đất nước và chỉ đạo giải quyết, tổ chức thực hiện các vụ việc cụ thể. Lãnh đạo UBND huyện và các xã, thị trấn, Trưởng các phòng, ban, đơn vị tăng cường tiếp, đối thoại với công dân. Bí thư, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND huyện và các xã, thị trấn thực hiện nghiêm quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đối thoại với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân 02 lần/năm.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai điều hành phần thảo luận
Số liệu thống kê cho thấy, trong thời điểm báo cáo, số lượt tiếp công dân, số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn tăng so với cùng kỳ. Nội dung khiếu nại chủ yếu về phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất triển khai các dự án, về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về quyết định xử lý vi phạm quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Nội dung tố cáo chủ yếu về vi phạm quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng, thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong quản lý dạy học, giải quyết đơn thư; các kiến nghị, phản ánh chủ yếu về chính sách bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất, giao đất nông nghiệp, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đầu tư cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, an sinh xã hội…
Tổng số lượt công dân đã tiếp trên địa bàn huyện là 23.210 lượt/3.217 vụ việc; nội dung khiếu nại, tố cáo phát sinh trên địa bàn huyện thuộc lĩnh vực đất đai 73%; lĩnh vực chính sách 12%; lĩnh vực khác 15%. Tổng số đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh huyện Thanh Trì tiếp nhận là 6.929 đơn, trong đó đơn đủ điều kiện xử lý là 6.110 đơn, không đủ điều kiện xử lý là 1.446 đơn. Cụ thể, số đơn khiếu nại thụ lý giải quyết là 471 đơn; trong đó, đã giải quyết xong theo quy trình và trong thời hạn quy định 469 đơn. Số đơn tố cáo huyện Thanh Trì tiếp nhận là 520, trong đó, số đơn đủ điều kiện thụ lý là 349 vụ việc; 100% số vụ việc đủ điều kiện đã giải quyết. Số đơn tố cáo tiếp nhận ở cấp xã là 86, trong đó, số đơn đủ điều kiện là 84 vụ việc; 100% số vụ việc tố cáo ở cấp xã đã được thụ lý và giải quyết.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí nêu ý kiến tại buổi làm việc
Trao đổi tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đánh giá cao những kết quả trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện thời gian qua. Đồng thời, nhận định số đơn thư khiếu nại, tố cáo tăng cao so với giai đoạn 2010-2015, gấp gần 3 lần, tăng nhanh so với các địa phương khác trên địa bàn thành phố, cho thấy hệ quả của tốc độ đô thị hóa cao, cũng như công tác thực hiện dân chủ ở cơ sở được tăng cường, trình độ dân trí trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao.
Nêu một số tồn tại cần được tập trung làm tốt trong thời gian tới, các đại biểu cho rằng, công tác phố biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn còn hạn chế; việc phân loại, xử lý đơn thư chưa chính xác, chất lượng giải quyết chưa xác minh đầy đủ, kết luận chưa đúng bản chất vụ việc nên chưa giải quyết được đơn thư dứt điểm từ cơ sở. Đồng thời, cần nhìn nhận trách nhiệm trong một số vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài liên quan đến bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất triển khai các dự án; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ đột xuất tại bộ phận công tác tổ chức tiếp công dân.
Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên đề nghị huyện quan tâm hoàn thiện cơ sở vật chất phòng, ban tiếp công dân tại xã, thị trấn; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tiếp công dân trên địa bàn huyện. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND Thành phố, Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, Trưởng Đoàn giám sát khẳng định: Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, khó khăn và chịu nhiều áp lực. Làm tốt công tác này sẽ có tác động rất tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội. Từ ý nghĩa quan trọng đó, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn vừa qua đã được các cấp, các ngành từ Trung ương đến Thành phố quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt.
Qua nghe báo cáo và ý kiến trao đổi, làm rõ thêm của các đồng chí thành viên Đoàn giám sát và huyện, đồng chí Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao những kết quả huyện đã đạt được trong việc tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn những năm qua. “Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã ban hành hệ thống các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo đúng quy định, nghiêm túc, trách nhiệm. UBND huyện và UBND các xã, thị trấn đã bố trí địa điểm tiếp công dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kiện toàn Ban tiếp công dân, bố trí cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp công dân; Ban hành nội quy, quy chế và công khai lịch tiếp công dân theo quy định; Đã cơ bản thực hiện quy định việc tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan” – đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND Thành phố, Trưởng Đoàn giám sát kết luận buổi làm việc
Đồng tình về những tồn tại, hạn chế huyện đã nêu trong báo cáo cũng như ý kiến của thành viên Đoàn giám sát tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu, thời gian tới, huyện phải tiếp tục thực hiện đồng bộ tất cả các giải pháp đã đề ra; Tăng cường hơn nữa việc quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, cán bộ, công chức về các chủ trương, chính sách, pháp luật cũng như vị trí, vai trò của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đẩy mạnh công tác hòa giải nhằm kịp thời xử lý những phản ánh, kiến nghị của người dân ngay từ khi mới phát sinh tại cơ sở, không để trở thành các vụ việc khiếu kiện phức tạp, đông người.
Lưu ý người đứng đầu cơ quan trực tiếp tiếp công dân để kịp thời nắm bắt tình hình, có chỉ đạo giải quyết chính xác, phù hợp, đồng chí cũng nhấn mạnh đến công tác phối hợp với các sở, ngành trong giải quyết các công việc một cách thực chất, hiệu quả. Cần xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của mỗi cấp, mỗi ngành.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu huyện cần quan tâm đầu tư, tăng cường trang bị cơ sở vật chất, phương tiện, bố trí đủ cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân. Đồng thời, có lộ trình, giải pháp giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, quá hạn giải quyết. Chủ tịch HĐND thành phố cũng đề nghị các sở, ban, ngành phối hợp cùng huyện Thanh Trì giải quyết tốt nhất các phản ánh, kiến nghị của công dân trên địa bàn.
Lê Hải - HNP