Chủ tịch nước gửi Thiếp mừng thọ công dân tròn 100 tuổi và trên 100 tuổi

12/01/2024 07:40

Kinhte&Xahoi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi Thiếp mừng thọ công dân tròn 100 tuổi và trên 100 tuổi của 14 tỉnh, TP trên cả nước.

Theo Văn phòng Chủ tịch nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã quyết định gửi Thiếp mừng thọ công dân tròn 100 tuổi và trên 100 tuổi của 14 tỉnh, TP trên cả nước (gồm các tỉnh: Bạc liêu, Bắc Kạn, Hà Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Bắc Giang, Quảng Ninh, Phú Thọ, Nam Định, Thanh Hóa, Yên Bái, Cao Bằng, Lạng Sơn).

Trước đó, ngày 28/12/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng đã quyết định gửi Thiếp mừng thọ đến 1.025 công dân thọ 100 tuổi và trên 100 tuổi của 10 tỉnh, TP trên cả nước (gồm các tỉnh: An Giang, Vĩnh Long, Bắc Ninh, Quảng Ngãi, Hà Giang, Bắc Giang, Điện Biên, Đắk Nông, Trà Vinh, Phú Yên).

Gửi thiệp mừng thọ còn có ý nghĩa thiết thực đối với người cao tuổi, là nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần, thể hiện sự tôn trọng của xã hội với người cao tuổi.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, cả nước có 11,41 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số, trong đó có 1.918.987 người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17% tổng số người cao tuổi), có 7.294.100 người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn (chiếm 41,9%), tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo cao hơn bình quân chung của cả nước; người cao tuổi là dân tộc thiểu số chiếm gần 10%.

Khoảng 3,1 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, chiếm 27,1% tổng số người cao tuổi (trong đó người cao tuổi hưởng lương hưu là 1,8 triệu người, chiếm 15,8% tổng số người cao tuổi). Gần 1,7 triệu người cao tuổi được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng (chiếm 14,8% tổng số người cao tuổi), 1,4 triệu người cao tuổi hưởng chính sách người có công (chiếm 12,3%).

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2036, nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm khoảng 14,17% tổng dân số. Khi đó Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già; Song đa số người cao tuổi không có tích lũy, thu nhập thấp, một bộ phận cuộc sống phải dựa vào con cháu; Nhiều trường hợp sống độc thân, cô đơn không nơi nương tựa.

Trong số người cao tuổi tại Việt Nam, 73% không có lương hưu hay trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống và phải sống phụ thuộc vào con cái. Số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội rất thấp nên nhiều người cao tuổi sức khỏe kém vẫn phải tự lao động và kiếm sống hàng ngày. Vì vậy, đời sống của người cao tuổi, nhất là ở vùng nông thôn còn rất khó khăn, vất vả, tỷ lệ người nghèo ở người cao tuổi là 23,5%.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc người cao tuổi, Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ nhân văn, với mức trợ cấp xã hội hằng tháng cho người cao tuổi được quy định trong khoản 1 Điều 6 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

Hoa Tiên - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/xa-hoi/chu-tich-nuoc-gui-thiep-mung-tho-cong-dan-tron-100-tuoi-va-tren-100-tuoi-d203247.html