Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu sáng 11/6. Ảnh: Hoàng Phong
Sáng 11/6, trước khi bước vào phiên thảo luận chính tại hội trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dành ít phút đề cập tới việc, "ngày hôm qua, ở số ít địa phương đã xảy ra tình trạng tụ tập đông người, kéo xuống đường gây ách tắc giao thông và có những hành động quá khích làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân".
Theo Chủ tịch Quốc hội, qua đó, "chúng ta thấy việc Quốc hội, đại biểu bàn luận ở hội trường đã lan tỏa ra ngoài xã hội".
Bà nhận định, "đáng tiếc là người dân liên quan không hiểu đúng bản chất sự việc, có sự ngộ nhận, hiểu nhầm vấn đề, nên có hành động quá khích; không loại trừ lòng yêu nước của người dân đã bị lợi dụng để gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội".
"Đồng bào, nhân dân cả nước hãy bình tĩnh, tin tưởng vào sự quyết định của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là các dự án Luật mà Quốc hội đang thảo luận thì luôn lắng nghe ý kiến của người dân”, Chủ tịch Quốc hội kêu gọi.
Cho hay bản thân đã nhận được lá thư của một đại biểu rất tâm huyết và có trách nhiệm xung quanh các vấn đề đặt ra, bà Kim Ngân chia sẻ trên nghị trường: "Chúng ta có nhiều hình thức, do vậy trong hành động, phát ngôn đừng tạo ra thêm bất kỳ sự ngộ nhận, hiểu nhầm nào nữa. Sự ngộ nhận đó lan ra ngoài xã hội sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình của đất nước".
Cũng trong sáng nay, với 423 đại biểu tán thành, tương đương tỷ lệ 85,63%, Quốc hội đã đồng ý rút nội dung biểu quyết thông qua dự án luật và nghị quyết về thi hành luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc ra khỏi lịch trình thông qua tại kỳ họp lần này.
Dự Luật trên sẽ được Quốc hội tiếp tục xem xét theo quy định tại kỳ họp cuối năm (tháng 10/2018).
Trao đổi nhanh với báo chí bên hanh làng Quốc hội sáng cùng ngày, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định, "lực lượng chức năng làm hết sức mình, có kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự".
Về việc nhiều người đập phá trụ sở UBND tỉnh Bình Thuận, ông Huỳnh Thanh Cảnh - Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng, "đây là hành vi quá khích và lực lượng chức năng đã phải áp dụng biện pháp mạnh theo quy định pháp luật". Địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ các vấn đề cần thiết trong việc vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền đất nước.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói, hiện người dân có nhiều cách đóng góp ý kiến gián tiếp và trực tiếp đến cơ quan chức năng cũng như đại biểu Quốc hội, do vậy, "không nên sử dụng hình thức biểu hiện gây ảnh hưởng đến hoạt động thông thường".
Trước đó, một số khu vực ở TP HCM, Khánh Hòa, Bình Thuận,... tê liệt giao thông vì nhiều người tụ tập phản đối dự thảo luật Đặc khu kinh tế, trong khi dự Luật này đã được Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội hoãn thông qua.
Theo kinhdoanhnet.vn