Sáng 6/6, cho ý kiến thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa -Vũng Tàu (giai đoạn 1) và 2 đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô Hà Nội và Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin, 5 dự án cao tốc được bàn thảo rất kỹ, tốn nhiều thời gian trong quá trình chuẩn bị cho kỳ họp.
Nếu cả khoá XIV chỉ có 1 dự án quan trọng quốc gia thì ngay kỳ họp này có đến 5 dự án, nếu tính cả cao tốc Bắc Nam được Quốc hội quyết định tại kỳ họp thứ 2 thì ngay năm đầu của khoá XV đã có 6 dự án quan trọng quốc gia.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thảo luận tại tổ
Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch, các dự án này được đề xuất áp dụng nhiều chơ chế đặc thù khác với luật hiện hành.
Đơn cử như đường cao tốc thuộc trách nhiệm của Trung ương, còn đường song hành thuộc trách nhiệm địa phương nhưng trong điều kiện hiện nay xin Quốc hội chấp thuận cho sử dụng cả vốn Trung ương và vốn địa phương để thực hiện.
Hay theo Luật Giao thông đường bộ, cao tốc thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải, tỉnh lộ là của địa phương nhưng giờ để một bộ đảm trách 6 dựa án quan trọng quốc gia, chưa kể các dự án khác thì sức bộ không thể làm hết được nên sẽ giao cho một số địa phương có dự án đi qua.
Riêng hai đường Vành đai 3 và Vành đai 4 hoàn toàn giao cho các địa phương tương ứng với đoạn địa qua địa bàn, còn Hà Nội và TPHCM làm đầu mối. Tuy vậy, Chính phủ cũng phải làm rõ khái niệm và trách nhiệm của đầu mối. Còn với các dự án cao tốc, có đoạn nằm trên cả 2 tỉnh giáp ranh thì quyết định giao Bộ Giao thông vận tải phụ trách.
Trước ý kiến của địa phương đề nghị cho sử dụng nguồn cải cách tiền lương để đầu tư các tuyến đấu nối vào đường Vành đai, Chủ tịch Quốc hội khẳng định không nên. Ông lý giải, nguồn để đảm bảo cải cách tiền lương là rất lớn vì khi đã quyết cải cách là chi thường xuyên chứ không phải chi một lần.
“Cải cách tiền lương và điều chỉnh tiền lương là khác nhau. Có địa phương nói đủ nguồn nhưng thực chất đó chỉ là đủ cho 1 năm trong khi phải chi hàng năm. Chúng ta lùi cải cách tiền lương và 3 năm nay cũng chưa có tiền để điều chỉnh tiền lương”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Còn về đề nghị cơ chế Chính phủ đứng ra phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại thì luật không cho phép, địa phương cần phải chủ động huy động, tránh chưa làm đã kêu khó.
Chủ tịch Quốc hội băn khoăn khi cứ nói lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân, song thực tế nhiều dự án hình thức BOT, PPP dần chuyển sang đầu tư thì rõ ràng có vấn đề, và cứ như thế này thì huy động vốn xã hội rất khó khăn. Do đó, cần soát xét lại các quy định của luật và văn bản quy phạm pháp luật đến việc tổ chức triển khai và xây dựng thị trường vốn đủ sức cung cấp vốn cho trung, dài hạn của nền kinh tế.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý thêm, chỉ có Vành đai 3 được ưu tiên đặc biệt, cơ bản bố trí đủ vốn để hoàn thành vào 2025, quyết toán đưa vào sử dụng năm 2026. Các dự án còn lại chấp nhận giãn tiến độ ít nhất 1 năm.
Hạnh Nguyên - TTTĐ