Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có tính khả thi cao

10/11/2023 19:07

Kinhte&Xahoi Thảo luận tại tổ về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) chiều 10-11, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, dự án Luật mới trình Quốc hội lần đầu nhưng chất lượng khá tốt, tính chất quy phạm rất rõ để có thể áp dụng khả thi, cụ thể.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận tại tổ chiều 10-11.

Đầu tư từ sớm, dành nhiều công sức cho dự án Luật

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định Thủ đô là trung tâm đầu não chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế. “Lần này xác định Thủ đô là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ bởi vì quy mô kinh tế của thành phố ngày càng lớn, tính chất kinh tế của Thủ đô cũng khác trước, nên định vị lại như vậy”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.

“Hà Nội còn được xác định là đầu não chính trị, hành chính quốc gia, vừa là bộ mặt, là trái tim của cả nước, là tất cả những gì tinh túy nhất: Thủ đô nghìn năm văn hiến và anh hùng, thành phố vì hòa bình, thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO…”, đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này phải thể chế hóa được Nghị quyết của Trung ương về vị trí, vai trò, định hướng, nhiệm vụ phát triển của Hà Nội cho đến tận giữa thế kỷ XXI, thúc đẩy tạo động lực dẫn dắt cho cả nước và cho cả vùng trong cả nước. Nhiều đại biểu cho rằng xây dựng Luật Thủ đô không phải chỉ riêng cho Thủ đô, thực chất là cho cả nước theo tinh thần là “Hà Nội vì cả nước và cùng cả nước”. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô là đầu tư rất nhiều công sức cho dự án Luật, khởi động từ khi xây dựng Nghị quyết đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố. Cơ quan trình là Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tư pháp và cơ quan thẩm tra đã làm việc với nhau từ rất sớm và đầu tư rất nhiều công sức.

“Đảng đoàn Quốc hội và cá nhân tôi đã trực tiếp hai lần chính thức làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, chưa kể những lần không chính thức. Bởi vì với trách nhiệm của Đảng đoàn, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng còn là trách nhiệm công dân trên địa bàn Thủ đô; hơn nữa là tình cảm của tôi cũng có thời gian làm Bí thư Thành ủy Hà Nội”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.

Quang cảnh phiên thảo luận tổ.

Đạo luật về cơ chế đặc thù và phân cấp, phân quyền

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tuy dự án Luật mới trình Quốc hội lần đầu nhưng chất lượng đã khá tốt, khắc phục được tính chất "luật khung, luật ống". Những quy định lần này mang tính chất quy phạm rất rõ để có thể áp dụng khả thi, cụ thể. Dự thảo Luật quy định những vấn đề có tính phổ quát của một đô thị đặc biệt nhưng vừa có tính đặc thù riêng có của Thủ đô. Thực chất đạo luật này là một đạo luật về cơ chế đặc thù và phân quyền, giao quyền, phân cấp gắn với trách nhiệm là vấn đề giám sát và kiểm tra. Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu Quốc hội đóng góp qua hai kỳ họp để dự án Luật có chất lượng tốt nhất cho Thủ đô.

Góp ý về nội dung cụ thể của dự thảo Luật, về mô hình tổ chức chính quyền của thành phố Hà Nội, đồng chí Vương Đình Huệ cho biết, khi tiến hành tổng kết các Nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng cho thấy mô hình chính quyền đô thị như của Hà Nội phù hợp hơn. Bởi vì chỉ bỏ HĐND ở cấp phường, còn chính quyền ở nông thôn thì vẫn giữ nguyên, tức là vẫn có cả UBND và HĐND các cấp ở chính quyền nông thôn, còn ở đô thị thì vẫn giữ lại HĐND của quận, huyện. Do vậy, thành phố đã lựa chọn mô hình để quy định trong Luật. “Luật hóa nội dung này trong dự thảo có thể nói đã tương đối chín”, đồng chí Vương Đình Huệ nói.

Về số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội cho biết qua nghiên cứu kỹ thì thấy nội dung này hoàn toàn phù hợp Nghị quyết của Trung ương. “Bởi vì khi không tổ chức HĐND ở cấp phường thì Hà Nội là giảm được khoảng 6.000 người, chỉ tăng có 35 đại biểu HĐND thành phố thì tổng số đã giảm mạnh, việc tăng thêm là dễ hiểu và hoàn toàn tôi thấy hợp lý”.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND thành phố, việc phân cấp, phân quyền cho Thường trực HĐND thành phố là vấn đề cần thiết với riêng Thủ đô và cần thí điểm như một mô hình. Khi xây dựng Luật Đầu tư công không quy định Thường trực HĐND những quyền hạn liên quan đến đầu tư công. Chính phủ ban hành Nghị định cho phép Thường trực HĐND được một số quyền hạn điều chỉnh tên dự án, tổng mức đầu tư… sau đó báo cáo HĐND là kỳ họp gần nhất. Chỉ có khi thực hiện trong điều kiện phòng, chống dịch, Nghị quyết của Quốc hội cho phép Thường trực HĐND giải quyết một số nội dung. “Tôi nghĩ rằng có lẽ tới đây cũng nên nghiên cứu để quy định thành pháp luật một số quyền hạn riêng cho Thường trực HĐND".

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ủng hộ với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND thành phố. Thực tiễn Hà Nội làm tốt thì sau này cần phổ quát hóa bởi tình hình xã hội thay đổi, diễn biến nhanh trong khi cứ chờ HĐND họp hoặc là họp bất thường thì cũng rất khó khăn.

 Tiến Thành - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/chu-tich-quoc-hoi-vuong-dinh-hue-du-thao-luat-thu-do-sua-doi-co-tinh-kha-thi-cao-647607.html