Chung tay bảo vệ “lá phổi xanh”
Kinhte&Xahoi
Rừng được coi là “lá phổi xanh”, đóng vai trò quan trọng trong sự sống của con người và hệ sinh thái toàn cầu. Vì thế, việc bảo vệ rừng là cực kỳ quan trọng, luôn là vấn đề cấp bách để duy trì sức khỏe và sự sống cho hành tinh của chúng ta.
Việt Nam là quốc gia có hệ sinh thái rừng đa dạng, phong phú và chiếm một không gian sống tương đối rộng lớn. Ở thời điểm này, nước ta có khoảng 14,7 triệu héc ta rừng, với độ che phủ hơn 42%. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước rất chú trọng việc bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ đa dạng sinh học và nâng cao độ che phủ của rừng. Trong đó, chúng ta đã giảm dần việc khai thác nguyên liệu gỗ trực tiếp từ rừng, đầy mạnh phong trào trồng cây xanh, từng bước nâng cao chất lượng của rừng.
Đặc biệt, với những cơ chế, chính sách phù hợp, chúng ta đã tập trung giải quyết hài hòa vấn đề sinh kế cho hàng triệu đồng bào sinh sống trong rừng và gần rừng, qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm trong quá trình giữ rừng và phát triển rừng.
Đáng chú ý, bên cạnh những giá trị truyền thống, rừng đang mang về những giá trị mới thiết thực và bền vững như dịch vụ môi trường rừng, tín chỉ carbon... Trong đó, có thể kể đến việc bán tín chỉ carbon thời gian qua đã thu về hàng triệu USD. Rõ ràng, mỗi tín chỉ carbon được tạo ra sẽ mang về “lợi ích kép” là kinh tế và bảo vệ rừng bền vững. Bởi tín chỉ carbon rừng được hình thành từ các hoạt động dự án giảm phát thải nhà kính như giảm mất rừng và suy thoái rừng; tăng cường hoạt động trồng rừng, tái trồng rừng, tái tạo thảm thực vật và hoạt động tăng cường quản lý rừng.
Với vai trò là “lá phối xanh” của Trái đất, rừng luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày của nhân loại, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi mà các hoạt động công nghiệp, dịch vụ, du lịch và diện tích đô thị ngày càng mở rộng; biến đổi khí hậu diễn biến khó lường… Do đó, nhiệm vụ bảo vệ “lá phổi xanh” của Trái đất trước những nguy cơ đang hiển hiện là không của riêng ai, không củariêng quốc gia nào.
Năm nay, Ngày Quốc tế về rừng (21-3) có chủ đề: “Rừng và đổi mới sáng tạo: Giải pháp mới cho một thế giới tốt đẹp hơn”. Với thông điệp này, Liên hợp quốc muốn nhấn mạnh đến việc chúng ta cần khôi phục, phát triển, bảo vệ, quản lý và sử dụng rừng một cách bền vững, dựa vào các thành tựu của tiến bộ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, như công nghệ vệ tinh, máy bay không người lái, công nghệ sinh học, giống cây trồng, hay công nghệ về vật liệu…
Bằng những giải pháp về công nghệ, chúng ta cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, có môi trường sinh thái tốt hơn, kinh tế phát triển bền vững, chất lượng cuộc sống của người dân được cải thiện.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; khi phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí có kiểm soát cần gắn với phát triển rừng; đẩy mạnh phát triển dịch vụ môi trường rừng, trong đó có dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh… Đồng thời, khai thác giá trị của hệ sinh thái rừng gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, người dân ở khu vực có rừng và người làm nghề rừng và trong lĩnh vực lâm sản…
Mỗi người dân, bên cạnh việc bảo vệ rừng với trách nhiệm cao nhất, cần hình thành thói quen trồng và chăm sóc cây xanh ở nơi sinh sống, nơi làm việc, qua đó góp thêm những mảng xanh ý nghĩa cho cuộc sống của chính mình và cộng đồng.
Bắc Vũ - Hà Nội mới