Chuyển đổi số có thể đóng góp tăng trưởng 1.000 tỷ USD GDP của ASEAN
Kinhte&Xahoi
Mặc dù nền kinh tế số ASEAN đang bị coi là tụt hậu nhưng nếu áp dụng thành công chương trình chuyển đổi số có thể đóng góp tăng trưởng 1.000 tỷ USD vào tổng GDP của ASEAN trong 10 năm tới. Chuyển đổi số sẽ giúp ASEAN vươn lên dẫn đầu về khả năng cạnh tranh toàn cầu với vị thế là một trong những trung tâm sáng tạo số hàng đầu thế giới.
Theo báo cáo của Công ty Tư vấn quản lý toàn cầu Kearney, các quốc gia thành viên ASEAN đang tích cực thực hiện từng bước vững vàng trong hành trình chuyển đổi số. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng chưa từng thấy trong nhu cầu về kỹ năng số, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ sinh thái giáo dục đào tạo thuận lợi cùng khả năng phát triển nguồn nhân lực số.
Hội nghị “Nâng cao nguồn nhân lực số” diễn ra ngày 29/11
Tại Việt Nam, phát triển nguồn nhân lực là yếu tố rất quan trọng đảm bảo thành công của chương trình chuyển đổi số quốc gia. Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, chiến lược phát triển nhân lực cho chuyển đổi số, như Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", đặt ra mục tiêu đến năm 2025, 80% người lao động được trang bị kỹ năng số, đến 2030 là 90%; Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/1/2022 về phê duyệt đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", xác định mục tiêu chung tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số; Phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia; Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.
Các chuyên gia cho rằng, với nhu cầu chuyển đổi số ngày càng gia tăng, sự phát triển như vũ bão của các công nghệ, các hoạt động đào tạo cũng cần phải được đổi mới, phù hợp với nhu cầu dạy và học đang ngày càng thay đổi, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo "Sinh viên và công nghệ 2022: Tái cân bằng trải nghiệm người học" của Educause, xu hướng hành vi của người học đang thay đổi rất nhanh trong hai năm qua. Theo đó, phương thức học trực tuyến đang ngày càng được ưa thích hơn. Cụ thể, theo khảo sát trước ngày 11/3/2020, chỉ 4% đối tượng được khảo sát cho biết, họ muốn phương thức chủ yếu học online. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên 9% vào năm 2022. Trong khi đó, số người muốn học online hoàn toàn năm 2022 là 20%, trước đó, con số này chỉ 5% năm 2020.
Áp dụng thành công chương trình chuyển đổi số có thể đóng góp tăng trưởng 1.000 tỷ USD vào tổng GDP của ASEAN trong 10 năm tới (Ảnh minh họa)
Mới đây, Hội nghị lần thứ 57 Ủy ban Văn hóa - Thông tin ASEAN với chủ đề "Chuyển đổi số: Cơ hội tiếp cận cho mọi người" do Bộ VHTT&DL và Bộ TT&TT phối hợp tổ chức tại thành phố Hội An. Hội nghị với sự tham dự của đoàn đại biểu từ các bộ, cơ quan phụ trách văn hóa, thông tin các quốc gia thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Liên đoàn quốc tế Các hội đồng nghệ thuật và cơ quan văn hóa (IFACCA).
Theo đó, các nước thành viên ASEAN đã và đang nỗ lực thúc đẩy ứng dụng công nghệ và các phương tiện truyền thông mới để thích ứng và phát triển; Kỳ vọng áp dụng công nghệ số trong hợp tác của Ủy ban Văn hóa - Thông tin ASEAN sẽ tạo điều kiện giải quyết những khó khăn, hạn chế vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân ASEAN.
Các chuyên gia tham dự hội nghị khẳng định, chuyển đổi số trở thành trọng tâm chiến lược của ASEAN để thúc đẩy hồi phục kinh tế và xây dựng lại mạnh mẽ hơn sau đại dịch COVID-19. Đồng thời, chuyển đổi số cũng là hướng đi để các nước trong khu vực cùng xây dựng một cộng đồng ASEAN bền vững "gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế và sẻ chia trách nhiệm xã hội". Các nền tảng số sẽ giúp người dân ASEAN duy trì kết nối, hợp tác và giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động phát triển.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực trải qua nhiều biến động, thách thức phức tạp, khó lường, sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông số đã góp phần thu hẹp các khoảng cách về không gian và thời gian giữa các nước thành viên ASEAN, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận mạnh mẽ hơn với truyền thông và văn hóa.
Theo đó, kế hoạch tổng thể ASEAN số đến năm 2025, lộ trình thực hiện Tuyên bố ASEAN về phát triển nguồn nhân lực sẽ tập hợp các cơ quan chuyên ngành, cơ sở giáo dục đại học, đơn vị tư nhân và các cơ quan đồng hành để cùng cải tiến nền giáo dục nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ năng số tại Việt Nam và các nước ASEAN.
Hoàng Bảo - TTTĐ