Chuyển động mới cho giao thông Hà Nội
Kinhte&Xahoi
Sau hơn 1 năm chính thức vận hành, khai thác thương mại, Cát Linh - Hà Đông, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và cả nước đã nhanh chóng chứng minh tính ưu việt của loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn, hiện đại.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đang góp phần thay đổi thói quen đi lại của người dân. Ảnh: Quang Thái
“Cát Linh - Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô cũng như cả nước được đưa vào hoạt động. Sau hơn 1 năm vận hành, tuyến đường sắt đã đạt sản lượng hành khách đi tàu theo kịch bản tốt nhất trong các phương án chuẩn bị vận hành…” - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) Vũ Hồng Trường chia sẻ đầy tự hào.
Còn nhớ, thời điểm giữa năm 2015, Hanoi Metro được thành lập với nhiệm vụ quản lý vận hành các tuyến đường sắt đô thị của Thủ đô. Song, đồng nghĩa với nhiệm vụ là khó khăn, thách thức, là hoài nghi, ngờ vực bởi tính hiệu quả, khả thi…
Đường sắt đô thị là loại hình vận tải khối lượng lớn văn minh, hiện đại và ưu việt nhưng tại Việt Nam vẫn còn rất mới mẻ, lạ lẫm đối với đa số người dân.
Từ những lo ngại ấy, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông nhận được sự quan tâm rất sát sao từ Chính phủ đến Bộ Giao thông - Vận tải, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội và sự chia sẻ của đông đảo người dân Thủ đô.
Rồi ngày vận hành chính thức đoàn tàu metro cũng đến trong hồi hộp rồi vỡ òa hạnh phúc. Đoàn tàu metro được người dân Thủ đô cởi mở đón nhận. Theo thống kê, từ ngày 6-11-2021 (ngày chính thức vận hành thương mại) đến hết năm 2022, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã khai thác an toàn và vận chuyển trên 9 triệu hành khách. Đến nay, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sau hơn 1 năm đi vào vận hành, khai thác đã chứng minh được ưu thế của phương thức vận tải nhanh, khối lượng lớn, văn minh, hiện đại của thế giới và là “xương sống” vận tải hành khách công cộng của đô thị. Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã trở thành phương tiện đi lại hằng ngày của hàng chục nghìn người dân.
“Để một tuyến metro đi vào vận hành phát huy hiệu quả, chúng tôi luôn lắng nghe, tôn trọng và cố gắng nắm bắt đặc tính nhu cầu đi lại để đưa ra biểu đồ, phương thức vận hành nhằm bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân và tiết kiệm ngân sách của thành phố. Quá trình này liên tục được cải tiến và không ngừng nghỉ” - Tổng Giám đốc Hanoi Metro Vũ Hồng Trường chia sẻ.
Cũng theo ông Vũ Hồng Trường, kết quả bước đầu này mang ý nghĩa hết sức quan trọng. Qua vận hành, người dân đã dần thay đổi thói quen đi lại và từng bước tạo dựng văn hóa tham gia giao thông, văn hóa sử dụng giao thông công cộng văn minh, an toàn, thân thiện.
Đi từ không đến có, kiên trì và bền bỉ, tuyến metro Cát Linh - Hà Đông đang mang đến những kỳ vọng tốt đẹp cho loại hình giao thông mới mẻ và khẳng định sự chủ động, sáng tạo của đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam. Từ việc phụ thuộc vào đội ngũ chuyên gia nước ngoài, Hanoi Metro đã từng bước tạo dựng được một đội ngũ quản lý, vận hành một cách chuyên nghiệp. Đến nay, toàn bộ nhân sự người Việt Nam đã làm chủ, sẵn sàng tiếp nhận vận hành đoạn Nhổn - ga Hà Nội và tiếp viện nhân sự tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên tại thành phố Hồ Chí Minh.
Sự tiên phong của đoàn tàu metro Cát Linh - Hà Đông mang đến những khởi đầu tốt đẹp. “Đoàn tàu mùa xuân” ấy chở theo cả ước mơ, hy vọng về một hệ thống giao thông công cộng hiện đại cho Thủ đô và đất nước.
Tuấn Lương - Hà Nội mới