Xem nhiều

Có một danh xưng trân quý…

20/06/2020 21:43

Kinhte&Xahoi Một câu hỏi cũ rích nhưng không dễ trả lời: Nhà báo, anh là ai? Càng khó lý giải câu hỏi này trong thời buổi làm báo khó khăn, nhiễu nhương với đầy những nốt trầm nghề nghiệp. Danh xưng nhà báo bây giờ khác xa cái thời cách đây chỉ ngót nghét chục năm…

Nhà báo - người tự định danh mình. Ảnh minh họa

Một thời như thế!

Dăm năm trở lại đây, báo mạng điện tử lên ngôi. Mạng xã hội cũng là thứ dẫn dắt truyền thông, dù thông tin trên đó tạp nham, cá nhân và thiếu tính kiểm chứng. Báo giấy hết thời hoàng kim, không mấy toà soạn còn mặn mà sản xuất. Tuy nhiên, báo in vẫn sẽ không “chết”. Nó có lý do để sống đời sống của riêng nó trong mạch thông tin chính trị chủ lưu, các tờ báo chính thống vẫn sẽ giữ lấy báo in như một sứ mệnh chính trị của mình.

Báo điện tử đang sống, nhưng sống thực bằng nghề làm báo điện tử thì cũng không nhiều, nếu như không muốn nói là đếm được trên đầu ngón tay. Thế nhưng, nghịch lý là báo điện tử, tạp chí điện tử dù có quy hoạch lại thì vẫn sẽ còn “đông như quân nguyên”. Đấy là chưa nói đến báo hình, báo nói và những cái na ná báo chí như trang tin tổng hợp, trang tin điện tử, trang mạng xã hội…

Trong bối cảnh diện mạo báo chí thay đổi như vậy, câu hỏi “Nhà báo - anh là ai?” thật không dễ dàng trả lời. Danh xưng nhà báo gắn với nghề báo, cái nghề dùng chữ nghĩa mà lý sự với đời, mà xây đắp cuộc đời, phản biện cuộc đời để bảo vệ lẽ phải, công lý, sự công bằng với những sự thật được bóc tách để minh bạch nó qua các tác phẩm báo chí được công bố.

Con chữ và hình ảnh của nhà báo còn chuyển tải những thông tin thời sự, những cảm xúc, những yêu thương và cả những cơn cuồng nộ để thổi bùng lên ngọn lửa của dư luận xã hội. Con chữ đấy còn vạch trần bao tội ác, lên án những hành vi man rợ, đồng hành cùng những con người chân chính trong cuộc chiến chống lại cái ác, tội phạm và những hành vi trái với nhân nghĩa, lẽ đời.

Nhà báo một thời đã là như vậy, với một cái đầu lạnh, một con tim nóng, với “lòng trong, bút sắc” đã trở thành những “chiến sỹ trên mặt trận văn hoá tư tưởng” và còn được xem là những người “gác cổng tư tưởng cho Đảng”…

Từ những “quyền năng” của sự đẹp đẽ nghề nghiệp này, đã có câu trả lời cho câu hỏi “Nhà báo - anh là ai?”. Đây là cái thời ai đó xưng danh nhà báo đều bao hàm một sự tự trọng lẫn tự hào nghề nghiệp một cách “ghê gớm”! Nhà báo là một mỹ từ, một nghề nghiệp được trọng vọng, làm cho lũ học sinh cấp 3 bao đứa mong mỏi thi vào trường báo và cũng làm cho các nơi đào tạo báo chí điểm đầu vào luôn cao ngất ngưởng. Danh xưng nhà báo đã từng có giá và đẹp như thế…

Cây đời cứ xanh

Thực chất báo chí thời nào thì nội dung cũng đều là điều quan trọng, nhưng nó có quan trọng đến mức là “Vua” hay không lại là việc khác.  Cái thời công nghệ số còn chưa lên ngôi hoặc mới lên ngôi, các tờ báo cạnh tranh nhau bằng sự chải chuốt, cẩn trọng và tinh tế của thông tin và chữ nghĩa. “Content is King - Nội dung là Vua” là khẩu hiệu mang tính phương pháp luận của giai đoạn này.

Công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số phát triển nhanh chóng làm cho cả thế giới chuyển mình, báo chí không thể đứng ngoài quy luật đó. Công nghệ làm báo thay đổi, cách làm báo thay đổi, cách đọc báo thay đổi, tâm lý và hành vi của bạn đọc thay đổi và hẳn nhiên nội dung chưa chắc đã còn là “Vua”. Đây là thời của công chúng, công chúng quyết định mọi thứ, công chúng thích gì, báo chí buộc phải “chiều chuộng” họ, thậm chí chiều chuộng đến độ xa rời mục đích tôn chỉ để làm thoả mãn bạn đọc của mình. Buồn thay, lắm lúc là thoả mãn cả những điều bình thường, thậm chí tầm thường. Và như vậy, nội dung không còn là “Vua”, mà “công chúng mới là Vua”. 

Câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Không thể phủ nhận một sự thật, báo chí đang quá lệ thuộc vào đồng tiền của doanh nghiệp. Không có doanh nghiệp, gần như báo chí khó bề hoạt động. Mối quan hệ này ngày càng trở nên lạ lùng vừa dễ hiểu vừa không thể cắt nghĩa được trên bình diện tác nghiệp độc lập, minh bạch, trách nhiệm xã hội của nhà báo và cơ quan báo chí. Nó không đơn thuần là chuyện cộng sinh mà đau đớn hơn, đã có những phát ngôn trên các diễn đàn lớn, cho rằng báo chí đang “ký sinh” vào doanh nghiệp. Theo đó, nhà báo ít làm báo mà đúng hơn là đi làm truyền thông cho doanh nghiệp.

Một thực tế kép, số lượng các báo điện tử, chuyên trang của báo điện tử, tạp chí điện tử, trang tin điện tử và điện tử tổng hợp, trang mạng xã hội mọc lên nhan nhản, vàng thau lẫn lộn, sai tôn chỉ mục đích làm cho diện mạo báo chí trở nên lộn xộn, rối rắm và khó kiểm soát nội dung cũng như quy trình tác nghiệp của nhà báo. Theo đó, người làm báo đông lên một cách đột biến. Ai cũng có thể xưng danh nhà báo, cho dù… chưa được cấp thẻ. 

Nghịch lý là báo chí và kinh tế báo chí khó khăn đến vậy, sao vẫn nhiều cơ quan báo chí, tạp chí… đã từng đua nhau ra đời, sao vẫn nhiều người đua nhau đi làm báo? Hoá ra, họ làm báo thì ít mà làm những điều phi, phản báo chí thì nhiều. Đạo đức báo chí xuống cấp một phần lớn nguyên nhân từ một bộ phận không nhỏ những người làm báo lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi cá nhân. Dẫn chứng quá dễ dàng để minh chứng cho điều này. Nhà báo, phóng viên bị bắt bớ từ dăm triệu bạc cho đến hàng trăm triệu do các hành vi vi phạm pháp luật đã không phải là hiện tượng gì xa lạ…

Giữ mình thanh sạch trong tác nghiệp báo chí càng trở nên khó khăn. Bởi làm báo chỉ viết báo không thôi thì không thể sống nổi bằng tác phẩm, không thể sống nổi bằng lương và nhuận bút, ngoại trừ hơn chục tờ báo có thể kể tên làm được điều này. Vậy nên nhà báo đi kiếm tiền bằng mọi cách, thậm chí xuất hiện những cụm từ đau đớn và không kém phần nhục nhã: Nhà báo “đếm tầng” hay mới đây còn xuất hiện một khái niệm phản cảm, nhà báo “IS”!

Niềm tin của xã hội theo đó cũng giảm sút đi rất nhiều dành cho báo giới. Một cái thẻ nhà báo gắn với một nghề cao đẹp. Ngày xưa mỗi lần rút ra sao mà tự hào mà nâng niu mà trân trọng đến vậy. Bây giờ thẻ vẫn oai, thẻ vẫn còn đầy “uy lực”, nhưng nhiều nhà báo thậm chí còn không nhận mình là nhà báo vì bị xấu hổ. Bởi xã hội đã không dành cho họ trọn vẹn một niềm tin chân chính. Nhiều người bây giờ thậm chí còn gọi là “bọn nhà báo”, “lũ nhà báo”, rồi “kền kền”… và những “xú từ” khác. Nỗi đau này là do chính những người làm báo không tử tế làm ảnh hưởng chung đến một nghề nghiệp vốn dĩ đẹp đẽ này.

Anh là ai - nhà báo thời nay?

Không thể đổ tại công chúng quyết định nhà báo là ai! Công chúng giờ không có thời gian để nhẩn nha đọc báo in. Công chúng cùng lúc có thể tiếp cận thông tin với nhiều nguồn khác nhau, báo chí chỉ là một trong số đó. Nghĩa là tính thời sự, khả năng đưa tin nhanh, hấp dẫn với độ phủ sóng nguồn tin độc đáo rộng khắp là yếu tố quyết định có tính cạnh tranh trong hoạt động báo chí. Yếu tố sáng tạo trong tác phẩm báo chí và báo chí đa phương tiện cũng góp phần quan trọng, nhưng cũng không phải là yếu tố quyết định. 

Đó là chưa kể báo chí đang cạnh tranh thông tin khốc liệt với mạng xã hội. Nói như vậy, không có nghĩa nhanh là ẩu, nhanh là sai. Báo chí khác các phương tiện truyền thông khác chính là sự chính xác và việc thẩm định tính chính xác của nguồn tin là việc sống còn. Nếu không báo chí sẽ tự giết mình khi dính phải thông tin giả tràn lan trên mạng xã hội. Như vậy, công chúng quyết định báo chí, nhưng sự quyết định ấy cũng chính là việc gửi gắm niềm tin, tìm đến báo chí vì đó mới là môi trường thông tin đáng tin cậy. Nếu sự tin cậy không còn trong thời buổi cạnh tranh thông tin hiện nay nghĩa là báo chí sẽ thêm một lần lún sâu vào khủng hoảng khó tìm lối thoát. Khủng hoảng của mất niềm tin vào báo giới.

Như vậy, “Nhà báo - anh là ai?” bây giờ lại càng rối rắm rất khó định danh. Nhà báo thời nay, chữ nghĩa, viết lách không còn quá quan trọng, anh ta phải là một nhà truyền thông, một nhà kinh tế, một nhà chính trị và là một nhà kỹ thuật đa phương tiện. Cộng với một cái sĩ nghề nghiệp và thôi thúc đạo đức từ bên trong, vừa làm nghề giỏi, vừa kiếm tiền sạch cho cơ quan báo chí và cho chính mình… Mô hình lý thuyết có lẽ là như vậy và nó trở nên quá khó để không thể định danh nổi: “Nhà báo - anh là ai?”.

Câu trả lời, anh có thể là tất cả mà cũng chẳng là gì. Bởi anh là chính anh khi anh tạo ra những giá trị cho mình và cho đời. Còn dù gì đi nữa, khi chỉ biết tạo ra giá trị, nhất là giá trị vật chất cho riêng cá nhân anh thì cũng chẳng thể gọi anh là nhà báo cuộc đời dài rộng này. Tự định danh mình để còn biết mình là ai nên câu trả lời sẽ tự có trong mỗi một người đang sống bằng cái nghề cao đẹp và cũng lắm nỗi nhọc nhằn này…

 Bảo Minh

;
Bình luận
Họ tên :
Email :
Lời bình :
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper 
 
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
Mobile
TieuDe
Nhập mã bảo mật :  
Gửi bình luận
     
Mới nhất | Cũ nhất
Không tìm thấy bản ghi nào

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Biến Quốc lộ 1A thành bãi đậu xe, phục vụ một loạt quán cơm

Lâu nay, Quốc lộ 1A đoạn qua khu vực cầu Đồng Nai là nỗi ám ảnh của người dân và phương tiện lưu thông qua đây mỗi ngày. Dù lưu lượng xe đông đúc nhưng lòng đường bị biến thành bãi đậu xe phục vụ cho một loạt quán cơm vào các giờ cao điểm khiến tình trạng ùn tắc càng thêm trầm trọng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/co-mot-danh-xung-tran-quy-d127588.html

Scroll

Kênh thông tin giới trẻ - gioitrenews.com