Cổ vũ thể thao cần song hành với ý thức môi trường
Kinhte&Xahoi
Trong thể thao, chiến thuật cổ vũ của các cổ động viên vô cùng đa dạng, vừa thể hiện niềm tự hào của chính họ vừa cổ vũ tinh thần các vận động viên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau những màn cổ vũ “kỷ lục” có thể chính là “cơn ác mộng” của lực lượng lau dọn, vệ sinh.
Sân vận động “ngập rác” sau màn cổ vũ bằng giấy vệ sinh.
Chấm dứt tình trạng “ngập rác” sau những trận đấu
Câu chuyện hàng ngàn cổ động viên ném hàng vạn cuộn giấy vệ sinh trên khán đài sân vận động Việt Trì trong trận U23 Việt Nam - U23 Philippines vào tối 8/5 đã đặt vấn đề về việc giữ gìn môi trường sạch đẹp khi tham gia cổ vũ thể thao. Được biết, tiết mục “mưa” giấy vệ sinh này đã được hội các cổ động viên xin phép Ban Tổ chức trận đấu và cam kết dọn dẹp sạch sẽ sau đó. Không may, sau màn “mưa” giấy thì trời đổ mưa, hiện trường trở nên nhếch nhác, việc lau dọn khó khăn. Sáng 9/5, hơn 30 công nhân được Ban Tổ chức huy động đã làm việc hết công suất trong gần bốn tiếng đồng hồ, cùng với sự trợ giúp của các thiết bị vệ sinh công nghiệp mới làm sạch được khán đài sân Việt Trì.
Dù có ý kiến nói chiến thuật cổ vũ như trên là ý tưởng sáng tạo, nhiệt huyết của một bộ phận người hâm mộ, cũng để lại những hình ảnh đẹp trước ống kính camera; nhưng hầu hết ý kiến phản đối đều cho rằng hậu quả của cách thức cổ vũ này là ô nhiễm môi trường.
Hình thức này từng xuất hiện ở nhiều giải thể thao lớn nhất thế giới như Giải ngoại hạng Anh (Premier League), giải World Cup, Giải vô địch Scotland… Có thể thấy, hậu quả sau những hình ảnh ngoạn mục khi tất cả những cuộn giấy vệ sinh được tung lên trời, tạo nên những dải giấy trắng đều giống nhau, là để lại mặt sân, khán đài đầy rác. Thậm chí có trường hợp trận đấu phải tạm hoãn để dọn dẹp vì hành động ném giấy vệ sinh của nhiều cổ động viên vào sân gây cản trở các vận động viên thi đấu. Chính vì thế, một số giải đấu, sân đấu trên thế giới đã có quy định cấm cổ động viên mang các cuộn giấy vệ sinh vào sân.
Nhiều dụng cụ, thiết bị khác được sử dụng để cổ vũ, tạo hình ảnh đẹp từ khán đài SEA Games 31 cũng là nhu cầu hợp lý, đáng được ghi nhận. Thế giới từng có những “chiêu” cổ vũ độc và lạ của cổ động viên, như nuôi ria mép, cắt tóc theo hình cờ để cổ vũ đội tuyển nước nhà,… tạo nên những ấn tượng thú vị cho người xem. Điều đó cho thấy, trong thể thao, không chỉ các cuộc tranh tài của vận động viên tạo ra không khí kịch tính mà chính cảm xúc của các cổ động viên cũng góp phần làm nên một giải đấu thành công, sôi động.
Tuy nhiên, cảm xúc thăng hoa của cổ động viên cũng có thể trở thành “cơn ác mộng” cho Ban Tổ chức và lực lượng vệ sinh khi sau mỗi trận đấu khắp nơi lại “ngập” trong rác. Kèm theo đó, nhiều người dân còn vứt rác bừa bãi nơi công cộng, sau khi ra về họ thường để lại chỗ ngồi của mình đủ các loại rác thải như đồ ăn thừa, cốc uống nước, túi ni lông,…
Mỗi người là một “đại sứ văn hóa”
Cổ vũ trong thể thao nên được tiến hành một cách văn minh, vừa tiếp thêm động lực cho các vận động viên, vừa lan tỏa được hình ảnh đẹp của đất nước trong mắt bạn bè quốc tế, du khách. Do đó, không chỉ công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức giữ gìn môi trường sạch, đẹp cho các cổ động viên cần được triển khai tích cực, sát sao mà chính những người đi cổ vũ thể thao cũng cần tự ý thức về việc dọn dẹp rác thải của mình sau khi xem các trận đấu.
Có thể nhìn nhận từ bài học của đất nước Nhật Bản, trong giải World Cup 2018, các cổ động viên nước này đã ghi điểm mạnh trong lòng bạn bè quốc tế khi họ nán lại sân để nhặt rác sau trận đấu. Đây là một hành động nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, là hình ảnh đẹp đáng được lan tỏa, đồng thời củng cố thêm niềm tự hào quốc gia, cổ vũ tinh thần các vận động viên.
Là nước chủ nhà của SEA Games 31, thông qua thể thao, Việt Nam đang cố gắng truyền đi rất nhiều thông điệp đến bạn bè quốc tế. Không chỉ là một “Việt Nam thân thiện” với nền văn hóa đa dạng, con người đầy thịnh tình; mà còn “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn” thể hiện qua sức mạnh đoàn kết, tình hữu nghị của 11 quốc gia, trong công cuộc chủ động hội nhập và sáng tạo, đóng góp và gánh vác cùng cộng đồng quốc tế. Chính vì thế, bất cứ một người Việt Nam nào cũng có thể đóng vai trò như một “đại sứ văn hóa”, “đại sứ du lịch”, nhằm góp phần truyền tải thông điệp chung của nước nhà.
Do đó, dù lựa chọn hình thức cổ vũ thể thao nào, các cổ động viên nên cân nhắc cả những hậu quả để lại sau đó, đặc biệt là vấn đề giữ gìn vệ sinh chung, giảm thiểu tác động gây ô nhiễm môi trường. Văn hóa cổ vũ thể thao sẽ góp phần tăng thêm ý nghĩa cho những chiến thắng của các đội tuyển, hướng tới một giải đấu, kỳ SEA Games với nhiều hình ảnh đẹp và trọn vẹn, để lại dư âm tích cực trong lòng các vận động viên, phái đoàn thể thao và khán giả trong và ngoài nước.
Đỗ Trang - Pháp luật Plus