Những đột phá công nghệ trong CMCN 4.0 đang làm thay đổi những nền tảng quản lý, phát triển kinh tế và xã hội như sở hữu, qui mô sản xuất, các khâu trung gian, tầm quan trọng tương đối của các loại nguồn lực.
Chính vì thế, năm 2019, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số... được xem là một trong các chủ trương, biện pháp của Nghị quyết quan trọng này.
Chính vì thế, phát triển Chính phủ số một cách tổng thể, toàn diện, phát huy kết quả đạt được, tập trung nguồn lực, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, có giải pháp, cách làm đột phá, mang tính khác biệt, để cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử vào năm 2021 và hình thành Chính phủ số vào năm 2025 được xác định tại Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt.
Năm nhóm mục tiêu đến năm 2025 được đề ra trong Chiến lược gồm: Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội; huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội; vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội; thay đổi đột phá xếp hạng quốc gia, với các chỉ tiêu cần đạt là đưa Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu cả về chỉ số tổng thể, chỉ số tham gia điện tử cũng như chỉ số dữ liệu mở.
Chiến lược đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm quốc gia, gồm: 1, Hoàn thiện môi trường pháp lý; 2, Phát triển hạ tầng số; 3, Phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; 4, Phát triển dữ liệu số quốc gia; 5, Phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; 6, Bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia. Trong đó, các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ triển khai các dịch vụ cơ bản, thiết yếu liên quan đến người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước cần được phát triển trước.
Người dân và doanh nghiệp sẽ nhận ra “tài nguyên số”. Người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi từ “tài nguyên số”. Bởi trong đó có những dữ liệu trụ cột, dữ liệu trong các lĩnh vực quan trọng: hạ tầng không gian địa lý; bảo hiểm, y tế, an sinh xã hội; tài chính; căn cước; hộ tịch; giáo dục; đào tạo; cán bộ công chức, viên chức; nông nghiệp; lao động, việc làm; phương tiện giao thông, xây dựng, xuất nhập khẩu.
Đại dịch toàn cầu COVID-19 đã và đang tàn phá cấu trúc cũ, buộc con người phải xác lập cấu trúc mới cho chuỗi liên kết toàn cầu. Từ khi phát sinh đại dịch COVID-19, hoạt động thương mại điện tử phát triển như một nhu cầu tất yếu, nhu cầu tồn tại, nhu cầu tăng trưởng. Nói như thế để thấy rằng, trong “kỷ nguyên” CMCN 4.0, “số hóa” là con đường tất yếu.
Nắm bắt cơ hội, hòa mình vào “con đường” đó là quy luật!
Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus