Sáng ngày 18-10, thiếu tá Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, cho biết từ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, tối ngày 17-10, Công an tỉnh Hòa Bình đã triệu tập một số người nghi liên quan đến việc đổ trộm dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà cấp cho Nhà máy nước sạch Sông Đà để đấu tranh, làm rõ.
Thiếu tá Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình, cho biết đã triệu tập một số người nghi liên quan để phục vụ điều tra việc đổ trộm dầu thải xuống nguồn nước sông Đà.
"Chúng tôi đang tập trung làm rõ, khi nào có thông tin chính thức sẽ thông tin sau. Hiện, đơn vị đang đấu tranh với những người liên quan để làm rõ sự việc và mở rộng điều tra"- thiếu tá Đức nói.
Trước đó, vào chiều ngày 16-10, Cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) đã ra quyết định khởi tố vụ án "Gây ô nhiễm môi trường" theo quy định tại điều 235, Bộ luật hình sự để điều tra, làm rõ vụ việc đổ dầu thải xuống nguồn nước sông Đà.
Ngoài ra, Công an huyện Kỳ Sơn cũng phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn, vận động quần chúng nhân dân tích cực tham gia tố giác tội phạm, cung cấp thông tin có liên quan tới vụ việc.
Trả lời báo chí tại cuộc họp báo chiều ngày 17-10, về việc Công ty nước sạch Sông Đà có lỗi với dân không, vì sao chưa xin lỗi, ông Bùi Đăng Khoa, Phó giám đốc Công ty nước sạch Sông Đà (Viwasupco), đã từ chối trả lời và cho biết, tất cả phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan chức năng.
Trước đó vào ngày 15-10, hơn 1 tuần sau khi nước sạch sinh hoạt ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm… có mùi lạ, UBND TP Hà Nội mới chính thức lên tiếng, công bố các kết quả xét nghiệm nước.
UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức họp báo thông tin về sự cố ô nhiễm nguồn nước sông Đà chiều ngày 17-10
Ông Lê Văn Dục, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết kết quả kiểm tra của đoàn công tác xác định tại khu vực đầu nguồn tại khe núi ở xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm.
Dầu thải đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài (là hồ chứa nước để cấp cho nhà máy nước sạch sông Đà của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà - Viwasupco). Doanh nghiệp này đã phát hiện ra sự việc nhưng đã không báo cáo với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình, cũng như TP Hà Nội.
Theo ông Lê Văn Dục, kết quả cho thấy các mẫu xét nghiệm đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần (tại các vòi hộ gia đình, hàm lượng Styren thấp hơn tại nhà máy và các điểm chứa trung gian).
Từ kết quả xác minh, kết quả giám định xác định mùi "khét" có tại trong nguồn nước tại các nhà dân trong toàn bộ khu vực cấp nước của nhà máy tại các quận: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông là do chất Styren có từ dầu thải gây ra. Kết hợp với mùi nồng nặc của chất clo (kết quả xét nghiệm có hàm lượng 0,8mg/l- Nằm trong giới hạn cho phép theo TCVN)"- ông Dục thông tin.
Dầu thải bám bên bờ suối thượng nguồn sông Đà
Tối 15-10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúcyêu cầu UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo ngay Viwasupco khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng cho nhân dân. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình có giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm, bảo đảm cung cấp đủ nước sạch, ổn định đời sống nhân dân trong khu vực trên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng giao nhiệm vụ cho Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, cùng các địa phương kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước sạch trong cả nước để đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân.
"Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Viwasupco không đảm bảo chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm"- văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.