Trong bối cảnh ngành công nghệ Mỹ đối mặt với nguy cơ sụp đổ chuỗi cung ứng và chi phí tăng phi mã do chính sách thuế quan mới từ chính quyền Tổng thống Donald Trump, một quyết định mang tính then chốt vào ngày 11/4 của ông chủ Nhà Trắng đã xoay chuyển cục diện: hàng loạt mặt hàng điện tử tiêu dùng, bao gồm điện thoại, máy tính và thiết bị bán dẫn, được miễn trừ thuế.
Tạm thời thoát hiểm
Apple được xem là công ty hưởng lợi trực tiếp và rõ rệt nhất. Trước đó, mức thuế 125% áp lên hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc – bao gồm iPhone, iPad, Mac và Apple Watch – đe dọa làm tê liệt chuỗi cung ứng toàn cầu của hãng. Nếu mức thuế này có hiệu lực, Apple buộc phải tăng giá bán, đồng thời chịu nguy cơ giảm sút biên lợi nhuận nghiêm trọng.
Tuy nhiên, dưới sự tư vấn của các trợ thủ, Tổng thống Trump tuyên bố miễn trừ thuế quan đối với các sản phẩm điện tử tiêu dùng phổ biến, đồng thời bãi bỏ mức thuế cơ bản 10% đánh vào hàng công nghệ nhập khẩu từ các quốc gia khác (ngoại trừ Trung Quốc). Dù mức thuế 20% và khả năng áp dụng “thuế theo lĩnh vực” vẫn được giữ lại, giới quan sát nhận định đây là cú “giải cứu” quan trọng đối với Apple – và toàn ngành công nghiệp thiết bị số.
"Đây là một cú thoát hiểm ngoạn mục, giúp các “ng lớn công nghệ Mỹ như Apple, Nvidia, Intel hay Qualcomm tạm thời tránh được kịch bản xấu nhất kể từ đại dịch COVID-19", một quan chức Mỹ nhận định.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP).
Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng Apple đã có phương án đối phó từ sớm như: đẩy mạnh sản xuất iPhone tại Ấn Độ – nơi hiện đạt năng lực hơn 30 triệu máy/năm. Đây là một phần trong chiến lược phân tán rủi ro, khi hiện tại khoảng 87% iPhone toàn cầu vẫn được lắp ráp tại Trung Quốc.
Dẫu vậy, việc di dời toàn bộ dây chuyền không hề đơn giản, đặc biệt khi Apple đang bước vào giai đoạn hoàn tất sản xuất dòng iPhone 17 – vẫn chủ yếu sản xuất tại đất nước tỷ dân. Nếu phải chuyển gấp, công ty sẽ đứng trước lựa chọn khó khăn: hoặc tăng giá bán, hoặc thuyết phục nhà cung ứng chia sẻ gánh nặng chi phí.
Không chỉ Apple, hàng loạt doanh nghiệp trong ngành sản xuất chip như Nvidia, Intel, Qualcomm… cũng đứng trước thách thức tương tự. Kể từ ngày 2/4, khi Nhà Trắng công bố kế hoạch áp thuế mạnh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, các thiết bị sản xuất chip, ổ cứng thể rắn, màn hình, bo mạch… đều nằm trong danh sách bị ảnh hưởng.
Làn sóng phản ứng lan rộng khi mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc bị đẩy lên tới 145%, gây lo ngại về giá thành thiết bị tăng đột biến và chuỗi cung ứng toàn cầu bị bóp nghẹt. Các tập đoàn lớn đã lập tức huy động các nhóm vận động hành lang để thuyết phục chính phủ Mỹ điều chỉnh.
Quyết định miễn thuế vào phút chót của ông Trump đã xoa dịu phần nào mối lo này. Các thiết bị bán dẫn, máy tính, TV màn hình phẳng và linh kiện điện tử được đưa ra khỏi diện chịu thuế ngay lập tức. Dù chính sách có thể tiếp tục thay đổi, các công ty công nghệ đã “có thêm thời gian” để điều chỉnh kế hoạch.
Các đối thủ cũng được hưởng lợi
Động thái của Nhà Trắng không chỉ giúp các công ty Mỹ tránh cú sốc ngắn hạn, mà còn vô tình mang lại lợi thế cạnh tranh cho các đối thủ như Samsung – vốn sản xuất chủ yếu ngoài Trung Quốc. Nếu thuế quan được áp dụng như ban đầu, các sản phẩm Samsung tại Mỹ sẽ không bị đội giá, trong khi hàng Apple hoặc Dell có thể phải điều chỉnh giá bán.
Logo Apple tại một cửa hàng Apple Store ở Vũ Hán, Trung Quốc
Ở chiều ngược lại, Trung Quốc không “ngồi yên”. Một loạt động thái từ Bắc Kinh – bao gồm mở cuộc điều tra chống cạnh tranh nhắm vào doanh nghiệp Mỹ, siết quy trình hải quan, và cấm iPhone trong một số cơ quan nhà nước – cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng phản ứng cứng rắn.
Hiện Apple vẫn thu về khoảng 17% doanh thu từ thị trường Trung Quốc – một trong những thị trường lớn nhất của hãng. Trung Quốc cũng là trung tâm sản xuất của khoảng 80% iPad và 60% Mac toàn cầu.
Bài toán về lâu dài
Dù đã thoát hiểm tạm thời, ngành công nghệ Mỹ vẫn chưa thể an tâm. Việc chia tách hoàn toàn khỏi Trung Quốc là bất khả thi trong ngắn hạn, bởi Mỹ hiện thiếu hụt nhân lực kỹ thuật và năng lực sản xuất công nghiệp.
Các chuyên gia cảnh báo, thay vì cố gắng đưa mọi dây chuyền lắp ráp cuối cùng trở về Mỹ – điều khó khả thi – chính phủ nên tập trung thu hút đầu tư vào những mắt xích có giá trị cao hơn như thiết kế chip, phát triển phần mềm, hệ điều hành, AI và bảo mật.
Trong cuộc cạnh tranh công nghệ toàn cầu, vấn đề không còn là “sản xuất ở đâu”, mà là “ai kiểm soát chuỗi giá trị”.
nguonluc