Đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội chủ trì buổi làm việc.
Tham dự cuộc làm việc có các đồng chí: Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP; Phùng Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP; Nguyễn Trọng Đông, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP; Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP Hà Nội và lãnh đạo một số Sở, ban, ngành TP.
Quang cảnh buổi làm việc
Kinh tế phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ
Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông cho biết: Quý III và 9 tháng đầu năm, kinh tế Thủ đô phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. GRDP quý III tăng 15,71%, lũy kế 9 tháng, tăng 9,69%, mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây (cả nước tăng 8,83%). Trong đó, Dịch vụ tăng 11,51%, Công nghiệp - xây dựng tăng 7,83%; Nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,05%, Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,53%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn thực hiện 243.911 tỷ đồng, đạt 78,3% dự toán, bằng 112,3% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương thực hiện 48.672 tỷ đồng, đạt 45,5% dự toán, bằng 109,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Sản xuất, kinh doanh phục hồi mạnh mẽ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,6% (cùng kỳ tăng 4,1%); Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 33,1% (cùng kỳ giảm 10,4%). Khách quốc tế đến Hà Nội, trong tháng 9/2022, đạt 125 nghìn lượt khách, tăng gần 15 lần so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, khách quốc tế đạt 592 nghìn lượt, gấp 3,6 lần cùng kỳ.
Thu hút vốn FDI 9 tháng đầu năm đạt 1,02 tỷ USD (tăng 18% so với cùng kỳ). Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách 32,06 nghìn tỷ đồng. Cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cho 21.972 doanh nghiệp với số vốn là 241,7 nghìn tỷ đồng (tăng 25% về số lượng doanh nghiệp và tăng 2% vốn đăng ký so với cùng kỳ).
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông báo cáo tại buổi làm việc
Công tác phát triển nông thôn và xây dựng Nông thôn mới tiếp tục được quan tâm đầu tư; quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, vệ sinh môi trường tiếp tục được tập trung thực hiện. An sinh xã hội được đảm bảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thành phố đã hoàn thành công tác chi trả hỗ trợ cho 12/12 nhóm đối tượng khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm thuế, lệ phí…
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Trọng Đông, những tháng cuối năm, cùng với việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm, các Sở, ban, ngành TP sẽ tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, TP tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới; Thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; Đôn đốc quyết liệt tiến độ các công trình trọng điểm, các công trình thiết yếu. Hoàn thành các thủ tục, sớm khởi công dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội...
Cử tri phấn khởi trước những kết quả phát triển kinh tế - xã hội
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân Thủ đô với Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XV, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đàm Văn Huân đã nêu 13 nhóm nội dung về tâm tư, nguyện vọng và 6 nhóm nội dung đề xuất, kiến nghị của cử tri và Nhân dân Thủ đô.
Đáng chú ý, cử tri và Nhân dân Thủ đô bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ban hành nhiều văn bản quan trọng, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm túc và trách nhiệm trong việc trả lời và giải quyết kiến nghị của cử tri. Cử tri và Nhân dân Thủ đô phấn khởi trước những kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần lấy lại đà tăng trưởng. Đời sống Nhân dân thành phố cơ bản ổn định. Cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã làm tốt công tác an sinh xã hội, kịp thời chăm lo cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo, người có công với cách mạng...
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Đàm Văn Huân báo cáo tại buổi làm việc
Tuy nhiên, cử tri còn băn khoăn, lo lắng về ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga – Ucraina; Vấn đề ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu; Công tác phòng, chống cháy nổ; Chậm tăng lương, thu nhập dẫn đến tình trạng cán bộ, công chức, viên chức bỏ việc nhất là lao động ngành y, giáo dục-đào tạo...
Cử tri và nhân dân Hà Nội đề nghị Quốc hội cần tập trung tháo gỡ, sửa đổi những cơ chế, chính sách còn bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đầy đủ hoặc vướng mắc của các luật có ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân như Luật Đất đai; Quốc hội nghiên cứu, có giải pháp tiếp tục lộ trình tăng lương cơ sở theo định kỳ.
Cử tri và Nhân dân Thủ đô kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành tăng cường kiểm tra, đôn đốc và đánh giá thực trạng, sớm làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, có giải pháp kịp thời để khắc phục tình trạng chậm giải ngân các dự án đầu tư công; Có chính sách thu hút và duy trì lực lượng cán bộ ngành Y tế; Giải quyết kịp thời tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế khám chữa bệnh; Kiểm tra, giám sát bình ổn giá thuốc trên địa bàn; Nâng cao công tác quản lý nhà nước tại một số lĩnh vực như: Môi trường, phòng cháy, chữa cháy, tiếp dân, giải quyết đơn thư của công dân...
Tú Linh; Ảnh: Viết Thành - TTTĐ