Dân bất an
Theo BCH PCLB-TKCN, các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về thực trạng bờ sông, bờ biển sạt lở uy hiếp đến tài sản, tính mạng của hơn 1.000 hộ dân trên toàn tỉnh là các huyện: Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên và Lộc Hà.
Một trong những con sông gây ra tình trạng sạt lở nặng nề nhất là sông Ngàn Sâu chảy qua các huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn và Đức Thọ. Tình trạng sạt lở dọc theo con sông này được ghi nhận ngày càng khốc liệt, năm sau nghiêm trọng hơn năm trước.
Sông Ngàn Sâu ở thượng nguồn huyện Hương Khê hiện sạt lở mạnh
Theo thống kê chưa đầy đủ, sông Ngàn Sâu trên toàn huyện Hương Khê có đến gần 20 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 20 km.
Đây là những địa bàn nằm ở thượng nguồn của sông Ngàn Sâu, nơi lòng sông hẹp, nước chảy xiết, hai bên bờ sông là nền đất yếu, chủ yếu là đất cát, bờ sông lại dốc thẳng đứng, cao từ 5 đến 8 mét và hầu như toàn bộ kè bảo vệ bằng lũy tre già và cây cổ thụ đã bị lũ cuốn trôi mất.
Tại địa bàn xã Lộc Yên, sông Ngàn Sâu đã nuốt chửng một diện tích lớn đất sản xuất, vườn tược, thậm chí là "cắn" đứt cả đường đi lại của người dân
Tình trạng biến đổi khí hậu (thượng nguồn thường có mưa lớn, cực đoan, kéo dài nên nước đổ về dâng nhanh và chảy xiết tạo thành lũ ống, lũ quét) cộng với việc xả lũ của Nhà máy thủy điện Hố Hô với lưu lượng lớn cũng là nguyên nhân lớn khiến tình trạng đất hai bên bờ sông Ngàn Sâu ở các địa phương trên bị sạt lở nhanh chóng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Nguyễn Văn Việt, tình hình sạt lở hai bên bờ sông Ngàn Sâu đã ảnh hưởng, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản, hoa màu của hàng trăm hộ dân, ảnh hưởng gián tiếp đến đời sống của hàng ngàn hộ dân thuộc nhiều xã.
Ông Việt cho biết, để bảo đảm an toàn cho người dân, thời gian qua, huyện Hương Khê đã thông báo khẩn cấp các đoạn đất lở, tổ chức rào chắn các đoạn sạt lở, đặt biển cảnh báo nguy hiểm.
Tại huyện Hương Sơn, tình trạng lở đất tại bờ sông cũng diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Đã có nhiều diện tích đất canh tác, cây cối bị nước sông cuốn trôi.
Ghi nhận tại thôn 1, 3, 4 của xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, tình trạng này diễn ra rất đáng lo ngại. Tại bờ sông lượng đất cát sạt lở xuống sông, nhiều cây cối không còn chỗ bám trụ rễ trồi lên mặt đất, ngoài ra bờ kè đã hư hỏng, xuống cấp.
Riêng nhà anh Đoàn Thanh Long (trú thôn 1), mực nước sông chỉ cách bờ tường nhà khoảng chưa đầy 2m. Mặc dù gia đình đã làm kè bằng đá và thép nhằm giữ đất và nhà nhưng biện pháp này chỉ là cách đối phó trong một thời gian ngắn.
Nhà anh Đoàn Thanh Long trước nguy cơ bị sông Ngàn Sâu nuốt chửng.
Anh Long cho hay, ngôi nhà gia đình đang sinh sống được xây dựng khoảng 10 năm trước. Ở thời điểm đó, vị trí từ nhà ra sông cách hơn 40m, nhưng nay chỉ cách vài bước chân. Trước mắt địa phương chưa có phương án, gia đình không có tiền để chuyển đi nơi khác nên đành phải ở lại cầm cự sống “treo” bên miệng “hà bá”.
Ông Thái Vỹ Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho hay, trên địa bàn xã có khoảng hơn 100 hộ dân sinh sống dọc theo bờ sông Ngàn Sâu, tất cả đều có đất đai, nhà cửa nằm trong vùng nguy cơ bị sạt lở. Theo ông Tuyến, nguyên nhân khiến bờ sông bị sạt lở là do địa chất yếu và đất dạng cát pha, dễ tan nhanh trong nước, cứ mỗi mùa mưa bão đi qua thì sông lại lấn thêm vào bên trong đất liền.
Bờ sông Ngàn Sâu tại xã Sơn Long cho thấy, tình trạng sạt lở sẽ còn diễn biến phức tạp
“Mỗi mùa mưa bão đi qua sông lại lấn thêm vào đất liền, người dân vô cùng hoang mang, lo lắng. Trước thực trạng này, địa phương cũng nhiều lần đề xuất lên cấp trên để xây dựng lại bờ kè nhưng chưa có nguồn vốn nên đến nay vẫn chưa thể thực hiện”, ông Tuyến cho hay.
Cần hàng ngàn tỷ đồng để "vá" bờ sông, bờ biển
Theo thống kê của BCH PCLB-TKCN tỉnh Hà Tĩnh, hiện trên địa bàn có khoảng 130 km bờ sông, bờ biển bị sạt lở, uy hiếp đến tính mạng và tài sản trực tiếp của trên 1.000 hộ dân.
Theo PCT UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn, thời gian qua, dưới sự hỗ trợ, đầu tư của Chính phủ, Hà Tĩnh đã triển khai một loạt giải pháp hạn chế tối đa tình trạng sạt lở tại bờ sông, bờ biển như: quy hoạch các khu tái định cư; hỗ trợ người dân di dời ra khỏi khu vực bờ sông hay bị sạt lở; quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, công trình khác) cách xa khu vực bờ sông; tổ chức nhân dân trồng tre xanh dọc hai bên bờ sông hạn chế sạt lở; nghiêm cấm và xử lý nghiêm các đối tượng hút cát trái phép dọc sông Ngàn Sâu; huy động, lồng ghép các chương trình, dự án trong và ngoài nước, nguồn vốn chống biến đổi khí hậu để tổ chức xây dựng các đoạn kè xung yếu....
Dù đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên, theo PCT UBND tỉnh Hà Tĩnh, tình trạng sạt lở ở bờ sông, bờ biển ở tỉnh này vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, đặc biệt là trong mùa mưa bão.
Hiện Hà Tĩnh đang rất cần Trung ương hỗ trợ hàng ngàn tỷ đồng về vốn cùng các giải pháp khoa học để hạn chế tối đa tình trạng sạt lở tại các bờ sông, bờ biển.