Thực phẩm là một trong những mặt hàng tăng mạnh nhất trong tháng 2, tăng 9,8% so với tháng 1, một phần do hạn hán nghiêm trọng đẩy giá thịt và các thực phẩm khác lên cao. Theo sau là công nghệ thông tin - truyền thông và nhà hàng - khách sạn. Đây đã là tháng thứ 13 liên tiếp mà lạm phát tăng.
Lạm phát tăng đã tác động trực tiếp đến thị trường, nhà hàng và từng hộ gia đình ở Argentina. Nhiều người nước này đang phải tính toán cẩn thận mỗi bữa ăn và hạn chế mọi nhu cầu không thiết yếu.
Lần đầu tiên trong hơn 30 năm, lạm phát tại Argentina vượt 100% (Ảnh: Bloomberg)
“Không còn gì cả, không có tiền, mà không có tiền thì làm sao mua được hàng hoá?” bà Irene Devita, 74 tuổi, một người về hưu, cho biết khi bà xem giá hàng tạp hóa tại một hội chợ ở San Fernando, ngoại ô Buenos Aires.
Với tình hình lạm phát quá cao, giá thay đổi gần như hàng tuần. “Hôm trước tôi mua 3 quả quýt, 2 quả cam, 2 quả chuối và nửa ký cà chua. Khi người bán hàng nói với tôi giá của chúng là 650 peso (khoảng 75 nghìn VNĐ), tôi đã trả lại và chỉ lấy mỗi cà chua vì không đủ tiền”, bà Devita kể.
Cô Jesica Fernández từng cùng 7 thành viên gia đình tụ họp vào mỗi cuối tuần cho bữa tiệc thịt nướng. Song giờ đây, thịt bò không còn trong thực đơn của gia đình cô nữa và có nhiều khả năng ăn mỳ Ý hoặc cánh gà để thay thế.
Fernández cho biết tại một đất nước yêu thịt bò như Argentina, tiệc nướng giờ chỉ xuất hiện vào ngày sinh nhật hoặc dịp đặc biệt.
Cô Fernández, 31 tuổi, nằm trong số hàng triệu người Argentina đang phải vật lộn để kiếm sống khi tỷ lệ lạm phát hàng năm của đất nước đạt mức 102,5% hàng năm vào tháng Hai, lần đầu tiên nó đạt ba con số kể từ năm 1991.
“Chúng tôi mua ít thịt bò và mọi thứ hơn. Trên thực tế, tôi không thể mua những thứ xa xỉ như trước đây”, cô cho biết.
Daisy Choque Guevara, 42 tuổi, cho biết: “Tình hình rất khó khăn và mỗi ngày nó lại trở nên tồi tệ hơn”.
Mabel Espinosa, 37 tuổi, đang đi dạo quanh chợ cùng đứa con 10 ngày tuổi, Gael, với hy vọng tìm được những món hời để mua đủ thức ăn cho bản thân, chồng và 6 đứa con.
“Tiền không đủ cho bất cứ thứ gì. Đồ nướng ư? Hãy quên nó đi”, Espinosa nói.
Lạm phát tăng cao khiến người dân Argentina thắt chặt chi tiêu (Ảnh: AFP)
Người dân Argentina từ lâu đã phải chịu đựng những đợt giá cả tăng cao, tồi tệ hơn những nơi khác, vì xu hướng in tiền của chính phủ để tài trợ cho chi tiêu. Xu hướng đó tăng nhanh trong đại dịch COVID-19 khi đồng nội tệ mất giá mạnh cũng đẩy giá cả lên cao hơn.
Để đối phó lạm phát và ngăn đồng Peso mất giá, chính quyền của Tổng thống Alberto Fernandez đã áp dụng chính sách hỗ trợ tỷ giá với một số ngành nhất định. Việc này giúp các doanh nghiệp mua được USD với giá rẻ hơn thị trường. Tỷ giá hiện đang ở mức khoảng 200 Peso đổi 1 USD.
Với mức lạm phát trên 100%, Argentina hiện chỉ đứng sau Zimbabwe, Lebanon, Venezuela và Syria về tốc độ tăng giá. Tất cả các quốc gia này đều có mức lạm phát 3 con số trong năm 2022.
Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và giá năng lượng leo thang đã đẩy tỷ lệ lạm phát tại Ba Lan trong tháng 2 chạm mức cao nhất trong vòng 26 năm qua.
Một người tiêu dùng Ba Lan nói: “Tôi có cảm giác lạm phát thực tế còn cao hơn các số liệu được công bố. Giá cả đang tăng mạnh trong thời gian gần đây, đặc biệt là thực phẩm. Ví dụ đối với cà chua, hiện tại tôi phải trả khoảng 20 zloty/kg, thay vì 12 như trước đây. Giá ớt cũng tăng mạnh. Tôi chưa từng chứng kiến điều này trước đây".
Chi phí sinh hoạt đắt đỏ hơn đồng nghĩa với việc anh Patryk buộc phải cân đối lại các khoản chi tiêu, bởi chưa thể biết chắc bao giờ đà tăng giá hiện nay mới dừng lại.
Tuệ Uyên - TTTĐ