Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19 và đặc biệt là đợt dịch thứ 4 vừa qua (từ 27/04/2021 đến nay) đã khiến cho nhiều gia đình phải trì hoãn lại các kế hoạch tổ chức đám cưới của mình.
Mùa cưới “rộn ràng” mang theo nhiều trở ngại
Tranh thủ đợt nới lỏng giãn cách từ đầu tháng 10 vừa qua, nhiều gia đình đã quyết định tổ chức đám cưới cho con cái theo đúng như kế hoạch đã lập ra trong điều kiện chưa có dịch.
Có nhiều hình thức để tổ chức tiệc cưới, có thể tổ chức tại nhà hoặc chọn một nhà hàng phù hợp, nhưng “đau đầu” nhất vẫn là tính toán về số lượng danh sách khách mời đến dự. Bởi một tiệc cưới thành công sẽ được thể hiện thông qua số mâm cỗ và số người đến dự; tiệc cưới được coi là “cháy cỗ” nếu số lượng mâm cỗ và người đến dự có sự chêch lệch lớn.
Mặc dù, các quy định về phòng, chống dịch bệnh đã được nới lỏng hơn trước nhưng số các ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng động tại nhiều địa phương vẫn đang gia tăng từng ngày. Việc các gia đình “rầm rộ” tổ chức đám cưới có thể dễ rơi vào hoàn cảnh “cháy cỗ” và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng.
Đi ăn cưới: Chưa ăn nhưng bụng đã “lo”
“Trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, gia đình tôi nhận được rất nhiều thiệp cưới từ bạn bè, người thân. Thậm chí, vợ chồng tôi còn phải sắp xếp công việc chia nhau mỗi người dự một nơi mà vẫn đi không xuể. Cũng biết là dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng khổ nỗi đây đều là chỗ người nhà thân thiết, địa điểm cưới cũng gần nhà, hơn nữa đám cưới trước của con mình họ đều đến dự nhiệt tình nên giờ mình không đi thì cảm thấy áy náy lắm” - gia đình ông Trần Đình Chiến ở Thái Bình chia sẻ.
Gia đình ông Chiến nhận được tới 5 cái thiếp mời chỉ trong 2 ngày cuối tuần. Ảnh NVCC
Nhận biết được sự nguy hiểm và khó lường của dịch bệnh nhưng đa số mọi người đều cố gắng sắp xếp công việc để đến tham dự các tiệc cưới do người thân trong dòng họ, xóm làng tổ chức với suy nghĩ “vì con vì cháu, vì tình cảm 2 bên gia đình”. Mục đích đến dự đám cưới để chung vui với gia chủ, nhưng tham dự trong hoàn cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay cũng khiến cho không ít người không khỏi lo lắng, bồn chồn.
Khác với gia đình ông Chiến, anh Lê Văn Tuấn phải đến tham dự đám cưới ở một địa điểm cách xa nhà mình nên anh cảm thấy vô cùng bất an. “Tôi ở huyện Thái Thụy nhưng lại có đám cưới của bà chị trên thành phố Thái Bình. Ở Thái Bình số ca nhiễm chưa nhiều nhưng đã xuất hiện tại nhiều huyện khác nhau. Đến tham dự trong tâm thế hoang mang khiến tôi không được thoải mái; tôi không dám bắt chuyện hay đứng cạnh ai quá lâu, tôi gần như đeo khẩu trang trong suốt buổi tiệc”.
Anh Tuấn cẩn trọng giữ khoảng cách với mọi người ngay cả trong mâm cỗ. Ảnh NVCC
Có thể thấy, dù đến tham dự tiếc cưới ở gần nhà hay nơi khác thì cũng vẫn đều có những sự lo lắng, bất an. Ở gần nhà thì sợ lây nhiễm dịch bệnh từ những người nơi khác đến dự và ngược lại đến dự ở nơi khác lại lo lây nhiễm từ chỗ đó.
Khách “lo” một - chủ nhà “lo” mười
Nhiều gia đình đã có kế hoạch tổ chức đám cưới cho con cái từ trước đợt dịch thứ 4 bùng phát nhưng cuối cùng vẫn phải hủy hết. Đây là sự kiện quan trọng trong gia đình, là hạnh phúc của con cái, nên các bậc cha mẹ đều mong muốn đám cưới của con mình được trọn vẹn có đầy đủ sự chứng kiến của người thân, bạn bè.
Thế nhưng để có thể tổ chức được một tiệc cưới thành công không hề đơn giản, nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh phức tạp như bây giờ.
Gia đình cô Nguyễn Thị Liên, 58 tuổi, quê ở Thái Bình quyết định tổ chức lễ cưới cho con trai vào Chủ nhật, ngày 07/11 vừa qua sau hơn 6 tháng trì hoãn vì dịch bệnh. Cô Liên cho biết: gia đình cô đã đặt mâm khách sạn từ trước, cũng đã gửi thiếp mời nhưng sát đến ngày tổ chức thì địa phương thông báo tạm dừng tất cả các tiệc cưới, hỏi trên địa bàn tỉnh. Thấy tình hình dịch bệnh đã chuyển biến tốt hơn trước và lo ngại đợt dịch tiếp theo có thể bùng phát trở lại nên cô đã quyết định tổ chức đám cưới cho con trai càng sớm càng tốt vì nếu hoãn nữa thì cô cũng không biết sẽ hoãn tới bao giờ.
“Lường trước được việc tổ chức trong điều kiện như vậy sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của khách mời, gia đình cô tính toán rất chi tiết và tỉ mỉ về số lượng khách mời sẽ đến dự để đặt mâm nhà hàng cho hợp lý. Cô còn cẩn thận tới mức vừa gửi thiếp mời lại vừa gọi điện để thăm dò thử xem họ có chắc chắn tới dự được hay không; ấy vậy mà vẫn ế mất gần chục mâm”.
Rất nhiều bàn tiệc ở trước khu vực lễ đường nhà cô Liên bị bỏ trống vì khách không đến dự. Ảnh NVCC
Không như gia đình cô Liên, gia đình ông Nguyễn Anh Dũng nhận thấy việc tổ chức đám cưới tại khách sạn với số lượng người lớn như thế rủi ro phát sinh rất cao nên ông Dũng đã chọn tổ chức tại nhà với số lượng người tham dự rất ít, chủ yếu là người trong họ hàng.
Theo ông Dũng: “Gia đình tôi cũng muốn tổ chức một đám cưới linh đình cho con cái nhưng dịch bệnh vẫn còn đang khá phức tạp, nếu tổ chức to sẽ không chỉ khiến cho người tổ chức gặp khó khăn mà cũng gây khó xử cho khách mời; để hạn chế điều đó, gia đình tôi quyết định sẽ chỉ tổ chức khoảng chục mâm cỗ nhỏ ở nhà và chỉ mời những người trong họ hàng, coi như là cưới lấy ngày cho các cháu sớm được chung một nhà còn với bạn bè, người quen chúng tôi sẽ đợi khi dịch bệnh hoàn toàn ổn định sẽ tổ chức sau”.
Gia đình ông Dũng chọn tổ chức tại nhà với chỉ khoảng gần chục bàn để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Ảnh NVCC
Như vậy, dù tổ chức tại nhà hay ở khách sạn, là khách mời hay gia chủ cũng đều mang trong mình những nỗi lo riêng. Dịch bênh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp vì vậy các gia đình nên cân nhắc thật kỹ các kế hoạch tổ chức đám cưới để tránh gây nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.
Xuân Lợi - Pháp luật Plus