Đã đến lúc Google, Facebook phải trả phí bản quyền cho báo chí
Kinhte&Xahoi
Trong đại dịch COVID-19, sự khó khăn của báo in nói riêng và báo chí nói chung ngày càng trở nên nghiêm trọng trước sự lấn lướt ngày càng mạnh của những nền tảng online như Google, Facebook. Vậy mà trong suốt nhiều năm qua, các đường link tin tức báo chí được dẫn lại trên Facebook hay những bài viết được Google lấy lại sử dụng cho dịch vụ Google News đều là “dùng chùa”, không hề có sự chia sẻ lại nguồn doanh thu quảng cáo thu được nhờ mảng tin tức lấy từ các cơ quan báo chí.
Google News (Google Tin tức) tại Việt Nam dẫn lại nguồn từ các báo và trang tin. Ảnh: Thế Lâm
Báo chí “nai lưng”
Trong diễn đàn “Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu” được tổ chức tại Hà Nội gần đây, một khó khăn được nêu ra là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, phần lớn các tòa soạn sụt giảm tới 50% doanh thu. Trong khi đó, những năm qua, doanh thu của Google và Facebook tại Việt nam luôn chiếm phần lớn tổng doanh thu trên thị trường quảng cáo trực tuyến. Cụ thể năm 2019, tổng giá trị thị trường quảng cáo trực tuyến tại Việt nam khoảng 648 triệu USD thì Facebook đã chiếm tới 275 triệu USD và Google là 174,9 triệu USD.
Nguồn thu quảng cáo của Google và Facebook tại Việt Nam có sự đóng góp lớn từ mảng tin tức sử dụng lại nguồn từ các báo và trang tin, qua đó giúp mang lại lượng views và giữ chân người dùng. Tuy nhiên trong suốt nhiều năm qua, các đường link tin tức báo chí được dẫn lại trên Facebook hay những bài viết được Google lấy lại sử dụng cho dịch vụ Google News đều là “dùng chùa” mà không hề có sự chia sẻ lại nguồn doanh thu quảng cáo thu được nhờ mảng tin tức này.
Trong lần trao đổi với PV Lao Động về vấn đề này, ông Lê Quốc Vinh - Chuyên gia truyền thông, Chủ tịch Le Group - cho rằng, xu thế hiện nay là sự cộng sinh trên các nền tảng. Tốc độ phát triển nhanh về công nghệ truyền thông của Google, Facebook khiến báo chí lệ thuộc vào họ để lan tỏa các bản tin hay bài viết. Chỉ có những tập đoàn báo chí lớn, những tờ báo mạnh không lệ thuộc mới có thể có tiếng nói, ra điều kiện để cộng tác với Google một cách công bằng. Còn các báo nhỏ, ít nhất trong một giai đoạn nhất định phải chấp nhập lệ thuộc, đồng nghĩa là chịu thiệt.
Anh Phước Quốc - quản trị kênh YouTube Gen Z - so sánh: “Tin tức báo chí và clip trên YouTube đều là những loại hình nội dung. Nhiều năm qua, Google đã chia sẻ doanh thu cho các nhà phát triển nội dung trên YouTube nhưng lại “dùng chùa” tin tức của các báo cho thấy sự chưa công bằng. Trong khi đó, các báo phải đầu tư nhiều công sức, tiền bạc, tài nguyên để sản xuất ra nhiều tin tức nhanh, nóng”.
“Ăn chùa” bản quyền tin tức
Phí bản quyền tin tức là vấn đề rộ lên gần đây sau khi Ủy ban Tiêu dùng và Cạnh tranh Australia (ACCC) lấy ý kiến công chúng nhằm gây áp lực ngày càng mạnh buộc các nền tảng online là Google và Facebook trả phí bản quyền tin tức cho các hãng tin, báo chí. Trong rất nhiều năm qua, dịch vụ Google News sử dụng lại tin tức từ nguồn báo chí ở rất nhiều quốc gia và thu về hàng chục tỉ USD doanh thu quảng cáo. Theo nghiên cứu, khoảng 40% số lượt nhấp vào công cụ tìm kiếm của Google (Google Search) là tìm đọc tin tức. Với lượng tin tức được Google dẫn lại ngồn ngộn trên Google Search, nền tảng online này thu về những khoản lớn doanh thu từ dịch vụ quảng cáo theo từ khóa.
Theo một nghiên cứu của Liên minh tin tức truyền thông Mỹ (News Media Alliance - NMA), Google thu về tới 4,7 tỉ USD doanh thu quảng cáo nhờ vào việc sử dụng lại nguồn tin tức từ báo chí thông qua trang Google News và dịch vụ tìm kiếm (Google Search) trong năm 2018. Khoảng thu này bằng 92% doanh thu quảng cáo trực tuyến của toàn ngành tin tức truyền thông Mỹ.
Các link tin tức được người dùng dẫn lên trang Facebook cá nhân và nhóm giúp cho mạng xã hội này trở thành nền tảng chia sẻ tin tức lớn nhất toàn cầu thu hút hàng chục tỉ lượt xem mỗi ngày. Chính lượng xem này cũng mang đến cho Facebook nguồn thu lớn về quảng cáo. Năm 2019, Facebook đạt 69,7 tỉ USD doanh thu từ quảng cáo, chiếm 98% tổng doanh thu của nền tảng mạng xã hội này.
Nghị viện Châu Âu vào tháng 3.2019 đã thông qua luật Chỉ thị bản quyền (Copyright Directive) yêu cầu các nền tảng công nghệ truyền thông trực tuyến như Google, Facebook phải trả phí bản quyền cho việc dẫn lại tin tức của các cơ quan thông tấn báo chí. Điều 17 của luật này thậm chí còn buộc Google, Facebook phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm bản quyền tin tức do người dùng tải lên các nền tảng này.
|
Diệu Tiên